• Zalo

Chính phủ bảo vệ quyền sở hữu vàng của người dân

Thời sựThứ Sáu, 25/11/2011 02:44:00 +07:00Google News

(VTC News)- Chính phủ chỉ đạo quản lý chặt chẽ việc xuất nhập khẩu và thị trường vàng, phấn đấu không để giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn so với thế giới.

(VTC News) – Đăng đàn trả lời chất vấn ĐBQH sáng 25/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo, giải trình thêm về một số nội dung mà nhiều ĐBQH và đồng bào cả nước quan tâm và theo Thủ tướng “cũng là những công việc mà Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo trong thời gian tới”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (Ảnh: VTC) 

Phấn đấu không để giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn so với giá thế giới

Thủ tướng Dũng cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh sản xuất, chuẩn bị đủ hàng hóa, bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là về lương thực, thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp cuối năm;

Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ tăng giá; tăng cường thông tin, tuyên truyền để ngăn chặn tình trạng tăng giá do tâm lý.

Chính phủ cũng chỉ đạo thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, vừa bảo đảm kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế, giảm dần lãi suất theo mức giảm của lạm phát và điều hành linh hoạt tỷ giá theo tín hiệu thị trường để khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập khẩu và bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam. Có giải pháp thích hợp để hỗ trợ phục hồi lành mạnh thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.

Cũng theo Thủ tướng, sẽ quản lý chặt chẽ việc xuất nhập khẩu và thị trường vàng, phấn đấu không để giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn so với giá thế giới; bảo vệ quyền sở hữu vàng của người dân; không để vàng trở thành phương tiện thanh toán phổ biến; có chính sách phù hợp để huy động nguồn lực vàng trong dân phục vụ mục tiêu phát triển.

Về tài khóa, Thủ tướng cho biết, năm 2012 tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, phấn đấu giảm mức bội chi ngân sách xuống dưới 4,8% và giảm dần trong những năm tiếp theo, bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn.

Chỉnh phủ cũng chỉ đạo tăng cường quản lý thu ngân sách, thực hiện quyết liệt các biện pháp chống thất thu, nhất là các khoản thu liên quan đến đất đai, chống gian lận thuế và chuyển giá, trốn thuế trong các doanh nghiệp đi đôi với tiết kiệm chi. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra các khoản chi ngân sách nhà nước; thực hiện nghiêm các quy định về mua sắm tài sản công.

Đối với giá điện, xăng dầu, than và các hàng hoá, dịch vụ quan trọng khác, Chính phủ đề nghị Quốc hội ủng hộ chủ trương kiên định thực hiện cơ chế giá thị trường; đồng thời, có hỗ trợ phù hợp đối với các đối tượng chính sách.

“Chính phủ sẽ xác định lộ trình hợp lý để thực hiện, vừa từng bước tiếp cận giá thị trường, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải công khai minh bạch kết quả sản xuất kinh doanh và giá thành sản phẩm để Quốc hội và cử tri giám sát. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sản xuất kinh doanh các mặt hàng này phải được cơ cấu lại bảo đảm hoạt động có hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ và vai trò Nhà nước giao” – Thủ tướng cho biết.

Hỗ trợ phải kèm theo giám sát với người nghèo do lười lao động

Về một số vấn đề xã hội bức xúc (các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm nghèo, lao động - việc làm), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, tai nạn và ùn tắc giao thông là vấn đề nghiêm trọng, bức xúc, theo đó, tại kỳ họp này, Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội có Nghị quyết về vấn đề này nhằm thống nhất nhận thức và hành động trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đề cao trách nhiệm và kỷ luật kỷ cương, huy động mọi nguồn lực để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thiết thực trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phấn đấu giảm dần tai nạn và ùn tắc giao thông.

Về nội dung tạo việc làm cho người lao động và giảm nghèo bền vững, theo Thủ tướng đây luôn được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, nhiều chính sách, giải pháp cụ thể đã được thực hiện và mang lại kết quả tích cực.

Cụ thể, năm 2011, cả nước tạo được khoảng 1,6 triệu việc làm, đạt kế hoạch đề ra. Trong năm 2012, việc thực hiện nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức hợp lý (khoảng 6 - 6,5%) là điều kiện quyết định để tạo thêm 1,6 triệu việc làm mới.

“Chính phủ sẽ thực hiện đồng bộ các chính sách đào tạo nghề, phát triển công nghiệp, dịch vụ để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm mạnh tỷ trọng lao động nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động trong công nghiệp và dịch vụ, nâng cao thu nhập” – Thủ tướng nói.

Về giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 22% năm 2005 xuống còn 9,45% năm 2010. Năm 2011, trong điều kiện phải tập trung kiềm chế lạm phát, cắt giảm chi tiêu công nhưng Nhà nước vẫn ưu tiên nguồn lực để bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%, đạt mục tiêu đề ra.

Theo Thủ tướng, sẽ tiếp tục đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, tập trung nguồn lực để hỗ trợ đào tạo nghề, tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng; hỗ trợ học phí và tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên nghèo; hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là số người nghèo chưa có bảo hiểm y tế.

Cùng với đó, thực hiện việc phân loại hộ nghèo để có phương thức hỗ trợ phù hợp. Riêng đối với những người nghèo do lười lao động thì việc hỗ trợ phải kèm theo sự giám sát và giáo dục của cộng đồng.

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn