Mặc dù miêu tả cuộc đối thoại là "hữu ích," ông Lavrov vẫn thừa nhận rằng giữa Nga và Mỹ "không có tầm nhìn chung".
Ông Lavrov tiếp tục khẳng định Nga sẽ "tôn trọng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý" ở Crưm và rằng các biện pháp trừng phạt sẽ phản tác dụng và gây phương hại đến quan hệ của Matxcơva với các nước.
Cũng theo Ngoại trưởng Nga, nước này "không có và không thể có bất cứ kế hoạch nào nhằm xâm lược khu vực miền Đông Nam của Ukraine".
Ngoại trưởng Mỹ Kerry và Ngoại trưởng Ngan Sergei Lavrov tại cuộc đàm phán ở lâu đài Winfield House, London |
Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng sẽ có phản ứng mạnh mẽ hơn, nếu Nga tiếp tục làm leo thang căng thẳng tình hình tại Ukraine và đe dọa người dân nước này.
Sau 6 giờ đàm phán "thẳng thắn" với ông Lavrov ở London, ông Kerry khẳng định Mỹ và cộng đồng quốc tế sẽ không công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Crưm và Nga sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt nếu cuộc trưng cầu dân ý diễn ra như dự kiến.
Trong lúc đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bác bỏ các cáo buộc của Phương Tây rằng cuộc trưng cầu dân ý ở Crưm về khả năng sáp nhập vào Nga là bất hợp pháp đồng thời khẳng định cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra đúng theo kế hoạch vào ngày 16/3 tới.
Theo Điện Kremlin, trong cuộc điện đàm với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, ông Putin đã "nhấn mạnh rằng quyết định tiến hành (cuộc trưng cầu dân ý) hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc".
Bên kia Đại Tây Dương, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết ông tiếp tục hy vọng về một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Crưm, song cảnh báo về "những hậu quả" dành cho Nga nếu không tìm được giải pháp nào.
Phát biểu trong cuộc gặp Thủ tướng Ireland Enda Kenny, ông Obama nêu rõ: "Chúng tôi tiếp tục hy vọng sẽ tìm được một giải pháp ngoại giao, song Mỹ và châu Âu không chỉ đoàn kết trong thông điệp về chủ quyền của Ukraine, mà còn nhất trí rằng sẽ có những hậu quả nếu chủ quyền trên thực tế tiếp tục bị xâm phạm".
Tùng Đinh (Tổng hợp)
Bình luận