Chính biến Myanmar: Thêm loạt quan chức bị bắt giữ

Thời sự quốc tếThứ Năm, 11/02/2021 13:50:08 +07:00
(VTC News) -

Phụ tá thân cận của Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức khác đã bị bắt giữ trong làn sóng kiểm soát mới sau cuộc đảo chính quân sự hôm 1/2.

Theo đó, trong diễn biến mới nhất trên chính trường Myanmar, phụ tá Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi - Kyaw Tint Swe, từng là Bộ trưởng Văn phòng Cố vấn nhà nước dưới thời bà Suu Kyi đã bị bắt giữ.

Kyi Toe, thành viên Ủy ban thông tin đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi, cho biết Kyaw Tint Swe và 4 người khác có liên hệ với chính phủ trước đó đã bị bắt giữ vào đêm 10/2. Ông cũng cho biết, các quan chức của ủy ban bầu cử cũng đã bị bắt trong đêm, trong đó có một số người ở cấp thị trấn.

Chính biến Myanmar: Thêm loạt quan chức bị bắt giữ - 1

Biểu tình diễn ra nhiều ngày liên tiếp ở Myanmar phản đối đảo chính quân sự. (Ảnh: AP)

Hôm 1/2, quân đội tiến hành cuộc đảo chính, bắt giữ Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức trong chính quyền Myanmar. Họ cáo buộc gian gian lận trên diện rộng trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái với chiến thắng áp đảo thuộc về đảng NLD , song Ủy ban bầu cử đã bác những cáo buộc này.

Cuộc đảo chính khiến làn sóng biểu tình nổ ra khắp cả nước, kéo dài sang ngày thứ 6 liên tiếp. Hàng nghìn người lao động đã xuống đường ở thủ đô Naypyidaw, hô vang các khẩu hiệu chống chính quyền và mang theo các biểu ngữ “phản đối đảo chính quân sự” và “cứu Myanmar”. Một số giơ cao những bức ảnh của Suu Kyi với dòng chữ "chúng tôi tin tưởng nhà lãnh đạo được bầu".

Các cuộc biểu tình cũng tiếp tục ở Yangon, thành phố lớn nhất và là trung tâm thương mại của Myanmar. Nhóm người biểu tình bên ngoài ngân hàng trung ương Myanmar hô vang “không đến văn phòng làm việc”. Đây là một phần của tổ chức “phong trào bất tuân dân sự”, diễn ra trên khắp cả nước, kêu gọi các công chức và những người trong các ngành khác ngừng công việc và gây áp lực lên chính quyền.

“Chúng tôi sẽ không làm việc này trong một tuần hoặc một tháng. Chúng tôi quyết tâm làm điều này cho đến khi bà Suu Kyi và Tổng thống U Win Myint được thả”, một nhân viên ngân hàng tham gia cuộc biểu tình cho biết.

Hôm 11/2, nhiều thông tin cho rằng chính quyền đang lên kế hoạch áp đặt các hạn chế internet khắc nghiệt hơn và kéo dài.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua lệnh hành pháp, áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với những người chịu trách nhiệm về cuộc đảo chính, đồng thời liên tục yêu cầu các tướng lĩnh từ bỏ quyền lực và trả tự do cho các nhà lãnh đạo dân sự.

Các biện pháp trừng phạt của Washington có khả năng nhắm vào thủ lĩnh cuộc đảo chính Min Aung Hlaing và các tướng lĩnh hàng đầu khác, những người đã bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt vào năm 2019 vì lạm dụng người Hồi giáo Rohingya và các dân tộc thiểu số khác. Bên cạnh đó, lệnh trừng phạt này cũng có thể nhắm mục tiêu vào các công ty quốc phòng nắm giữ các khoản đầu tư bao gồm ngân hàng, đá quý, đồng, viễn thông và quần áo.

Kông Anh(Nguồn: SCMP)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp