• Zalo

Chìm tàu trên sông 4 người chết: Cậu bé 6 tuổi bơ vơ giữa dòng đời

Thời sựThứ Tư, 06/07/2016 17:07:00 +07:00Google News

Sau cú đâm va, chiếc tàu chở đá hộc chìm nghỉm, kéo theo 4 người trong một gia đình xuống lòng sông Hồng, để lại cậu bé 6 tuổi bơ vơ giữa dòng đời.

“Chiếc tàu chìm như tảng đá”

Chiều 5/7, trời đổ mưa tầm tã, nhưng ở đoạn sông Hồng chảy qua xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, hàng trăm người dân, cán bộ chính quyền, công an địa phương và đội trục vớt vẫn hối hả, miệt mài tìm kiếm thi thể bé Trần Văn Duy, 8 tuổi, nạn nhân còn mất tích trong vụ chìm đò làm 4 người trong một gia đình tử vong ngày 4/7.

Trên bờ sông, ngay rìa vạt chuối đã dựng vội tấm bạt làm lều, nơi ấy còn lại 1 chiếc quan tài để đợi đưa thi hài bé Duy lên, chậu nước, lọ hoa cúc trắng, bát cơm, quả trứng và bộ quần áo đã để sẵn.

Không chỉ lực lượng chức năng, rất đông ngư dân cũng đến hiện trường hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân 

Theo ông Lê Phương Huy, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Thái Bình, vụ tai nạn xảy ra khoảng 15h30, ngày 4/7, trên tuyến sông Hồng, khu vực xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Tàu thủy NB-2434 do Trần Văn Tuấn (SN 1975) điều khiển va chạm với tàu NB-6913 do Phạm Văn Hiến (SN 1990, ở xã Trung Phong, huyện Trường Yên, tỉnh Ninh Bình) làm thuyền trưởng, đi cùng chiều. Vụ va chạm khiến tàu NB-2434 chìm.

Bốn người trên tàu gồm Trần Văn Tuấn (SN 1975); Trần Thị Hái (vợ anh Tuấn, SN 1977) và 2 con là Trần Văn Duy (8 tuổi), Trần Thị Đào (2 tuổi), đều ở thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình tử vong.

Chị Hoạt, người dân xã Hồng Lý kể: Tàu của anh Tuấn đang di chuyển vượt tàu có kích thước lớn hơn mang số hiệu NB-6661 đi cùng chiều. Tuy nhiên, do tàu anh Tuấn nhỏ, trong quá trình vượt, đuôi tàu của anh Tuấn đã bị mắc vào đầu tàu NB-6661. Sau đó, tàu của anh Tuấn bị quay ngang đột ngột. Ngay lúc đó, chiếc tàu số hiệu NB-6913 do đang đi gần đó, không kịp tránh nên đã xảy ra va chạm và đâm chìm tàu NB-2434. “Tàu anh Tuấn chở đá hộc nặng nên khi va chạm thì chìm rất nhanh”.

Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, các lực lượng chức năng địa phương đã có mặt tại hiện trường, khẩn trương triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn. Đến 21h đêm 4/7, cơ quan chức năng đã vớt được thi thể anh Tuấn, 7h30 sáng qua, tiếp tục huy động thêm 8 thuyền câu đến rà tìm trên khúc sông này và đã tìm thấy thi thể chị Hái và cháu Đào. “Sáng qua đã đưa thi thể chị Hái và cháu Đào lên bờ, cháu Đào vẫn được mẹ ôm chặt trong tay”, chị Hoạt nghẹn ngào.

Đến khoảng 10h trưa 5/7, gia đình và lực lượng chức năng tiếp tục huy động thêm một đội thợ lặn chuyên nghiệp đến từ Hải Phòng để tìm kiếm thi thể cháu Duy. Tuy nhiên, do thời tiết mưa to đã gây nhiều khó khăn cho công tác tìm kiếm.

Ông Toàn, chú họ Duy cho hay, nghe tin vụ tai nạn, ông đã bỏ việc chạy xe ôm ở Gia Viễn, Ninh Bình để đến đây tìm cháu. Lấy tay ra dấu thánh giá phía trước mặt, ông Toàn thì thầm: “Con ơi, chỉ còn mình con ở dưới đó, bố mẹ và em được mọi người đưa về quê mình rồi Duy ơi…”.

Ông Khuất Việt Hùng hỏi thăm bé Khánh, cậu bé còn ngơ ngác chưa hiểu nỗi dau mất bố mẹ

San sẻ nỗi đau, hỗ trợ người ở lại

Ngay sau khi nhận được thông tin vụ tai nạn, đoàn công tác của Ủy Ban ATGT Quốc gia do ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách làm trưởng đoàn đã khẩn trương có mặt tại hiện trường. Tại bờ sông Hồng qua xã Hồng Lý, ông Hùng đã thăm hỏi thân nhân gia đình người bị nạn; Kiểm tra, chỉ đạo công tác tìm kiếm các nạn nhân.

“Đây là sự việc đáng tiếc, ngay sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia đã gửi lời thăm hỏi, yêu cầu Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT khẩn trương xuống hiện trường để trực tiếp chỉ đạo, theo dõi sự việc, thăm hỏi, hỗ trợ gia đình các nạn nhân. Bây giờ mục tiêu quan trọng nhất là phải tìm được cháu Duy. Sau đó, mới xác định nguyên nhân hay trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan”, ông Khuất Việt Hùng nói.

Empty

Các thợ lặn đang nỗ lực tiếp tục tìm kiếm nạn nhân cuối cùng mất tích trong vụ chìm tàu

Sau đó, xé màn mưa giăng trong chiều muộn, ông Khuất Việt Hùng cùng đoàn công tác đã tới xóm 2, thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình để chia sẻ nỗi đau với gia quyến các nạn nhân. Do anh Tuấn, chị Hái không có nhà ở trên bờ, nên ba thi thể được đưa về làm tang lễ tại nhà thờ.

Thẫn thờ nhìn ba chiếc quan tài sắp hàng, bà Phan Thị Hường, mẹ đẻ anh Tuấn cho hay, bốn người trong gia đình ra đi, để lại cậu bé Trần Văn Khánh (6 tuổi). “Bình thường, thằng Duy lên bờ đi học với tôi, còn thằng Khánh đi cùng bố mẹ. Đợt này nghỉ hè, thằng Duy xuống thuyền, thì bố mẹ nó cho thằng Khánh về học chữ vào lớp 1. Mới 10 ngày trước, cả nhà nó vừa ghé thuyền về thăm tôi, nay chả còn đứa nào hết cả”, bà Hường khóc nấc.

Video: Mô phỏng vụ chìm tàu trên sông Hàn

Bà Hoan, hàng xóm của gia đình cho hay, chồng bà Hường mất sớm, bà phải nuôi 5 người con trong cảnh nghèo khó. Ở quê nhưng nhà bà Hường chỉ có 50m2 đất, căn nhà như 1 túp lều, nên 2 cô con gái lớn phải đi xây dựng kinh tế mới trong Tây Nguyên. Hai cậu em trai anh Tuấn cũng chưa có việc làm, hiện đang ở chung với mẹ. Gia cảnh khó khăn, nhà cửa chật chội, nên anh Tuấn - chị Hái lấy thuyền làm nhà, gửi con cho mẹ già nuôi để còn đi học.

“Bà Hường bị tiểu đường nặng, lại bệnh tim nữa, giờ làm sao nuôi nổi cháu Khánh đây?”, bà Hoan lo lắng thay cho người hàng xóm tội nghiệp.

Tàu bị nạn quá hạn đăng kiểm hơn 7 năm rưỡi

 Chiều 5/7, Phó cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Trần Văn Thọ có mặt tại hiện trường vụ tàu chìm trên sông Hồng (đoạn qua xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư, Thái Bình) phối hợp chỉ đạo tìm kiếm thi thể nạn nhân và khắc phục hậu quả tai nạn làm 4 người chết. Ông Thọ cho biết, thông tin sơ bộ cho thấy vụ tai nạn liên quan đến 3 phương tiện. Đó là tàu NB-2434 (bị đắm), tàu NB-6661 và tàu NB-6913.

 Ngay sau khi tai nạn xảy ra, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã chỉ đạo Chi cục ĐTNĐ phía Bắc, Đội Thanh tra - An toàn số 4 phối hợp cùng Công ty CP Quản lý đường sông số 2 có mặt kịp thời tại hiện trường nắm bắt tình hình, cùng các cơ quan chức năng phối hợp, triển khai các biện pháp tìm kiếm người bị nạn, khắc phục sự cố, trục vớt phương tiện, thu thập chứng cứ, xác minh làm rõ nguyên nhân vụ việc. Cục cũng cử đoàn công tác trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra và thăm hỏi gia đình các nạn nhân.

 Chiều 5/7, thông tin từ Cục Đăng kiểm VN cho biết, đã xác định được hồ sơ kỹ thuật của các phương tiện thủy trong vụ tai nạn kể trên, trong đó tàu bị nạn đã quá hạn đăng kiểm định kỳ từ cách đây hơn 7,5 năm.

 Cụ thể, tàu NB-2434 (bị chìm, hai vợ chồng và 2 con nhỏ cùng thiệt mạng) có công suất máy 87CV, dài 33,1m và rộng 4,67m, công dụng chở hàng khô, do Trần Văn Tuấn (nạn nhân, xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn, Ninh Bình) đứng tên đăng ký. Tàu hết hạn đăng kiểm định kỳ từ 25/11/2008 và đơn vị quản lý đăng kiểm tại thời điểm trên là Ban Đăng kiểm thủy thuộc Sở GTVT Ninh Bình.

 Phương tiện đâm va là tàu NB-6913, công suất máy 500CV, có chiều dài 63,35m và rộng 8,89m, cũng có công dụng chở hàng khô. Chủ tàu là Phạm Văn Hiến (xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình). Chiếc tàu này được đóng mới và bắt đầu khai thác từ ngày 17/5/2016, giấy chứng nhận kiểm định còn hiệu lực đến ngày 17/5/2017. Đơn vị kiểm định là Chi cục Đăng kiểm số 2 (trụ sở tại Nam Định).

(Nguồn: baogiaothong.vn)
Bình luận
vtcnews.vn