• Zalo

Chim cánh cụt ở Nam Cực hạnh phúc hơn khi băng biển tan

Khám pháThứ Bảy, 27/06/2020 07:24:27 +07:00Google News
(VTC News) -

Trong khi các nhà khoa học lo lắng về tình trạng tan băng ở Nam Cực, đây dường như lại là tin vui với loài chim cánh cụt.

Một nghiên cứu được công bố mới đây trên tạp chí Science Advances cho thấy, nhiều loài chim cánh cụt thích vùng biển ở phía Nam không bị đóng băng, hoặc lượng băng biển ở đây càng ít càng tốt. 

Trong quá khứ, các nhà khoa học nhận ra sự tương quan giữa phạm vi băng biển ở Nam Cực và việc sinh sản của loài chim cánh cụt Adelie, tuy nhiên họ chưa tìm ra bằng chứng chứng minh mối liên kết này. 

Để nghiên cứu sâu về vấn đề trên, một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu vùng cực Nhật Bản đã gắn thẻ điện tử cùng thiết bị GPS, gia tốc kế và máy quay video vào 175 con chim cánh cụt nhằm theo dõi sự thay đổi trong chuyển động và hành vi của loài này trong vài năm khi các dải băng trên biển suy yếu dần. 

Chim cánh cụt ở Nam Cực hạnh phúc hơn khi băng biển tan - 1

Nhóm nghiên cứu gắn thiết bị cho gần 200 con chim cánh cụt thể theo dõi. (Ảnh: UPI)

Dữ liệu mới cho thấy mức bao phủ băng ở Nam Cực ảnh hưởng đáng kể tới cách chim cánh cụt di chuyển và tiếp cận thức ăn. 

Cụ thể, chim cánh cụt di chuyển trong nước hiệu quả hơn nhiều so với trên băng. Khi mực nước biển ở mức tối thiểu, chim cánh cụt đi lại dễ dàng hơn, bơi và lặn ở bất cứ đâu chúng muốn. 

"Chúng trở về tổ một cách nhanh chóng, đồng nghĩa những con con đang chờ ở tổ sẽ có thức ăn thường xuyên hơn. Nhìn chung, các điều kiện tìm kiếm thức ăn được cải thiện do số băng biển bị mất đi. Nói một cách đơn giản, chim cánh cụt hạnh phúc hơn khi băng biển ít đi", nhà nghiên cứu Yuuki Watanabe, Viện nghiên cứu vùng cực Nhật Bản cho hay. 

Lớp băng biển ít đi cũng khiến nhiều ánh sáng mặt trời chiếu vào nước hơn, giúp các sinh vật phù du vốn là thức ăn của các loài nhuyễn thể phát triển tốt hơn. Nhuyễn thể là nguồn thức ăn chính của chim cánh cụt Adelie.

Với nghiên cứu mới này, các nhà khoa học hy vọng họ sẽ tiếp tục khám phá thêm mối liên hệ giữa băng biển và các loài chim cánh cụt khác sống ở các khu vực của Nam Cực. 

Diệu Hoa(Nguồn: UPI)
Bình luận
vtcnews.vn