Tập thể giáo viên Vật lý Trường THPT Phan Đình Giót (Điện Biên) đưa ra những lưu ý bổ ích giúp thí sinh hoàn thành tốt bài thi Vật lý THPT quốc gia.
Các thầy cô cũng chỉ ra nhiều lỗi thí sinh hay mắc phải khi làm bài thi môn học này.
Chiêu làm bài trắc nghiệm Vật lý
Làm bài thi trắc nghiệm học sinh hay bị áp lực thời gian; do đó, các em cần phân bố thời gian làm bài thích hợp.
Đối với đề thi trắc nghiệm môn Vật lý có 40 câu, thời gian làm bài 60 phút, học sinh nên phân bố thời gian như sau:
20 phút đầu: Học sinh nên làm các câu lý thuyết trước. 20 phút tiếp theo: Làm các câu bài tập cơ bản. 15 phút tiếp theo, suy nghỉ làm các câu khó (thường khoảng 2 câu lý thuyết học sinh còn phân vân và 3 bài tập hơi phức tạp). 5 phút cuối, học sinh hoàn thành bài thi.
Khi làm bài thi trắc nghiệm, học sinh lưu ý làm xong câu nào nên tô ngay đáp án được chọn vào bài câu đó. Câu nào quá 3 phút chưa giải phải chuyển qua giải câu khác. 5 phút cuối, câu nào chưa tìm được đáp án, học sinh cũng phải chọn một đáp án nào đó tô vào bài làm cho hoàn tất bài thi.
Học sinh đọc đề nên phân chia câu hỏi thành 3 loại: Hệ thống các câu dễ phải làm ngay; hệ thống câu hỏi biết cách làm nhưng phải biến đổi mất thời gian – nên bắt tay vào làm sau khi đã hoàn thành các câu dễ; hệ thống câu hỏi không làm được – chỉ nên dành thời gian sau khi đã chắc chắn hoàn thành hết các câu trên.
Các em nhớ soát lại giữa bài làm và phiếu tô để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.
Lỗi hay mắc phải khi làm bài thi Vật lý
Vài năm trở lại đây, đề thi môn Vật lý khó hơn. Các câu hỏi lý thuyết “đánh” mạnh vào bản chất vấn đề chứ không phải là thuộc lòng. Chính vì vậy, khi làm bài thi các em thường mắc một số lỗi sau:
Không đọc kỹ đề bài và không để ý đến những từ ngữ đặc biệt trong câu hỏi nên dễ bị lừa;
Hiểu sai hoặc chưa nắm rõ bản chất của kiến thức. Học sinh hay hiểu nhầm bản chất vật lý và không phân biệt được các dạng bài tập.
Học sinh hay thiếu kỹ năng phân chia thời gian. Các em hay bị mắc lỗi không phân biệt loại câu hỏi. Đặc biệt là học sinh giỏi, khi đọc đến câu hỏi khó lại say sưa vào làm trước.
Với thời gian 1,8 phút dành cho câu trắc nhiệm, nếu học sinh say mê với câu hỏi khó sẽ mất từ 5 đến 10 phút, tốn nhiều thời gian, đến giai đoạn cuối sẽ bị cuống dẫn đến không nhớ kiến thức và đôi khi lại còn bị áp lực tâm lý rất mạnh.
Trong quá trình làm bài tập, học sinh hay chủ quan vì những câu hỏi dễ. Học sinh cũng thường mắc lỗi phức tạp hóa bài toán và khi làm bài hay chia bài toán làm nhiều trường hợp.
Tập thể giáo viên Vật lý Trường THPT Phan Đình Giót (Điện Biên)
Nguồn: Giáo dục Thời đại
Bình luận