15h55: Đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh): Chống tham nhũng là vấn đề mang tính phổ biến trên thế giới. Thời gian qua, các cơ quan trung ương đã quyết liệt chỉ đạo, được nhân dân cả nước đánh giá cao. Nhưng đó chỉ là ở phần nổi. Ở phần ngầm, họ hoạt động theo kiểu mới, gây bức xúc cho dân. Xin thủ tướng cho biết giải pháp nào mang tính đột biến để chống tham nhũng đang đe dọa đến tồn vòng của chế độ?
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận): Một bộ phận người dân, doanh nghiệp than phiền về việc chậm giải quyết thủ tục hành chính, thậm chí phải lót tay. Thủ tướng có nói sẽ xử lý triệt để hối lộ, không làm mất niềm tin của người dân. Vậy cơ chế nào để khắc phục triệt để?
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị): Về môi trường đầu tư kinh doanh của VN có nhiều đột phá khi tăng 14 bậc so với năm 2016, đứng thứ 4 trong khối ASEAN. Đó là kết quả rất ấn tượng. Tuy nhiên còn một số chỉ tiêu đạt thấp như bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế, giải quyết phá sản, đầu tư qua biên giới. Từ trhực trạng đó, Thủ tướng có giải pháp gì để tạo đột phá? Nhiều khoản đóng góp bất hợp lý về y tế, giáo dục đang trở thành gánh nặng với người dân. Giải pháp của Thủ tướng là gì?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Thích Thanh Quyết về phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đang tiếp thu để điều chỉnh Luật Phòng, chống tham nhũng theo tinh thần để không thể, không nên tham nhũng.
"Chúng tôi đã báo cáo với Quốc hội, với Trung ương về việc xem xét nâng lương cho cán bộ công chức - một biện pháp cần thiết khi tham nhũng vặt đang diễn ra", Thủ tướng nói.
15h05: Về câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân về các vụ án tham nhũng, Thủ tướng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước quyết tâm phòng chống tham nhũng; chúng ta kiên quyết xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm, không có vùng cấm và phải công khai kết quả xử lý các vụ án tham nhũng để nhân dân biết, giám sát, tin tưởng...
Giải đáp vấn đề đại biểu quan tâm về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thủ tướng cho hay thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Việt Nam đã tham gia TPP 12 bao gồm Mỹ. Khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP, Bộ chính trị đã xem xét kiến nghị của Chính phủ và đồng ý để đoàn đàm phán thảo luận với các nước TPP 11.
"Mỹ là nền kinh tế lớn, nhưng Australia, Nhật, Mexico... cũng là nền kinh tế không nhỏ mà Việt Nam cần phải tăng cường hợp tác, trao đổi đầu tư, thương mại", Thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh xu thế tự do thương mại, hội nhập kinh tế là không thể đảo ngược. TPP không có Mỹ, Việt Nam vẫn có lợi nên tiếp tục tham gia để giải quyết việc làm, xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, giữa Việt Nam và Mỹ đã có hiệp định thương mại song phương, đến nay vẫn tiếp tục thực hiện trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
14h55: Trả lời về chủ trương xây dựng đô thị thông minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là xu thế của thế giới. Mục tiêu của đô thị thông minh là nâng cao hiệu quả quản trị công; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; bảo vệ môi trường; xây dựng chính quyền kiến tạo vì dân, sát dân... Hiện một số địa phương đã triển khai như TPHCM, Bình Dương... Thủ tướng hoan nghênh các địa phương đã mạnh dạn đồng thời cũng cảnh báo việc xây dựng đô thị thông minh cần tiến hành bài bản, có hệ thống, phải có công nghệ, có con người... nếu không sẽ thất bại.
14h50: Về những bất cập của BOT, Thủ tướng cho biết, BOT là một chính sách cần thiết, nhưng việc triển khai BOT giao thông nhiều bất cập. Cụ thể, quy hoạch hệ thống BOT chưa tốt, còn chồng chéo. Có những tuyến đường đặt trạm BOT khiến dư luận bất bình. Có thể thấy, cơ chế, thể chế BOT còn nhiều bất cập. Chúng ta thiếu giám sát, kiểm tra dẫn đến nhiều sai phạm.
Thời gian tới phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về BOT. Cụ thể, phải kiểm soát được tổng mức đầu tư, thời gian thu phí. Các công trình phải được đấu thầu công khai, minh bạch.
14h31: Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau): Qua hai ngày chất vấn các thành viên chính phủ, Thủ tướng có thấy hài lòng về điều hành kinh tế xã hội năm 2017 không? Thủ tướng thấy nỗi lo lớn nhất về đất nước trong thời điểm hiện nay như thế nào? Tại sao Việt Nam chưa phát triển đột phá so với tiềm năng?
Thứ hai, các vụ đại án tham nhũng, kinh tế đã được đưa ra xét xử nhưng vẫn còn xảy ra. Dư luận đặt ra câu hỏi phải chăng có vùng cấm nào trong việc xét xử, xử lý lý những vụ việc như thế này. Thủ tướng có giải pháp gì để hạn chế và đưa ra xét xử nghiêm minh các đại án này?
Trả lời đại biểu Tô Văn Tám về sự chênh lệch giàu nghèo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, như chúng ta đã biết đời sống của nhân dân từ miền núi tới vùng sâu vùng xa được cải thiện đáng kể. Cái đói, cái thiếu được đẩy lùi. Tuy nhiên đời sống của đồng bào xa xôi, hải đảo, thu nhập của người nông thôn chưa bằng một nửa so với thành thị. Đặc biệt ở vùng núi chỉ đạt 44%
Để giải quyết thực trạng phân hóa giàu nghèo, về mặt kinh tế chúng ta phải đẩy mạnh ổn định tái cơ cấu, tăng năng suất chất lượng hiệu quả, để mang lại cái lợi cho toàn xã hội. Chúng ta phải đào tạo việc làm cho người nông dân ở miền núi. Việc đảm bảo quyền lợi cần thiết cho người dân phải được triển khai mạnh mẽ hơn.
Về mặt chính trị, để giảm khoảng cách thì phải dân chủ, công khai để người dân có cơ hội vươn lên. Tạo điều kiện cho người dân làm chủ. Có nhận thức tốt, hành động tốt, có chính trị tốt, kinh tế tốt thì mới giải quyết được thực trạng này.
Ngoài ngân sách Nhà nước, cần xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động giảm nghèo, giúp đỡ người dân vùng thiên tai, nhân rộng các mô hình thoát nghèo hiệu quả. Chúng ta cảm ơn những tấm lòng hảo tâm của người dân, doanh nghiệp cả trong và nước để giúp đỡ đồng bào bị thiên tai.
Về việc giảm khoảng cách giàu nghèo cần quan tâm tới các cùng khó khăn như chưa có điện, chưa có đường để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục và giải quyết tốt các chính sách được ban hành tới tận người dân. Làm tốt những việc này sẽ giảm khoảng cách giàu nghèo.
Về câu hỏi thứ hai của đại biểu Tô Văn Tám, Thủ tướng cho rằng giải pháp phát triển kinh tế tư nhân trong Nghị quyết Trung ương 5 đã ban hành. Nghị quyết nêu rõ tầm quan trong kinh tế tư nhân. Theo đó, việc đầu tư kinh doanh của kinh tế tư nhân sẽ phần nào giúp ổn định kinh tế vĩ mô.
Thời gian qua, việc Chính phủ đầu tư, quan tâm đến kinh tế tư nhân khiến các doanh nghiệp tư nhân phát triển nhanh. Năm qua, 125.000 doanh nghiệp tư nhân đăng ký, trong đó 93.000 doanh nghiệp hoạt động tốt. Bên cạnh đó, Chính phủ hỗ trợ nhà đầu tư, giảm lãi vay, giảm lệ phí không chính thức, tránh kiểm tra chồng chéo.
Tôi đề nghị các doanh nghiệp tư nhân nói không với hối lộ cấp chính quyền. Tôi yêu cầu cấp chính quyền tạo ra môi trường tốt để tư nhân phát triển. Doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể tham gia thị trường chứng khoán, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành chuyển những hộ cá thể (hiện có 3,5-4,5 triệu hộ cá thể) lên doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa. Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải xây dựng văn hóa, đạo đức doanh nhân, nâng cao năng lực quản trị.
Về thông điệp "Chính phủ kiến tạo", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nội hàm của Chính phủ kiến tạo trước hết là cần chủ động xây dựng, hoàn thiện thể chế. Tiếp đó, cần thống nhất thực hiện chủ trương nhà nước không làm thay thị trường, cái gì dân làm tốt, thì để người dân và doanh nghiệp làm,
Đồng thời phải đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh; đẩy mạnh đổi mới giáo dục đào tạo, chính phủ kiến tạo thì nói phải đi đôi với làm, đề cao trách nhiệm cá nhân, thay ngay những cán bộ không chịu làm việc; đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới công khai, minh bạch, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp...
14h30: Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt câu hỏi về việc kết quả thực hiện lệnh đóng cửa rừng? Vì sao Thủ tướng đã ra lệnh mà vẫn xảy ra việc phá rừng? Phải chăng chế tài chưa nghiêm?
14h20: Đại biểu Tô Văn Tám đặt hai vấn đề, thứ nhất là sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn. Thủ tướng cho biết quan điểm và các giải pháp?
Thứ hai, Thủ tướng cho biết có giải pháp gì để phát triển hơn nữa kinh tế tư nhân?
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng gửi tới Thủ tướng 2 câu hỏi. Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế tốt nhưng chất lượng như thế nào? Thủ tướng có giải pháp gì để đẩy mạnh tăng trưởng?
Thứ hai, Thủ tướng có đánh giá như thế nào về các dự án BOT?
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cũng xin gửi Thủ tướng 2 câu hỏi. Thứ nhất, thông điệp "Chính phủ kiến tạo" đã nhận được sự quan tâm nhưng có nhiều cách hiểu khác nhau về thông điệp này. Đề nghị Thủ tướng làm rõ về thông điệp này?
Thứ hai, chúng ta đã tổ chức thành công APEC. Thủ tướng có biện pháp gì?
14h: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, xuất khẩu tháng 10 đạt 20,29 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch 10 tháng đạt 174,5 tỷ USD, tăng 21,3%; xuất siêu 2,56 tỷ USD.
Đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân tiếp tục khởi sắc; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 14,2 tỷ USD, tăng 11,8%; có trên 105 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 43,8% về vốn đăng ký và gần 23 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Ngân hàng Thế giới vừa công bố xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”.
Trong công tác phòng chống thiên tai, Thủ tướng cho biết, năm nay, thiên tai đã làm 363 người chết, mất tích; hàng trăm nghìn ngôi nhà bị sập, hư hỏng; hàng trăm nghìn hec-ta lúa, hoa màu và hàng chục nghìn lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; hàng nghìn tàu thuyền bị chìm và hư hỏng; ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.
Công tác phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu vẫn còn nhiều hạn chế. Khả năng dự báo, năng lực ứng phó chưa đáp ứng yêu cầu; việc điều hành liên hồ chứa còn bất cập. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, trong khi chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội.
Theo Thủ tướng, dù tình hình năm 2017 có nhiều tích cực, việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh thế giới, khu vực và Biển Đông diễn biến phức tạp.
Việc thực hiện các hiệp định FTA chưa đạt kết quả như mong muốn, lợi ích thu được chưa tương xứng với tiềm năng. Năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh, trình độ công nghệ của doanh nghiệp còn thấp, nguy cơ “thua ngay trên sân nhà” là có thể xảy ra.
Tiếp theo chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, trong buổi sáng nay (18/11), Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình đã đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Chiều nay, Quốc hội sẽ dành toàn bộ thời gian buổi chiều để Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ trong các phiên chất vấn từ ngày 16 - 18/11/2017.
Trong hai ngày qua, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Thống đốc Ngân hàng Lê Minh Hưng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.
Video: Phát ngôn 'sốc' kỳ họp Quốc hội khóa 14
Bình luận