Trong khi việc áp trần giá sữa chưa được thực hiện thì nhiều doanh nghiệp sữa đã nhanh tay "lách luật" tăng giá.
Sắp tới sẽ có quy định giá trần với mặt hàng sữa, đặc biệt là quyết định siết chặt quản lý giá sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi (nhóm hàng thuộc diện bình ổn giá). Trong khi việc áp trần giá sữa chưa được thực hiện thì nhiều doanh nghiệp sữa đã nhanh tay "lách luật" tăng giá.
Một "chiêu" cũ vẫn được các doanh nghiệp áp dụng đi, áp dụng lại đó là thay đổi nhãn mác, bao bì.
Mới đây nhất, hãng sữa Mead Johnson thông báo thay đổi mẫu mã mới cho một số sản phẩm và tăng giá bán lên từ 5 – 7%, ví dụ như loại Enfa A+ loại 1,8kg đang bán với giá 805.000 đồng/hộp thì với mẫu mã mới lại bán với giá 850.000 đồng/hộp.
Ngoài ra, bên cạnh những sản phẩm đang kinh doanh, Mead Johnson sẽ cung cấp thêm các sản phẩm mới. Cụ thể, các sản phẩm Enfamil A+ và Enfagrow A+ sẽ được thay thế dần bằng các sản phẩm Enfamil A+ 360* Brain Plus và Enfagrow A+ 360* Brain Plus.
Theo đó, các sản phẩm mới bán cao hơn sản phẩm cũ khoảng 50.000 đồng/lon 900g. Đơn cử như sản phẩm sữa Enfamil A+1 bán 555.000 đồng/lon 900g thì sản phẩm mới là Enfamil A+ 360* Brain Plus bán 605.000 đồng/lon.
Một khách hàng tại Quận 1 TP.HCM cho biết, đã phải mua sữa Pediasure của Abbott loại 900g giá 580.000 đồng, mức giá này vẫn giữ nguyên như cũ nhưng trọng lượng hộp sữa chỉ còn 850g. Các cửa hàng tại quận Gò Vấp, quận Tân Bình đều tư vấn cho khách nên mua sản phẩm sữa thời điểm này vì sắp tới một số sản phẩm nữa như Ensure hay Pediasure dù giữ giá cũ nhưng sẽ giảm trọng lượng. Ảnh minh họa
Chủ một đại lý sữa trên đường Trần Bình (quận Từ Liêm, HN) cũng tiết lộ: “Sắp tới, sữa Ensure hay Pediasure dù giữ giá cũ nhưng sẽ giảm trọng lượng. Nếu ai cho điều kiện tài chính, nên mua sữa ngay từ bây giờ. Bởi các đại lý vẫn còn tồn hàng cũ nên mới bán giá ấy. Tới đây, khách hàng vẫn sẽ mất số tiền như vậy nhưng mua về sản phẩm với khối lượng ít hơn từ 50g – 100g”.
Trước việc các hãng sữa tiếp tục dùng chiêu thay mới mẫu mã, bao bì để đòi tăng giá sản phẩm hoặc giảm trọng lượng sữa nhưng giá không đổi, nhiều khách hàng đã rất bức xúc cho rằng việc làm này của doanh nghiệp chỉ là cái cớ, hay là một hình thức "trá hình" của việc tăng giá bán sản phẩm.
Chị Thu Trang phản ứng: “Mẫu mã sản phẩm sữa bị làm sao mà các công ty liên tục in mới rồi thay? Mỗi lần thay như vậy không chỉ gây lãng phí, tốn kém đến bản thân doanh nghiệp mà người tiêu dùng cũng bị mất tiền oan. Nói đúng hơn thì họ “thừa giấy vẽ voi”, vẽ ra đủ thứ để moi tiền của người tiêu dùng”.
Độc giả Hồng Kỳ cho rằng: "Thật vô lý khi thay đổi mẫu mã lại đánh vào giá thành sản phẩm. Cái đó doanh nghiệp phải chịu chứ, nếu không thì cứ để mẫu mã cũ việc gì mà phải thay, để bắt người tiêu dùng bỏ thêm tiền. Trong khi, người tiêu dùng chẳng quan tâm đến mẫu mã mới là gì, đẹp hay xấu. Điều quan tâm duy nhất của chúng tôi là chất lượng mà thôi!".
Đồng quan điểm với ý kiến trên, độc giả Hải Phòng nói: "Người tiêu dùng chỉ bỏ tiền ra mua sản phẩm đạt chất lượng, còn việc nhãn mác, bao bì được thiết kế ra sao là việc của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải tự chi trả khi tự ý thay đổi nhãn mác. Chúng tôi không chấp nhận việc doanh nghiệp đùn đẩy cho người tiêu dùng khoản tiền vô lý ấy. Điều này không khách gì việc lấy không tiền của khách hàng để đi an nhãn mác mới".
"Theo tôi, việc các doanh nghiệp sữa tự ý thay mới bao bì, đổi tên gọi sản phẩm, trong khi chất lượng sữa thì giữ nguyên, giá bán sản phẩm thì tăng thì vô hình chung doanh nghiệp đang lừa chính khách hàng của mình. Không cớ gì chúng tôi phải bỏ thêm một khoản tiền từ vài chục đến gần một trăm nghìn đồng ra để mua về sản phẩm có khối lượng và chất lượng không đổi", độc giả Liên Hương nêu quan điểm.
Chia sẻ quan điểm của mình trước sự việc này trên tờ Tuổi trẻ, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng việc các doanh nghiệp sữa tìm cách lách luật bằng việc đổi mẫu mã rồi đẩy giá sản phẩm lên là việc làm không có gì khó hiểu.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Trí Long, muốn thay đổi mẫu mã mới, doanh nghiệp vẫn phải đăng ký giá với Bộ Tài chính, khi đó Bộ sẽ xem xét mọi chi phí sản xuất, giá sữa nguyên liệu, chi phí quảng cáo... rồi mới có quyết định cho tăng giá.
Theo Hồng Anh/GDVN
Bình luận