• Zalo

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Cảnh giác hàng Trung Quốc 'đội lốt' hàng Việt Nam xuất sang Mỹ

Kinh tếThứ Hai, 09/07/2018 17:44:00 +07:00Google News

Chuyên gia kinh tế nhận định, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay bên cạnh việc tạo ra những thách thức là những cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam bứt phá, đẩy mạnh xuất khẩu.

Liên quan đến cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, trả lời phỏng vấn PV VTC News, ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF), nguyên Tham tán Công sứ, Trưởng đại diện kinh tế - Thương mại của Việt Nam tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhận định, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay bên cạnh việc tạo ra những thách thức là những cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam bứt phá, đẩy mạnh xuất khẩu.

Tuy nhiên, Việt Nam cần phải cảnh giác trước việc hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ và Việt Nam cần phải chú trọng nhiều hơn đến thị trường trong nước

Thương mại quốc tế bất ổn

- Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã và đang là tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế. Ông nhận xét gì về cuộc chiến này?

Trước tiên cần nhìn lại vấn đề của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Việc định lại mối quan hệ thương mại của ông Trump không chỉ đe dọa mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung mà còn đe dọa cả các mối quan hệ thương mại với EU, Mexico, Canada... vốn là những nước lớn, có nước còn là đồng minh của Mỹ.

Những đe dọa này có thể nói là bước thụt lùi rất dài của hệ thống thương mại mà nước Mỹ từ trước đến nay vốn dĩ là nước duy nhất mà nhiều lúc đặt pháp luật không chỉ ngang bằng mà còn trên cả mức cam kết quốc tế.

us-china-7863-1530862267

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay bên cạnh việc tạo ra những thách thức là những cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam bứt phá, đẩy mạnh xuất khẩu. Ảnh: VNE

Bây giờ, những xác định lại thương mại của Tổng thống Mỹ không chỉ là những bước thụt lùi lớn mà thậm chí còn là những bước đổ vỡ lớn.

Những đổ vỡ này là những yếu tố bất định và khó lường cho nền thương mại của kinh tế thế giới nói chung và nhất là những nước nào mà dựa vào thương mại, coi xuất nhập khẩu là định hướng, là nền tảng chính cho sự phát triển của mình.

Nói chung là không thể lường trước được, nhất là với quy mô thương mại tác động đến hàng trăm tỷ USD như hiện nay thì rõ ràng tính bất ổn và niềm tin vào sự ổn định của thương mại là rất khó, những rủi ro có thể dẫn khủng hoảng tài chính khu vực, thậm chí ở quy mô toàn cầu là lớn hơn.

Ví dụ như là sự trồi sụt của giá dầu thô, những bất ổn trong cam kết thương mại quốc tế nhiều hơn, và thậm chí là nhiều năm nay, các hiệp định kinh tế lớn rất khó đi đến ký kết mà chủ yếu là đàm phán để giải quyết những vấn đề tồn tại của các nước. Tôi quan sát thì gần 20 năm nay, gần như không có gì tiến bộ trong đàm phán thương mại quốc tế.

- Theo ông, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động đến Việt Nam như thế nào?

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không thể nói là không có những tác động đến Việt Nam. Trong những tác động đến Việt Nam thì có những tác động tích cực lẫn tác động tiêu cực.

Về mặt tác động tiêu cực, điều thấy rõ nhất đó là môi trường thương mại sẽ mang tính bất ổn. Chúng ta không thể biết rõ là ngày mai hay những năm tới chính sách thương mại của Hoa Kỳ đối với chúng ta sẽ như thế nào. Đối với thị trường Hoa Kỳ thì những nhóm hàng hóa nào khi xuất khẩu sẽ là thuận lợi và những nhóm hàng nào sẽ là khó khăn hơn...

Thêm vào đó, những loại hàng hóa mà nước láng giềng họ không xuất khẩu được thì rất có thể họ sẽ dội lại vào các nước xung quanh, mà trong đó Việt Nam là nước chịu tác động nặng nhất bởi vì ta có chung đường biên giới và năng lực quản lý đường biên của ta phải nói thực là có phần hạn chế hơn so với các nước láng giềng trong khối ASEAN.

Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng sẽ tạo ra những cơ hội cho kinh tế Việt Nam. Cụ thể, đó là yếu tố tình cờ và đặc biệt mang tính khách quan. Ví dụ như hàng hóa một số nước không vào được Mỹ nhưng mà hàng hóa của Việt Nam lại có thể vào được thị trường Mỹ nhờ các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, có mạng lưới quan hệ sâu rộng với thị trường Mỹ.

daohuygiam

 

Chúng ta phải chú ý chặt chẽ những sản phẩm nằm trong danh sách hàng hóa mà phía Mỹ cấm vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt là các sản phẩm hàng hóa của Trung Quốc. Bởi rất có thể do bị cấm xuất khẩu mà Trung Quốc sẽ tìm cách để “đội lốt” hàng hóa của Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.

Ông Đào Huy Giám

Do đó, hàng hóa các doanh nghiệp này vẫn có thể thâm nhập vào thị trường Mỹ, có thể vào còn nhanh chóng và chiếm lĩnh thị trường còn tốt hơn.

Cảnh giác hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam

- Trước tình trạng bất ổn như ông đã nói trên, Chính phủ có cần can thiệp và thay đổi ngay về chính sách cũng như các kịch bản tình huống dự phòng?

Thực ra mà nói rất khó để nói chúng ta cần những kịch bản gì, nhưng mà có thể thấy hiện nay chúng ta đang đi đúng hướng.

Một là, chúng ta những năm qua phát triển dựa trên hoạt động thương mại quốc tế, vì thế cho nên phải rất cảnh giác trước sự thay đổi của một số ngành kinh tế với một số sản phẩm hàng hóa cụ thể. Ví dụ như mặt hàng thép và ngành sản xuất thép là phải hết sức chú ý.

Hoặc trong lĩnh vực thu hút đầu tư, nhiều nhà đầu tư đã và đang có xu hướng quay về đầu tư ở Hoa Kỳ mà không đầu tư ở các thị trường khác, nhất là thị trường các nước đang phát triển, mà trong đó có Việt Nam.

Nhưng phải nói rằng là chính nhờ hội nhập mà đã tạo ra cho chúng ta một trình độ quản lý, trong đó có quản lý thương mại với chất lượng tăng lên nhanh và nhận thức rộng. Quan trọng là nhận thức rộng khắp trong người kinh doanh và trong chính cả người tiêu dùng.

Hai là, ngay cả các nước như Hàn Quốc và Nhật Bản họ đều lấy sản phẩm nội địa làm chủ đạo vì chất lượng sản phẩm còn cao hơn cả sản phẩm nhập khẩu, nên họ vững chân trên thị trường nội địa, từ đó mới đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài và đẩy mạnh giao lưu quốc tế.

Hiện nay ta cũng đang phát triển tích cực và nên đi theo hướng này. Trong sản xuất nông nghiệp của chúng ta hiện nay có nhiều sản phẩm, trong đó có thể kể ra như rau, củ, quả an toàn, mà trong đó có nhiều sản phẩm tương đương với nhiều nước.

thitruongnoidia 3

Việt Nam cần chú trọng đến thị trường trong nước. (Ảnh minh họa)

Ba là, cải cách hành chính của chúng ta cũng đang đi theo hướng tích cực, đó là nhận thức ở cấp trung ương và cấp tỉnh phải nói đã thay đổi hẳn, nhưng mà năng lực thì vẫn chưa được cao. Cho nên chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa để nâng cao năng lực tự chủ và giảm sự phụ thuộc của chúng ta vào cơ chế quốc tế thì khả năng điều tiết của chúng ta trong hoạt động thương mại quốc tế sẽ cao hơn.

Bốn là, chúng ta phải chú ý chặt chẽ những sản phẩm nằm trong danh sách hàng hóa mà phía Mỹ cấm vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt là các sản phẩm hàng hóa của Trung Quốc.

Bởi rất có thể do bị cấm xuất khẩu mà Trung Quốc sẽ tìm cách để “đội lốt” hàng hóa của Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Do đó, nếu chỉ một lô hàng của chúng ta bị phía Mỹ phát hiện là hàng đó lấy từ một nước láng giềng để xuất khẩu thì có thể họ sẽ ra quy định cấm xuất khẩu toàn bộ sản phẩm của một ngành sản xuất, điều này sẽ rất nguy hiểm.

Do đó, đòi hỏi trong quản lý, chúng ta cần phải chặt chẽ hơn. Doanh nghiệp cũng cần phải tự giác hơn. Nhà nước cũng cần phải có biện pháp nghiêm khắc với những doanh nghiệp lợi dụng theo kiểu “con sâu làm rầu nồi canh”, tức là dùng hàng hóa từ một nước trá hình hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu, làm ảnh hưởng đến thương mại quốc tế của chúng ta.

Việt Nam cần chú trọng đến thị trường trong nước

- Thưa ông, ở tầm ngắn hạn, mục tiêu tăng trưởng kính tế 6 tháng cuối năm mà Chính phủ đặt ra có ảnh hưởng gì trước những tác động từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay không?

Theo tôi thì những khó khăn trên thị trường đầu tư và thương mại quốc tế tiềm ẩn những rủi ro bất ngờ là điều mà Chính phủ cần phải có sự chuẩn bị, tính toán kĩ càng hơn đến những phương án dự phòng.

Về tốc độ tăng trưởng kinh tế của chúng ta vừa qua khá cao, tức là trong 6 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng GDP là 7,08%. Nhưng phải nói rằng cao là so với cùng kì năm trước, đó là vì 6 tháng đầu năm 2017 mức độ tăng trưởng kinh tế của ta thấp.

Do đó mà trong 6 tháng cuối năm 2018, Chính phủ cần phải nỗ lực nhiều hơn thì mới đạt được mức tăng trưởng tương đương hoặc lớn hơn so với cùng kì năm ngoái.

Theo đánh giá của tôi, tôi vẫn kì vọng mức tăng trưởng GDP kinh tế của ta năm 2018 sẽ đạt ở mức gần 7%, cụ thể dao động ở mức khoảng 6,8 – 6,9%. Điều này cũng đòi hỏi trong điều hành hiện nay Chính phủ cần phải quyết liệt hơn nữa vì mục tiêu tăng trưởng sẽ rất khó khăn chứ không phải nằm trong tầm tay có thể với ngay được.

- Như trên ông đã nhấn mạnh đến vai trò của thị trường nội địa, vậy trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung như hiện nay, cần chú trọng thị trường nội địa như thế nào?

Tôi cho rằng chúng ta đã tương đối thành công ở thị trường nước ngoài và hiện vẫn phải duy trì điều đó. Trong khi đó thì thị trường nội địa thực ra doanh nghiệp Việt Nam không bỏ ngỏ, nhưng mà năng lực của doanh nghiệp Việt Nam về kiểm soát thị trường nội địa còn rất nhiều chuyện để bàn. Nói đúng hơn là trình độ quản lý, năng lực hiện nay của các doanh nghiệp trong nước đang phải lũy tiến từ từ, chưa cho phép chúng ta nắm chắc ngay thị trường nội địa như mong muốn.

Tôi lấy ví dụ hiện nay có rất nhiều người nói rằng Việt Nam mở cửa cho nước ngoài vào mở thị trường bán lẻ ở Việt Nam và họ nắm hết thị trường bán lẻ, thì điều ấy cũng có cái đúng, vì có một số doanh nghiệp đang muốn nắm được thị phần lớn hơn nên nói như thế.

Thế nhưng phải nói là các doanh nghiệp nước ngoài khi vào họ cũng tạo ra những chuẩn mực mới cho các hệ thống bán lẻ của Việt Nam.

Hiện nay, trong hệ thống bán lẻ của Việt Nam thì tỉ trọng hàng hóa nội địa cũng ngày càng cao. Khi để hàng hóa Việt Nam vào được các hệ thống bán lẻ của nước ngoài thì buộc tiêu chuẩn cũng phải được nâng cao lên, tức là bước chuẩn bị cho hàng hóa Việt Nam trước khi thâm nhập vào các thị trường nước ngoài khác. Khi đã hình thành những điều này thì sẽ tạo ra những chuẩn mực chung, trình độ chung.

Do đó, tôi cho rằng doanh nghiệp của chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa, và chúng ta hoàn toàn có khả năng đặt ra trình độ cao hơn, trong đó có năng lực sản xuất, lưu thông, trình độ sản xuất theo chuỗi, phân phối...

Tôi cho rằng chúng ta phải chú ý đến thị trường nội địa chứ không phải là bỏ trống. Rất mừng là hiện nay nhiều chuỗi cung ứng đã hoạt động rất tốt. Nếu như 5 năm trước chúng ta rất lo lắng về vấn đề an toàn thực phẩm thì hiện nay 10 phần cũng đã giải quyết được 5 – 7 phần rồi và vẫn đang đi theo xu hướng tốt.

Hiện nay, hạn chế lớn nhất là vẫn còn tình trạng nhà nước quản lý quá nhiều khiến doanh nghiệp ì ra và chậm lại. Do đó, cần phải xem xét, cải cách mạnh mẽ hơn nữa về thể chế và tăng cường năng lực của doanh nghiệp tư nhân trong quá trình lưu thông ở thị trường nội địa.

Video: Người đàm phán Hiệp định thương mại với Mỹ bằng triết lý 'thợ cày'

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn