Quyết định và quyết tâm rút quân ra khỏi chiến trường Iraq và Afghanistan, chính quyền Tổng thống Obama có nguy cơ sa lầy vào một cuộc chiến khác ở Trung Đông: chiến trường Syria.
- Chính quyền Obama đã tìm cách giảm sự liên đới của quân đội Mỹ ở nước ngoài, rút lực lượng ở Iraq về nước hai năm trước và ở Afghanistan trong năm tới. Vậy vì sao lúc này nước Mỹ lại ngấp nghé sa chân vào một cuộc chiến khác, lần này là ở Syria?
Cuộc xung đột Syria tác động lên chính sách ngoại giao Mỹ ở một số phương diện, nhưng chính quyền Obama đã tiếp cận nó một cách cẩn trọng, không chỉ vì muốn giảm sự can dự của quân đội Mỹ ở nước ngoài, mà còn vì cuộc xung đột rất phức tạp và nhanh chóng biến chuyển.
Người dân Mỹ giăng biểu ngữ phản chiến: "Bỏ phiếu không tiến hành chiến tranh tại Syria" trước cửa Nhà Trắng. Ảnh: RT |
Chủ nghĩa bè phái nổi lên và sự sụp đổ từ từ của nhà nước Syria gây ra một mối hiểm nguy cho toàn bộ khu vực Trung Đông. Hàng triệu người tị nạn đã bỏ chạy sang các nước láng giềng, trong đó có Jordan, Li Băng, và Thổ Nhĩ Kỳ, gây bất ổn và làm bùng lên các căng thẳng bè phái. Bạo lực đã lan sang Iraq, Li Băng và Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí là ở Israel, dấy lên ám ảnh về một cuộc xung đột lớn hơn trong khu vực.
Sau khi có thông tin xác nhận việc vũ khí hóa học được sử dụng để nhằm vào người đa phần là người Sunni dân hôm 21/8, ông Obama đã chỉ trích chính quyền Damascus đi quá ‘vạch đỏ’.
- Cuộc xung đột tại Syria bắt đầu như thế nào, những người chống đối là ai và tại sao họ vẫn đang chiến đấu?
Cuộc xung đột tại Syria nổ ra kể từ sau các cuộc biểu tình của phong trào Mùa xuân Ả Rập, khi những người Syria biểu tình hòa bình trên phố chống lại Tổng thống Bashar al-Assad. Ông Assad đã kế nhiệm cha nắm quyền Tổng thống trong bối cảnh gia đình ông đã nắm vị trí này suốt bốn thập kỷ.
Chính phủ Syria đã đáp trả vụ biểu tình bằng bạo lực, rất nhiều người thiệt mạng và biến phong trào trở thành quá khích. Người dân bắt đầu cầm lấy vũ khí, ban đầu là để bảo vệ cuộc biểu tình, nhưng sau đó là chống đối lực lượng an ninh ở các thành phố và thị trấn.
Phong trào vũ trang mới nảy sinh ban đầu được củng cố nhờ những người đào ngũ trong quân đội, cùng với sự trợ giúp của Thổ Nhĩ Kỳ, dưới sự bảo trợ của Quân đội Syria Tự do, nhưng rồi những kẻ Hồi giáo cực đoan (trong đó có chi nhánh của al Qaeda) đã xuất hiện và đóng vai trò thống trị. Lực lượng cực đoan này đã đánh bại các lực lượng chính phủ ở một số chiến trường tại các thành phố ở phía bắc và đông, đồng thời thiết lập luật lệ của họ tại đây.
- Cuộc xung đột đang ở mức nào?
Lúc này, chính quyền Assad vẫn là lực lượng đơn lẻ mạnh nhất trong cuộc xung đột, cho dù họ đã mất một phần không nhỏ lãnh thổ phía bắc và phía đông, và đối mặt với thế bí trước quân nổi dậy ở các vùng quan trọng của đất nước, như Aleppo và ngoại ô Damascus. Tuy nhiên, quân của ông Assad có vũ khí mạnh, bao gồm cả vũ khí hóa học, sự ủng hộ mạnh mẽ từ các đồng minh chính là Nga và Iran.
Quân nổi dậy bị chia rẽ giữa hàng trăm nhóm vũ trang nhỏ và các lữ đoàn, mạnh nhất trong số này là các nhóm Hồi giáo cực đoan. Quân nổi dậy thế tục đứng chung hàng ngũ với Quân đội Syria Tự do đang hoạt động ở các thành phố và ngoại ô ở phía nam, bao gồm rất nhiều khu vực bị chính quyền Damascus tấn công, nhưng nhìn chung vẫn yếu hơn các tay súng Hồi giáo.
- Xung đột đã trở nên rất căng thẳng và quy mô kéo dài hơn hai năm, Liên Hợp Quốc ước tính hơn 100.000 người thiệt mạng và hàng triệu mất nhà, vậy nếu quả thật chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học, thì tại sao lại vào lúc này?
Hiện giờ chưa có bằng chức xác thực việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học, nhưng nếu có, thì rất nhiều giả thiết có thể giải thích việc Damascus sử dụng loại vũ khí cấm vào thời điểm này, chỉ vài ngày trước khi các thanh sát viên LHQ tới điều tra các cáo buộc trước đó.
Một giả thuyết do một quan chức cấp cao Israel đưa ra chính là vụ tấn công ở các ngoại ô Damascus có thể là một tính toán sai lầm: Syria có thể đã sử dụng các chất độc hóa học ở quy mô nhỏ trong một số dịp, và trong vụ 21/8 vừa qua, họ chỉ sử dụng một cách vô ý nhưng ở quy mô lớn.
Mỹ đánh Syria để:
|
Một giả thuyết khác do giáo sư Juan Cole – chuyên gia về Trung Đông tại Đại học Michigan – đề xướng, đó là cảm giác bị o bế về mặt tinh thần đã khiến chính quyền Assad quyết định sử dụng vũ khí hóa học. Khi đối mặt với các lực lượng nổi dậy dòng Sunni bền bỉ ở ngoại ô Damascus, chính quyền do dòng Alawite lãnh đạo có thể quyế định gửi đi thông điệp rằng phải bảo vệ thủ đô bằng mọi giá.
“Đây là một hành vi đặc trưng của chế độ suy yếu đang phải đối mặt với các lực lượng có quân số vượt trội hơn nên phải triển khai vũ khí không thông thường” – ông Cole viết.
- Mỹ và đồng minh mong đợi đạt được điều gì khi can thiệp quân sự vào Syria, và các rủi ro là gì?
Các quan chức Lầu Năm Góc nói rằng Tổng thống Obama đang cân nhắc về hành động quân sự có giới hạn để ‘ngăn chặn và làm suy yếu’ khả năng chính quyền Syria triển khai vũ khí hạt nhân. Nhiều người cho rằng ông Obama sẽ không tính tới một chiến dịch trên không nhiều tham vọng hơn như chiến dịch từng góp phần lật đổ vị lãnh đạo Libya Muammar el-Qaddafi hồi năm 2011, hoặc việc triển khai quân trên bộ tại Syria.
Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết bất kỳ cuộc không kích nào cũng có thể đánh trúng các đơn vị quân đội Syria có chứa vũ khí hóa học, cũng như các trụ sở và các đơn vị hỏa tiễn, pháo binh có thể được sử dụng để phóng đi đầu đạn chứa chất độc hóa học.
Các cuộc không kích có thể không bắn vào các cơ sở chứa vũ khí hóa học nhưng vẫn gây nên hậu quả về môi trường và vấn đề nhân đạo, hoặc mở ra các khu vực nhạy cảm cho những kẻ cướp bóc.
Theo Vietnamnet
Bình luận