Thổ Nhĩ Kỳ sẽ kỷ niệm 100 năm nền cộng hòa trong năm nay. Đầu tiên với tư cách là thủ tướng của Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó là tổng thống, ông Recep Tayyip Erdogan đã nắm quyền lãnh đạo chính trị của nước cộng hòa này trong 1/5 thế kỷ đó. Chiến thắng của ông Erdogan trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai hôm 28/5 vừa qua giúp ông có thêm 5 năm cầm quyền.
Việc ông Erdogan có thể xoay sở để vượt qua thử thách được cho là lớn nhất đối với sự nghiệp chính trị của ông là điều đáng chú ý trong bối cảnh nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó khăn và sự phẫn nộ kéo dài của công chúng đối với phản ứng của chính phủ trong thảm họa động đất hồi tháng 2 khiến ít nhất 50.000 người thiệt mạng. Vậy chiến thắng của ông Erdogan có ý nghĩa gì đối với tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ và rộng hơn là với thế giới? Đây là câu hỏi đang được nhiều người quan tâm.
Chiến thắng của ông Erdogan: Sự tiếp nối của ngày hôm nay
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nhiệm kỳ thứ ba và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng của ông Erdoğan đồng nghĩa với “sự tiếp nối của ngày hôm nay”, nhưng ngày hôm nay với nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ là ngày mà họ muốn qua mau.
Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng, bao gồm tỷ lệ lạm phát cao và dự trữ ngoại tệ thấp. Chính sách kinh tế hiện tại được cho là không thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ đạt được tốc độ tăng trưởng cao hoặc thúc đẩy xuất khẩu. Đây là vấn đề lớn nhất ông Erdogan cần phải giải quyết nhanh chóng.
Điều quan trọng hiện nay đối với Tổng thống Erdogan và chính phủ mới là trấn an niềm tin vào nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đối với cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong bài phát biểu mừng chiến thắng của mình, ông Erdogan đã đề cập rất chi tiết về nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, điều này cho thấy ông quyết tâm đưa ra một lộ trình mạnh mẽ hơn cho nền kinh tế.
Ảnh hưởng sâu sắc đến quốc tế
Cần phải khẳng định, ảnh hưởng từ chiến thắng của ông Erdogan không chỉ giới hạn ở Thổ Nhĩ Kỳ mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến quốc tế, đặc biệt là với NATO. Không giống như các thành viên khác của liên minh, Thổ Nhĩ Kỳ đã rất nỗ lực để củng cố mối quan hệ chặt chẽ với Nga.
Năm 2017, Ankara đã gây tranh cãi khi mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Moskva. Trong khi hầu hết các quốc gia khác trừng phạt Nga sau khi nước này phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục làm ăn với Moskva.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với CNN, ông Erdogan đã ca ngợi “mối quan hệ đặc biệt” của mình với Tổng thống Nga Vladimir Putin và tái khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc Thụy Điển gia nhập NATO. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách ngăn Phần Lan và Thụy Điển tham gia NATO, với lý do lo ngại việc họ ủng hộ các chiến binh người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ coi là các tổ chức khủng bố.
Mặc dù cuối cùng, Thổ Nhĩ Kỳ đã dỡ bỏ sự phản đối của mình đối với Phần Lan - quốc gia sau đó trở thành thành viên thứ 31 của NATO, thì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục duy trì quyền phủ quyết của nước này đối với nỗ lực của Thụy Điển gia nhập liên minh.
Nhà khoa học chính trị Gonul Tol tại Viện Trung Đông ở Washington đánh giá: “Trong 5 năm tới, chúng ta có thể sẽ thấy mối quan hệ giữa ông Erdogan và ông Putin ngày càng được củng cố. Ông ấy [Erdogan – ND] đã sử dụng việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO như một con át chủ bài để đạt được những nhượng bộ từ phương Tây. Và có trong tay rất nhiều cách nên ông ấy sẽ cố gắng khai thác thêm”.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích vẫn kỳ vọng cuối cùng Tổng thống Erdogan vẫn gật đầu đồng ý để Thụy Diển gia nhập NATO – nếu như không phải trước hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius vào cuối tháng 7 sắp tới thì có thể vào cuối năm nay.
Galip Dalay, một chuyên gia tại tổ chức tư vấn Chatham House có trụ sở ở London, Anh nhận định: “Erdogan rất trân trọng sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO vì ông ấy biết rằng điều đó mang lại cho Ankara nhiều đòn bẩy hơn trong các vấn đề quốc tế. Thật vậy, ông Erdogan đã tìm cách mô tả Thổ Nhĩ Kỳ như một nhà trung gian có vai trò đáng kể giữa Nga và phương Tây, đồng thời thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, cũng như giúp môi giới một thỏa thuận ngũ cốc quan trọng ở Biển Đen vào năm ngoái".
Chiến thắng của ông Erdogan cũng có thể gây ra tác động mang tính quyết định đối với khoảng 3,6 triệu người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi ông Kilicdaroglu [đối thủ trực tiếp của đương kim tổng thống Erdogan trong cuộc bầu cử vừa qua – ND] – cam kết sẽ trục xuất tất cả người tị nạn ra khỏi đất nước nếu trúng cử, Erdogan nói rằng chính phủ của ông có kế hoạch xây dựng hàng trăm nghìn ngôi nhà ở miền bắc Syria để tạo điều kiện cho người tị nạn tình nguyện trở về.
Theo bà Gonul Tol, cách thức Tổng thống Erdogan điều hành đất nước và xử lý các mối quan hệ quốc tế trong nhiệm kỳ cuối cùng của mình phần lơn sẽ phụ thuộc vào cách thế giới lựa chọn phản ứng với chiến thắng của ông, đặc biệt là phương Tây.
Bà Tol đánh giá, việc Phương Tây đã sẵn sàng đối đầu với một Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng khó đoán, khó kiểm soát hay sẽ giữ mối quan hệ giao dịch với nước này là một câu hỏi khó nhưng miễn là ông Erdogan còn chấp nhận để người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ thì phương Tây vẫn có thể tiếp tục làm việc với Ankara và bỏ qua những vấn đề khác mà họ chưa thực sự hài lòng.
Bình luận