• Zalo

Chiến sĩ Công an lặng người nghe tin Đại tướng từ trần

Pháp luậtThứ Hai, 07/10/2013 06:55:00 +07:00Google News

Mỗi lần về quê, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều lần cầm tay Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình Cao Ngọc Oánh dặn dò.

Sáng 5/10, nhiều người dân Quảng Bình vừa khắc phục hậu quả nặng nề do cơn bão số 10 gây ra vừa nước mắt chảy dài khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời.

Hình ảnh giản dị rất đỗi thân thương của Đại tướng mỗi lần về quê vẫn hằn in trong trái tim người dân vùng cát, đặc biệt đối với lực lượng Công an Quảng Bình. Mỗi lần về thăm quê hương Quảng Bình, lúc nào Đại tướng cũng đến thăm nói chuyện, dặn dò cán bộ, chiến sĩ Công an.

Nghe tin ông mất, nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an lặng đi vì thương tiếc. Chết không có nghĩa là hết, những lời dạy của Đại tướng vẫn mãi được lực lượng Công an ghi nhớ để hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân như mong muốn của Đại tướng.

Mãi còn đây lời dạy của Đại tướng


Tâm sự về những lần Đại tướng về thăm quê hương Quảng Bình và khi ông đến nói chuyện với lực lượng Công an, Trung tướng Cao Ngọc Oánh- Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an giọng chùng xuống. Đại tướng đã đi xa thật rồi. Những năm làm Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình, Trung tướng Cao Ngọc Oánh là người gần gũi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trước đây, mỗi lần về quê, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều lần cầm tay Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình Cao Ngọc Oánh dặn dò; lực lượng Công an phải luôn đoàn kết, đoàn kết trong lực lượng là một chuyện, còn phải là cầu nối đoàn kết trong lãnh đạo, trong các ngành, các đơn vị của địa phương. Rồi Đại tướng dặn đồng chí Cao Ngọc Oánh "Chú sắp xếp để mình đến thăm, nói chuyện với cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh nhà".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thắp hương trước phần mộ cụ thân sinh. (ảnh tư liệu Báo Quảng Bình) 

Năm 1999, Đại tướng đến nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Công an Quảng Bình. Đến trụ sở Công an tỉnh, Đại tướng đi một vòng thăm nơi ở của cán bộ, chiến sĩ ở lại đơn vị, rồi Đại tướng đi xem nhà ăn. Đại tướng hỏi "Quảng Bình có tất cả bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ?". "Đời sống của cán bộ, chiến sĩ thế nào?". "Những chiến sĩ mới vào ngành được huấn luyện ra sao?"...

Sau khi nghe đồng chí Cao Ngọc Oánh trả lời, Đại tướng dặn dò "Quảng Bình ta nghèo, nghèo từ xưa nhưng rất dũng cảm, anh hùng. Trong chiến tranh, Quảng Bình là hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam, tất cả người lính khi vào Nam chiến đấu đều ít nhất một đêm ngủ lại ở Quảng Bình.

Do vậy, dù tỉnh nhỏ nhưng Quảng Bình được nhiều người biết, vì vậy các chú, các cháu phải luôn nỗ lực phấn đấu hết mình để quê hương phát triển. Phải luôn nghĩ đến việc làm việc tốt, việc tốt làm bao nhiêu cũng không đủ, còn việc xấu phải tránh, vì việc xấu chỉ một lần làm là thừa rồi...".

Đang đứng trên bục nói chuyện với lực lượng cán bộ, chiến sĩ Công an Quảng Bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi xuống cuối hội trường nơi nhiều chiến sĩ trẻ đang ngồi chăm chú nghe ông nói, rồi Đại tướng cười hóm hỉnh "Khó khăn nhiều nhưng các cháu phải luôn học tập, luôn cố gắng, khi nào khó khăn quá thì cùng nhau hát bài "Quảng Bình quê ta ơi" để phấn chấn mà phấn đấu".
Nhiều người dân đến nhà lưu niệm Đại tướng ở An Xá, Lộc Thuỷ, Lệ Thuỷ, Quảng Bình để thắp hương, tưởng nhớ khi nghe tin Đại tướng mất. 

Nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thỉnh thoảng Trung tướng Cao Ngọc Oánh nhìn xa xăm, hình ảnh người anh cả của lực lượng vũ trang như xâm chiếm tâm hồn đồng chí. Trung tướng Oánh chia sẻ "Những lời dạy của Bác Hồ, những phẩm chất cao quý của Bác luôn hằn in trong trái tim Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng luôn dành cho lực lượng Công an một tình cảm sâu lắng, sắt son.

Mỗi lần nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Công an Quảng Bình, Đại tướng đều căn dặn: Công an phải lấy 6 Điều Bác Hồ dạy làm kim chỉ nam cho mọi hành động, điều nào cũng tốt, cũng quan trọng nhưng Bác Hồ sắp xếp điều nào trước, điều nào sau là có lý do và rất ý nghĩa. Đại tướng đến Công an Quảng Bình như người cha, người bác đến thăm con cháu. Cán bộ, chiến sĩ đều háo hức vui mừng và lắng sâu lời dạy của Đại tướng".

Năm 2004, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quê hương Quảng Bình, khi lãnh đạo địa phương có nhã ý chọn khách sạn tốt mời Đại tướng về nghỉ, nhưng ông không đồng ý, và Đại tướng đã chọn nhà nghỉ Hoa Hồng của lực lượng Công an để ở.

Năm đó, sức khoẻ của Đại tướng đã yếu, lãnh đạo tỉnh đều chung ý nghĩ, Đại tướng đã già, sức khoẻ yếu nên có thể đây là lần cuối cùng Đại tướng về thăm quê, nên lãnh đạo tỉnh nói với Đại tướng, rất nhiều con em Quảng Bình muốn một lần được gặp, và chào Đại tướng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cười vui "Tôi ở nhà nghỉ Hoa Hồng, và sẽ ở lại một tháng, bà con ai muốn đến gặp các đồng chí cứ cho vào"...

Tôi đến phòng làm việc của Thiếu tướng Từ Hồng Sơn-Giám đốc Công an Quảng Bình để tìm tư liệu viết bài về Đại tướng. Trước đây, mỗi lần Đại tướng về thăm quê, đồng chí Từ Hồng Sơn luôn là người có mặt bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp để bảo vệ ông. Bên bàn làm việc, Thiếu tướng Từ Hồng Sơn đang ngồi trầm ngâm ngắm bức hình Đại tướng nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Công an Quảng Bình.

Đồng chí Từ Hồng Sơn chia sẻ "Nghe tin ông mất mà bản thân thấy bàng hoàng, biết Đại tướng tuổi cao, sức yếu phải có ngày ra đi theo quy luật, nhưng sao vẫn thấy bất ngờ. Những lời Đại tướng dặn dò nghe như mới hôm qua".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Công an Quảng Bình khi ông về thăm quê. (ảnh tư liệu Công an QB). 

Nói chuyện với lực lượng Công an Quảng Bình, bao giờ Đại tướng cũng dặn đầu tiên là 2 chữ Đoàn kết. Quân đội bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, Công an cũng vậy, nhưng trong thời bình Công an phải luôn nêu cao nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Nhân dân là sức mạnh vô địch, dựa vào dân để hoàn thành nhiệm vụ.

Nước ta đang xây dựng phát triển kinh tế, vượt qua đói nghèo, nên lực lượng Công an phải cố gắng giữ dìn, bảo vệ an ninh chính trị, an ninh trật tự để địa phương phát triển. Không có môi trường ổn định, an ninh không được giữ vững thì khoan hãy nghĩ đến việc làm cái gì. Phải chăm lo cho thế hệ trẻ, nhưng phải uốn nắn những sai lệch để chúng ta có lực lượng Công an vừa hồng, vừa chuyên, Đại tướng dặn dò như vậy.

Lắng sâu trong hình bóng quê hương

Người dân Quảng Bình đang gắng gượng khắc phục hậu quả của bão số 10, song khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, nhiều người dân đã thổn thức, rơi lệ. Sáng sớm, khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, một số cựu chiến binh ở phường Nam Lý, Thành phố Đồng Hới đã gặp nhau rồi bắt xe lên làng An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ (quê hương Đại tướng) để thắp hương cho Đại tướng.

Nhiều người đã bước qua tuổi 80 nhưng mắt nhoà lệ tiếc thương người anh cả của lực lượng vũ trang. Dọc các đường làng về quê nhà Đại tướng, nhiều người dân Lệ Thuỷ đi mua hương, hoa thắp tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần về thăm quê. (ảnh tư liệu Báo Quảng Bình). 

Đến nhà Đại tướng ở An Xá, mọi người nâng niu những kỷ vật mộc mạc, giản dị, đơn sơ ở nhà Đại tướng, nhiều người đã không cầm được nước mắt, bởi tình yêu thương và lòng kính trọng đối với người con của quê hương Lệ Thuỷ đã trọn đời vì nước, vì dân. Ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng được xây dựng cấp 4 với 3 gian nếp xưa nằm nép mình dưới những tán cây xanh.

Năm 1947, biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi làm cách mạng, giặc Pháp đốt cháy trụi ngôi nhà hơn 100 năm tuổi của gia đình ông Giáp. Năm 1977, ngôi nhà của Đại tướng mới được gia đình và chính quyền địa phương phục dựng nguyên trạng trên nền đất cũ. Lúc đầu, chính quyền địa phương có ý kiến xây dựng ngôi nhà khang trang nhưng gia đình Đại tướng không đồng ý.

Sau đó, ngôi nhà gỗ 3 gian, 2 chái, lợp ngói theo nếp nhà truyền thống của vùng quê lúa Lệ Thủy kiểu xưa được phục dựng.  Còn đây, phía sau nhà Đại tướng có cây khế ngọt trĩu quả đã hơn 100 năm tuổi. Cơn gió nhẹ thoảng qua lay lay cành khế làm giăng mắc hoa tím rụng đầy cả lối đi. Lúc còn khỏe, mỗi lần về thăm nhà, Đại tướng vẫn thường ngắm cây khế với nhiều ký ức trong vắt tuổi thơ. Dưới tán gốc khế này, thửa thiếu thời, Đại tướng thường ngồi học bài và cùng bạn bè đồng lứa vui chơi đánh khăng, đánh đáo.

Trước đây, mỗi khi trở về thăm quê, nơi đầu tiên mà Đại tướng đến là nghĩa trang liệt sĩ huyện, để thắp hương cho người cha kính yêu của mình - liệt sĩ Võ Quang Nghiêm và những chiến sĩ của ông đã ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Sau đó về bên ngôi nhà nhỏ, Đại tướng kính cẩn thắp hương lên bàn thờ tổ tiên.

Ông hỏi thăm những người bạn thuở thiếu thời xem ai còn ai mất, bắt tay, ôm hôn từng người bà con, làng xóm. Ra vườn, Đại tướng tự tay tưới cây, tỉa cành...Đại tướng đã đi xa nhưng hình ảnh của ông vẫn mãi in đậm trong hình bóng quê nhà.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có hai vấn đề xuyên suốt tư tưởng và hành động của Đại tướng qua đôi câu nói mà Bác Hồ từng căn dặn: “Chú Văn ạ! Làm cách mạng phải dĩ công vi thượng” và “có dân là có tất cả”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, suốt cả cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp không hề thấy bóng dáng tư lợi. Nhân cách của Đại tướng trong sáng, giản dị đến cao thượng



Theo CAND

Bình luận
vtcnews.vn