• Zalo

Chiến sĩ cảm tử quân tiếp tế đảo Cồn Cỏ kể chuyện bị tra tấn như thời trung cổ trong nhà tù Mỹ - Ngụy

Thời sựThứ Ba, 30/04/2019 12:17:00 +07:00Google News

Tham gia đoàn cảm tử quân đi 'con đường máu trên biển' tiếp tế ra đảo Cồn Cỏ, ông Lê Cường bị bắt và tù đày, tra tấn suốt 5 năm trong nhà tù Mỹ - Ngụy.

Đảo Cồn Cỏ nằm chếch về phía Bắc vỹ tuyến 17, cách cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) khoảng 15 hải lý, cao hơn mặt nước biển 63,4 mét. Trên đảo có rừng cây, đất đỏ bazan, núi đá, bãi cát...

Sau Hiệp định Geneve (1954), một thời gian dài trên đảo không có quân đội phía nào lưu trú. Mùa Thu năm 1959, biết trước chính quyền Ngô Đình Diệm lăm le chiếm đảo, ngày 8/8/1959, quân đội ta nhanh chóng cử một đơn vị bộ đội lên giữ đảo. 

Tháng 8/1964, khi Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc và mục tiêu đầu tiên của chúng hướng đến nhằm săn bằng, chiếm đóng là đảo Cồn Cỏ - nơi được ví như đảo tiền tiêu của miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa.

Bị Mỹ ném bom dữ dội, bộ đội tham gia chiến đấu trên đảo rơi vào tình cảnh thiếu thốn lương thực, đạn dược, thuốc men... và việc tiếp tế ra đảo rất cấp bách.

Con Co 2

 Trong những năm 1964 - 1968, Cồn Cỏ là mục tiêu bắn phá ác liệt trong âm mưu đánh phá miền Bắc của giặc Mỹ. 

Trước tình hình đó, những đoàn cảm tử quân được thành lập để vượt "con đường máu trên biển" mang lương thực, đạn dược, thuốc men, quần áo... tiếp tế cho bộ đội trên đảo.

Tham gia đoàn cảm tử quân trong những ngày đầu có ông Lê Cường (hiện trú tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).

Chèo thuyền gỗ vượt 'con đường máu trên biển'

Trải qua những năm tháng chiến tranh, tù đày và nhiều loại hình tra tấn trong hàng loạt nhà giam của Mỹ - Ngụy, đến nay sức khỏe của ông Cường không còn được như nhiều người bạn đồng trang lứa. Thi thoảng những vết thương thời bị ngồi tù và bệnh già tái phát khiến đôi chân ông Cường đi đứng khó nhọc. Dẫu vậy, trí nhớ của ông vẫn còn tinh anh lắm.

Lúc chúng tôi đến, ông Cường đang mắc võng ngoài sân để ru ngủ cho đứa cháu nội. Thấy khách đến, ông Cường gọi vợ ra chăm cháu, còn mình thì tập tễnh bước vào nhà mặc bộ quần áo dài để tiếp khách.

Mời chúng tôi vào phòng khách treo đầy những huân huy chương, ông Cường rót nước và bắt đầu kể những chuyến đi vượt bom đạn để tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ và những năm tháng sống như địa ngục trần gian trong nhà tù Mỹ - Ngụy.

Ông Lê Cường kể ông tham gia những đoàn cảm tử quân để chi viện ra đảo Cồn Cỏ từ ngày đầu tiên và cũng là thời gian Mỹ ném bom đánh phá huyện Vĩnh Linh và đảo Cồn Cỏ ác liệt nhất. Mỗi chuyến đi, cứ 10 người thì có đến 5,6 người chết và mất tích, cho nên tuyến đường tiếp tế ra đảo Cồn Cỏ khi ấy được mệnh danh là "con đường máu trên biển".

Do tuổi tác đã cao, ông Cường không thể nhớ rõ ngày ông tham gia chuyến đi đầu tiên tiếp tế ra đảo Cồn Cỏ. Tuy nhiên, ông chỉ nhớ khoảng thời gian đó là tháng 5/1965. Khi ấy, ông Cường chưa lập gia đình và đang là dân quân tự vệ ở huyện Vĩnh Linh. Khi nhận lệnh từ cấp trên, ông Cường đăng ký tham gia đội "cảm tử quân" đi tiếp tế cho Cồn Cỏ dù biết "đi dễ khó về".

Ông Cường cho biết, đoàn tiếp tế khi ấy sử dụng loại thuyền gỗ chở được hơn 1 tấn hàng. Tuy nhiên, để đảm bảo bí mật, thuyền phải được chèo bằng tay chứ không được sử dụng máy.

Khi đi, đoàn được tập hợp khoảng hơn 10 thuyền và xuất phát đi từ 18 - 19h. Thời gian tới đảo nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào việc có bị giặc Mỹ phát hiện hay không nhưng thời gian trung bình rơi vào khoảng 6 tiếng.

Con Co 2

 Đến giờ, ông Cường vẫn còn nhớ như in về những lần vượt "con đường máu trên biển" để tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. 

Khoảng 3 - 4 chuyến đầu tiên, ông Cường cùng đoàn cảm tử quân tham gia tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ đi lại thuận lợi và vận chuyển vài chục tấn đạn dược, thuốc men, lương thực... ra đảo. Tuy nhiên, chuyến cuối cùng, khi quân ta dồn toàn bộ lực lượng để vận chuyển hàng hóa ra đảo thì lại gặp bất trắc.

Ông Cường nhớ rõ khi ấy là đêm 27/5/1965, hôm đó trời yên biển lặng, nhận sự chỉ đạo của cấp trên, một đoàn thuyền gỗ khoảng 12 chiếc lên đường chở hàng tiếp tế ra đảo Cồn Cỏ. Chuyến đi thành công và hàng hóa được vận chuyển trọn vẹn lên đảo để phục vụ cho bộ đội đang tham gia chiến đấu trên đó.

Thế nhưng, đêm 29/5, khi đoàn tàu đang quay về đất liền thì bị tàu của Mỹ phát hiện và bị chúng vây ráp theo thế gọng kìm. Ban đầu, các thuyền của ta được chỉ đạo tản ra đi để tránh sự vây ráp của địch. 

 
Khi chúng lại nung sắt đỏ rồi dí vào người. Lúc chúng lại còng cả chân và tay cho ta ngồi trong tư thế khom lưng trong phòng biện giam và dùng gậy đánh vào lòng bàn chân...

Ông Lê Cường

"Khi ấy tàu của quân Mỹ to lắm, chúng ỷ lớn nên hung hãn lao tới vây ráp nhằm bắt sống những người của ta trên tàu. Tuy nhiên, khi chúng gần đến nơi thì bị ta dùng súng B40, B41 bắn trả khiến tàu của chúng dính đạn.

Biết ta có vũ khí, chúng không dám đến gần và cho lùi xa tàu ra, sau đó dùng pháo bắn về phía tàu của ta.

Hai bên bắn nhau khoảng hơn 3 tiếng thì biển xuất hiện bão tố. Bị pháo Mỹ tập kích cộng thêm sóng lớn khiến nhiều chiếc thuyền gỗ của ta bị vỡ, rất nhiều người hy sinh trong chuyến đi ấy mà đến nay thân thể mãi mãi nằm lại biển khơi", ông Cường kể mà đôi mắt ngấn lệ.

Thuyền của ông Cường không bị vỡ nhưng tất cả 5 người trên thuyền đều bị thương, mệt lả do vật lộn với sóng lớn nên đành để chiếc thuyền tự trôi trên biển...

Trong lúc chiếc thuyền tự trôi trong bão táp, có lúc ông Cường nghĩ mình và những đồng đội không thể sống sót để quay về đất liền. Chiếc thuyền cứ thế trôi, trôi mãi vào vùng biển do chính quyền Mỹ - Ngụy đang chiếm đóng.

Những trận đòn roi trong nhà tù Mỹ - Ngụy

Khoảng 3h ngày 31/5, chiếc thuyền của ông Cường và các đồng đội trôi dạt vào vùng biển Quảng Nam - khi ấy vẫn do chính quyền Mỹ - Ngụy chiếm đóng. Thấy chiếc thuyền của ông Cường, tàu tuần dương của Mỹ lập tức áp sát để bắt giữ những người trên thuyền.

Con Co 1 4

 Ông Cường phải trải qua những trò tra tấn như thời trung cổ trong nhiều nhà tù của Mỹ - Ngụy. 

Ông Cường nhớ lại: "Tàu của chúng lớn nên không đến gần lại được chúng tôi nên dùng ca nô để chạy tới. Thấy thế, chúng tôi liền dùng dây thừng buộc toàn bộ vũ khí lại và vứt xuống biển.

Khi quân Mỹ đến chúng tôi nói dối là những ngư dân đi đánh cá và gặp bão nên bị trôi dạt trên biển. Tuy nhiên, chúng vẫn trói chúng tôi lại và dùng dây thừng lôi chúng tôi về và giam trong nhà tù Mang Cá ở Huế".

Tại nhà lao ở Huế, ông Cường bị quân Mỹ dùng mọi hình thức tra tấn tàn bạo nhất từ việc đánh đập bằng roi thông thường đến việc dùng điện chích vào người với hy vọng lấy được lời khai từ ông. Tuy bị tra tấn rất dã man nhưng ông Cường một mực khẳng định mình chỉ là ngư dân đánh bắt bình thường chứ không phải bộ đội giải phóng hay gì khác.

Biết không lấy được lời khai từ ông Cường, giặc Mỹ luân chuyển ông trong nhiều nhà lao từ Huế vào đến tận Sài Gòn. Ở đâu chúng cũng đánh đập ông Cường một cách dã man.

"Chúng dùng đủ thứ tra tấn mà chúng có thể nghĩ ra, có những trò tra tấn chẳng khác gì thời trung cổ. Khi thì chúng ép uống nước xà phòng cho đầy bụng rồi lại dùng gậy, chân tay đánh cho ói ra. Khi chúng lại nung sắt đỏ rồi dí vào người. Lúc chúng lại còng cả chân và tay cho ta ngồi trong tư thế khom lưng trong phòng biện giam và dùng gậy đánh vào lòng bàn chân...

Khi chúng lại dùng điện để chích vào người. Nói chung trong những trò tra tấn của chúng thì tôi sợ nhất là chúng dùng gậy đánh đập vào những chố hiểm yếu vì những trò tra tấn khác đôi khi chỉ đau lúc đó thôi còn những vết thương do đánh đập thì đau lâu lắm...", ông Cường nói.

Không chỉ đánh đập, quân Mỹ còn dùng trò tâm lý chiến hòng lấy lời khai từ ông Cường. Tuy nhiên, với bản lĩnh cách mạng của người con vùng đất Vĩnh Linh (Quảng Trị), ông Cường vẫn một mực khẳng định mình chỉ là ngư dân.

Quân Mỹ tàn ác tiếp tục luân chuyển ông đến nhiều nhà tù ở Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Phước... và biệt giam ông, mỗi bữa chỉ cho ăn một chút cơm với muối trắng.

Gian khổ là vậy nhưng ông Cường quyết không đầu hàng và kiên quyết đấu tranh với những trò tâm lý chiến hèn hạ của quân Mỹ và yêu cầu được thả tự do.

Đấu tranh chống chào cờ của Ngụy quyền Sài Gòn

Khoảng những năm 1969, ông Cường bị luân chuyển về trại giam Tân Hiệp (Biên Hòa). Tại đây ngoài việc bị tra tấn thảm khốc, mỗi sáng lính Mỹ còn sử dụng chiêu trò tâm lý chiến khi bắt ông và hơn 2.500 tù binh chào cờ của Ngụy quyền Sài Gòn.

Tuy nhiên, khi ấy ông Cường và 6 người khác là những người đầu tiên trong số hơn 2.500 tù binh quyết tâm đấu tranh chống chào cờ của Ngụy quyền Sài Gòn. Ông Cường cùng những đồng đội khi ấy bị Mỹ - Ngụy quy vào hàng ngũ "cứng đầu", bị chúng cùm chân tay và tống vào phòng biện giam và dùng mọi kiểu tra tấn dã man hòng dập tắt hành vi chống đối của ông Cường và những đồng đội. 

Thế nhưng, ông Cường và những đồng đội kiên quyết không khuất phục. Cũng từ đó, phong trào chống trào cờ trong trại giam Tân Hiệp của chính quyền Mỹ - Ngụy do ông Cường và các đồng đội khởi xướng ngày càng lan rộng.

Rất may, trong lúc ông Cường đang bị giam và tra tấn dã man thì Hội Hồng thập tử Quốc tế đến nhà tù Tân Hiệp để điều tra về đời sống của những tù nhân. Khi gặp được những người trong hội này, ông Cường kiên quyết đấu tranh đòi chính quyền Mỹ - Ngụy phải trả tự do. 

Con Co 5

 Những bằng khen ghi nhận công lao trong chiến đấu bảo vệ đảo Cồn Cỏ và huyện Vĩnh Linh được ông Cường treo tại một vị trí trang trọng trong phòng khách gia đình.

Ông Cường lập luận rằng, bản thân ông chỉ là một ngư dân bình thường do gặp bão mà trôi dạt vào vùng đất do chính quyền Mỹ - Ngụy đang chiếm đóng. Việc quân Mỹ bắt ông, giam và tra tấn nhiều năm liền trong các nhà tù từ Huế vào đến Sài Gòn là đã vi phạm luật pháp quốc tế.

Trước những lập luận của ông Cường và sự can thiệp mạnh mẽ từ phía Hội Thập tử Quốc tế, giặc Mỹ buộc phải trao trả tự do cho ông Cường. 

Ngày 20/7/1970, quân Mỹ dùng tàu chở ông Cường ra vùng biển giáp ranh giữa Huế và Quảng Trị. Sau đó, chúng cho ông một chiếc thuyền và để ông tự chèo thuyền về quê hương Vĩnh Linh.

Được trả tự do, ông Cường tiếp tục tham gia vào đoàn cảm từ quân tham gia tiếp tế ra đảo Cồn Cỏ một vài lần trước khi quay lại đất liền tham gia chiến đấu bảo vệ Vĩnh Linh.

Đến năm 1971, ông Cường lập gia đình và cả 2 vợ chồng ông đều tham gia vào lực lượng dân quân để bảo vệ quê hương cho đến ngày đất nước giải phóng.

Từ năm 1964 đến 1968, máy bay Mỹ ném xuống Cồn Cỏ trên 13.000 quả bom các loại, hàng vạn quả rốc-két; 172 lần tàu chiến pháo kích trên 4.000 quả đạn pháo lên đảo.

Bình quân mỗi héc-ta đất trên đảo chịu 22,6 tấn bom đạn.

NGUYỄN VƯƠNG
Chuyên đề: Tin nóng trong ngày
Bình luận
vtcnews.vn