Chiến lược 'Đôi bạn cùng tiến' của doanh nghiệp FDI

Đầu TưThứ Hai, 28/06/2021 10:03:00 +07:00
(VTC News) -

COVID-19 đã gây ra sự gián đoạn trong nền kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp lựa chọn chiến lược “bản địa hoá” như “liều vaccine” đối kháng với biến động.

Bệ phóng phát triển của lao động địa phương

Nhằm nhanh chóng thích nghi với biến động, duy trì tăng trưởng và phát triển kinh doanh tại vùng đất mới, nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam dần chuyển sang chính sách tập trung tìm kiếm và xây dựng nguồn lực chất lượng cao tại địa bàn hoạt động, điều này đã tạo ra tác động tích cực đến thị trường lao động tại địa phương.

Chiến lược 'Đôi bạn cùng tiến' của doanh nghiệp FDI - 1

Nhân sự Việt được tạo điều kiện phát triển sự nghiệp nhờ chính sách “bản địa hoá”.

Gia nhập công ty TNHH giấy Lee & Man Việt Nam ngay khi vừa ra trường, với xuất phát điểm là nhân viên phòng xuất nhập khẩu, chị Phạm Thị Hà Ngân đã được công ty hỗ trợ và khuyến khích phát triển năng lực của mình. Chỉ sau 6 tháng làm việc, chị Ngân đã được bổ nhiệm lên vị trí quản lý, hiện đảm nhiệm vị trí Phó Giám đốc Xuất nhập khẩu của công ty.

Ở Lee &Man, chúng tôi có chính sách ưu tiên tuyển dụng các bạn sinh viên mới ra trường và tạo điều kiện cho những nhân viên có năng lực có thể phát triển tốt nhất”, chị Ngân nói. “Mỗi nhân viên là một mắt xích trong đội ngũ, và sự đoàn kết là yếu tố quan trọng nhất để vượt qua thử thách”.

Bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Nghiệp vụ của Công ty Giấy Lee & Man Việt Nam, chia sẻ: “Ngay từ khi xây dựng nhà máy, ban lãnh đạo công ty đã lên kế hoạch nhân sự với tỷ lệ nhân sự nội địa hóa đạt 50-60%. Chính vì vậy, chúng tôi luôn tập trung đầu tư nâng cao kiến thức, đưa nhân viên tham gia các khóa đào tạo, tạo thời gian để họ học hỏi kinh nghiệm, từ đó giúp họ phát triển bản thân và có cơ hội thăng tiến lên những vị trí cao hơn”.

Chiến lược 'Đôi bạn cùng tiến' của doanh nghiệp FDI - 2

Công ty TNHH Giấy Lee & Man có tới 95% nhân viên trong đội ngũ lao động là người Việt.

Là một công ty vốn nước ngoài, thừa hưởng công nghệ và dây chuyền sản xuất từ tập đoàn mẹ tại Hong Kong, song trước bài toán nhân lực, Lee & Man Việt Nam vẫn chọn lựa chiến lược “bản địa hóa”: đưa người Việt trở thành lực lượng lao động chủ đạo, song song cùng cất nhắc các nhân sự địa phương nắm giữ vị trí lãnh đạo.

“Cú hích” thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp

Bên cạnh việc giải quyết bài toán việc làm và tạo cơ hội phát triển cho người dân địa phương, chiến lược bản địa hóa nhân sự còn giúp các công ty nhanh chóng thích nghi với biến động, duy trì tăng trưởng và phát triển kinh doanh.

Nhờ chính sách bản địa hoá, hoạt động kinh doanh của Lee & Man Việt Nam vẫn được duy trì một cách ổn định bất chấp tác động của đại dịch, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế tỉnh Hậu Giang, đưa tỉnh nhà vươn lên dẫn đầu khu vực ĐBSCL với mức tăng hơn 4.5% trong năm 2020.

Nói về hành trình xây dựng đội ngũ nhân sự bản địa của doanh nghiệp, ông Chung Wai Fu, Tổng giám đốc công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam, chia sẻ: “Trong giai đoạn đầu tiên xây dựng nhà máy, chúng tôi có khoảng 20 nhân sự đến từ Trung Quốc. Hiện tại tổng số nhân viên của Công ty chúng tôi là 1.200 nhân sự, nhưng số lượng nhân sự từ Trung Quốc cũng chỉ có 60. Thậm chí tỷ lệ người Việt trong tổng nhân sự điều hành C-Level của công ty hiện nay cũng đã đạt hơn 50%”.

Cũng theo ông Chung, nuôi dưỡng nhân sự Việt không khó vì họ có tính học hỏi cao. Tuy nhiên, thử thách lớn hơn mà doanh nghiệp như Lee & Man Việt Nam cần tập trung, đó chính là làm sao để “giữ” được họ ở lại sau quá trình đào tạo.

Trên tinh thần đó, năm 2019, Công ty đưa vào hoạt động khu nhà ở chất lượng cao với nhiều tiện ích nội khu như sân bóng, phòng gym, giải trí, y tế… để nhân sự yên tâm với công việc của mình. Các chính sách đãi ngộ, quan tâm chăm sóc người lao động trong nội bộ cũng được chú trọng hết mực, được đánh giá thỏa mãn những yêu cầu, mong muốn vật chất lẫn tinh thần của đội ngũ công nhân viên.

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn