Sau Tết Nguyên Đán, tâm lý hứng khởi của thị trường được hỗ trợ bởi hoạt động đẩy mạnh mua ròng của khối ngoại đã khiến thanh khoản tăng vọt. VN-Index tăng 6% và tiệm cận ngưỡng 1.000 điểm trước khi quay đầu giảm điểm.
Sự điều chỉnh này theo VDSC chủ yếu đến từ áp lực chốt lời sau chuỗi tăng nóng trước đó và hoạt động cơ cấu danh mục định kỳ của quỹ iShares MSCI Frontier 100 ETF.
Động lực từ khối ngoại
Theo VDSC, sau năm 2018 rút vốn ồ ạt khỏi các thị trường mới nổi, dòng vốn ngoại đã quay trở lại từ đầu năm 2019 và là nguyên nhân chính cho diễn biến tích cực của các thị trường này. Điều đó thể hiện qua sự tương quan chặt chẽ giữa 2 chỉ số Bloomberg Emerging Market Capital Fund Flow Proxy Index và MSCI Emerging Market Index.
So với các thị trường mới nổi, TTCK Việt Nam có mức phục hồi chậm hơn trong tháng 1, trước khi dòng vốn mới từ các quỹ ETF giúp tạo ra chuỗi hồi phục mạnh mẽ trong tháng 2.
Khối ngoại đã mua ròng 2.115 tỷ đồng trong tháng 2, tập trung vào MSN (1.757 tỷ), HPG (636 tỷ), CCQ VFMVN30 (531 tỷ) và VCB (414 tỷ). Chiều ngược lại, cổ phiếu VGC bị bán ròng mạnh nhất (936 tỷ) ngay trước thềm thoái vốn nhà nước. Tính riêng khớp lệnh trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng hơn 1.300 tỷ đồng, con số cao nhất kể từ tháng 1/2018.
VDSC cho rằng, với kỳ vọng quá trình thắt chặt tiền tệ của Fed chậm lại và các cuộc đàm phán thương mại sẽ nới lỏng tình hình căng thẳng đã diễn ra 2018. Dòng tiền đổ vào các quỹ ETF cũng tăng mạnh kể từ đầu năm, đặc biệt ở Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Ả Rập Saudi và Việt Nam.
Các quỹ ETF theo dõi thị trường Việt Nam đã hút ròng tới 110 triệu USD chỉ trong hai tháng đầu năm, cao hơn nhiều so với con số của cả năm trở lại đây.
Thống kê trong giai đoạn quá khứ cho thấy khi các quỹ ETF, mà đặc biệt là VFMVN30 ETF, đẩy mạnh phát hành chứng chỉ quỹ thì TTCK Việt Nam có diễn biến rất thuận lợi (đầu năm 2018). Ngược lại, những thời điểm các quỹ này bị rút ròng mạnh, theo sau đó VN-Index cũng bước vào giai đoạn điều chỉnh.
Động thái mua mạnh của khối ngoại (mà chủ yếu ở các cổ phiếu vốn hóa lớn) khiến thị trường có sự phân hóa. Giai đoạn cuối tháng 2 là những ngày giao dịch “xanh vỏ đỏ lòng” khi chỉ có các cổ phiếu trụ thay phiên “kéo” chỉ số.
Dù vậy, giai đoạn đầu tháng vẫn ghi nhận dòng tiền lan tỏa khá tốt sang nhóm vốn hóa vừa. VN30-Index và VNMid-Index tăng lần lượt 4,5% và 7,3%, trong khi VNSmall-Index chỉ tăng 2,6% trong tháng 2. Độ rộng thị trường khá tích cực, hơn một nửa số mã tăng nhẹ.
Thận trọng vẫn hơn
VDSC cho rằng, đây vẫn là thời điểm đề cao việc lựa chọn cổ phiếu để đầu tư.
“Vì vậy, nhà đầu tư nên tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản và có câu chuyện. Thị trường vốn phản ứng rất nhanh nhạy, giống những gì xảy ra với cổ phiếu dệt may và nhiệt điện trong hai tháng vừa qua. Thanh khoản giao dịch cũng là một yếu tố quan trọng cần theo dõi. Nếu thị trường tiếp tục đi lên nhưng thanh khoản yếu, cần thận trọng vì điều này hàm ý không có nhiều người chơi tham gia”, VDSC khuyến nghị.
Sang tháng 3, với lịch trình nhiều thông tin quan trọng như hai quỹ ETF cơ cấu danh mục, họp chính sách FOMC, Brexit, đàm phán thương mại tiếp tục diễn ra thì thị trường rất khó tăng nhanh và mạnh, mà thiên về trạng thái tích lũy.
“Cho đến khi dòng tiền ngoại trên vẫn ở lại với thị trường thì chúng tôi cho rằng cơ hội đầu tư ngắn hạn vẫn đang hiện hữu, song cơ hội sẽ không chia đều cho tất cả”, VDSC nhận định.
Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn vẫn sẽ là nơi để các nhà đầu tư có thể tìm kiếm lợi nhuận. Dù vậy, VDSC cũng lưu ý rằng, nhóm này đã hưởng lợi từ xu hướng gia tăng giải ngân của khối ngoại. Thị trường cũng theo đó mà ghi nhận mức tăng mạnh. Điều này kéo theo định giá của nhiều cổ phiếu trong nhóm vốn hoá lớn đã này không còn ở mức hấp dẫn nữa.
Một điểm cần lưu ý là góp phần vào đà tăng mạnh của chỉ số trong hai tháng đầu năm là sự tham gia tích cực của dòng tiền “nóng” từ bên ngoài, cùng với câu chuyện thăng hạng thị trường đã được lặp lại trong nhiều năm qua.
Đối với NĐT tìm kiếm cơ hội theo câu chuyện thăng hạng thì chúng tôi cho rằng cần theo dõi chặt chẽ dòng tiền vào/ra các quỹ ETF trong và ngoài nước.
Đồng thời, NĐT giảm dần tỷ lệ sử dụng đòn bẩy và cân nhắc thời điểm hiện thực hóa lợi nhuận (khi có dấu hiệu các quỹ ETF bị rút vốn) để bảo toàn thành quả. Mặt khác, việc mua và nắm giữ dài hạn có thể kiên nhẫn để chờ một cơ hội tốt hơn là mua đuổi trong giai đoạn này.
Bình luận