(VTC News) – Truyền thông nhà nước Trung Quốc kêu gọi Washington nên có giao thiệp ngoại giao với nước này để ‘bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, hàng không’ ở Biển Đông.
Trong động thái được cho là ‘mềm mỏng’ hiếm thấy, bài viết của Hoàn Cầu thời báo kêu gọi “Mỹ nên có sự giao thiệp ngoại giao với Trung Quốc” để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Tàu khu trục tên lửa USS Lassen của Mỹ tiến vào khu vực 12 hải lý mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền - Ảnh: Hải quân Mỹ |
Biện hộ cho hành động cải tạo đảo, đá một cách phi pháp, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, bài viết nói các điểm đảo nhân tạo này “không nhằm đối phó, uy hiếp nước nào”.
Trích dẫn phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoàn Cầu thời báo nói Bắc Kinh “cực lực phản đối bất cứ hành động nào xâm phạm quyền chủ quyền, quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Nam Hải (Biển Đông)”.
Bài viết cũng nói Trung Quốc sẽ “giám sát chặt chẽ và cảnh báo các tàu chiến Mỹ” tuần tra ở Biển Đông nhưng không nói về biện pháp cụ thể. Trong khi đó, tin từ tờ Đông phương buổi sáng của Trung Quốc nói “chiến hạm Trung Quốc theo sát tàu chiến Mỹ” ở Biển Đông.
Giới chức hải quân Mỹ thì tuyên bố rằng tàu khu trục tên lửa USS Lassen đã hoàn thành nhiệm vụ tiến vào vùng 12 hải lý do Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền rồi trở ra ngoài mà không gặp bất cứ trở ngại nào.
Cuối bài viết, Hoàn Cầu thời báo nói Trung Quốc “mạnh mẽ đề nghị Mỹ có những giao thiệp chính thức, nghiêm túc về mặt ngoại giao, ngừng ngay các hành động sai trái, không được khiêu khích Trung Quốc”.
Tân Hoa Xã đăng bài xã luận lúc chiều nay 27/10 sau khi Mỹ tuyên bố “tàu khu trục tên lửa USS Lassen đã hoàn thành nhiệm vụ tuần tra” ở Biển Đông, bao gồm việc đi vào vùng 12 hải lý ở các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm giữ trái phép của Việt Nam ở Trường Sa.
Hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc tại bãi ngầm Mischief (Đá Vành Khăn) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Nguồn: CSIS) |
Bài viết của Tân Hoa Xã có tựa: “Mỹ khoe khoang vũ lực ở Nam Hải (Biển Đông) là hành động vô trách nhiệm”. Chứng minh cho luận điểm này, Tân Hoa Xã nêu ra việc: “Tháng trước, lãnh đạo Mỹ Trung đã thống nhất xây dựng kênh đối thoại mang tính xây dựng về những bất đồng của hai nước ở Biển Đông. Vậy mà khi những lời ấy còn đang vang bên tai, thì Mỹ lại điều tàu chiến vào vùng lãnh hải của Trung Quốc”.
Tân Hoa Xã chỉ trích Mỹ đang “tìm cách khống chế con đường giao thông trên biển có tầm kinh tế quan trọng như Nam Hải (Biển Đông). Việc Mỹ nói về những ‘vùng biển quốc tế’ hay các lý lẽ khác chỉ là cái cớ”.
Bài báo của Tân Hoa Xã trắng trợn bỏ qua sự thực lịch sử rằng quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Thay vào đó, tờ báo này ngang ngược nói “đây là lãnh thổ mà tổ tiên người Trung Quốc để lại” – trích dẫn câu nói của Chủ tịch nước này Tập Cận Bình tuyên bố trước lúc sang thăm nước Anh.
Trả lời phỏng vấn VTC News về các động thái nêu trên của truyền thông Trung Quốc, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường – Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ Quốc tế – CSSD, cho biết: “Để vớt vát thể diện, Trung Quốc đang muốn biến đại sự thành tiểu sự, tiểu sự thành vô sự”.
Tiên sỹ Nguyễn Ngọc Trường, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế - Ảnh: Tùng Đinh |
Ông Trường, người đã từng làm Đại sứ Việt Nam ở 5 nước khác nhau, nhận định rằng sẽ không có chuyện xảy ra “hải chiến Trường Sa” giữa Washington và Bắc Kinh.
Theo Tiến sỹ Trường, qua các cuộc tranh luận sôi nổi trong nội bộ Mỹ về chính sách đối với Trung Quốc và Biển Đông (giữa lợi ích làm ăn kinh tế và quyền tự do hàng hải), thì dưới sức ép của hải quân và các nhà lập pháp Mỹ, Nhà Trắng đã cho phép tàu chiến Mỹ thực hiện chuyến tuần tra tại các đảo đá Trung Quốc bồi đắp và xây dựng trái phép ở khu vực Trường Sa.
Hoạt động tuần tra là để thách thức hành vi trái phép của Trung Quốc, khẳng định giới hạn 500 m chứ không phải 12 hải lý của các đảo nhân tạo và khẳng định quyền của hải quân Mỹ qua lại các con đường biển quốc tế theo thời gian mà Mỹ lựa chọn.
Trả lời câu hỏi vì sao hải quân Mỹ chọn đá Xu-bi làm nơi tuần tra, Tiến sỹ Trường cho biết: "Mỹ chọn địa điểm tuần tra rất khôn khéo, bãi nửa nổi nửa chìm, không có quy chế đảo, Trung Quốc còn vặn vẹo vào đâu? Ngoài ra, Mỹ đã chuẩn bị dư luận từ mấy tuần nay".
Nói thêm về chuyến tuần tra thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế, ông Trường cho biết: "Nếu không hành động bây giờ, sẽ quá muộn. Trung Quốc sẽ quân sự hóa 7 đảo Trường Sa, từ đây khống chế các con đường biển qua Biển Đông, tạo sức ép lên các nước sử dụng con đường biển này trong thời bình và ngăn chặn khi có xung đột - điều này là chắc chắn tới 101%".
Về những ảnh hưởng với Việt Nam, ông Trường nói: "Việt Nam ủng hộ tự do hàng hải, ủng hộ các nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định và nguyên trạng Biển Đông. Việt Nam ghi nhận việc Mỹ tuyên bố hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế.
Mỹ hành động như vậy có lợi cho Việt Nam và các nước liên quan: Việt Nam cũng sẽ có quyền tự do qua lại giữa các đảo, tiếp tế và bảo vệ các vị trí tiền tiêu của Tổ quốc".
Văn Việt Võ
Bình luận