• Zalo

Chiến dịch đổ bộ đường không bi thảm nhất của Liên Xô trong Thế chiến 2

Tư liệuThứ Sáu, 05/05/2023 11:09:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Thật trớ trêu khi hàng ngàn lính dù của Liên Xô đã nhảy vào đúng khu vực có tới 3 sư đoàn bộ binh cơ giới và 1 sư đoàn tăng của Đức Quốc xã đón sẵn.

Tương tự chiến dịch đổ bộ đường không "Market Garden" của Mỹ và Anh vào năm 1944, chiến dịch đổ bộ đường không Dniepr năm 1943 đã bị thảm bại do thất bại về mặt tình báo và những tính toán sai lầm. Vì vậy, có thể xem đây là phiên bản "Market Garden" của Liên Xô.

Ngày 24 tháng 9

Vào đầu tháng 9/1943, đà tiến công nhanh chóng của Phương diện quân Voronezh tại Dnepr đã tạo điều kiện thuận lợi cho Liên Xô sử dụng các lực lượng xung kích đường không lớn nhằm đánh chiếm một đầu cầu ở bờ tây của sông Dnepr. Kế hoạch nhằm ngăn chặn việc quân Đức tái bố trí và tiếp cận lực lượng dự bị của họ khi các lực lượng của Hồng quân vượt sông Dnepr.

Để tiến hành chiến dịch đổ bộ đường không, các lữ đoàn dù độc lập 1, 3 và 5 được hợp nhất thành một quân đoàn dù với quân số khoảng 10 nghìn binh sĩ.

Vào ngày 19/9, kế hoạch đã được đại diện của Stavka (cơ quan lãnh đạo tối cao của lực lượng vũ trang Liên Xô) là Nguyên soái G.K. Zhukov phê duyệt. Zhukov yêu cầu giữ bí mật tối đa trong việc chuẩn bị và tiến hành chiến dịch. Vì vậy, các máy bay trinh sát đã ngừng bay trong khu vực sắp thả dù và các lực lượng mặt đất chỉ được biết về chiến dịch sau khi quân nhảy dù bắt đầu đổ bộ.

Vào chiều tối ngày 22/9, các phân đội tiến công của Tập đoàn quân 40 và Tập đoàn quân xe tăng 3 đã vượt qua bờ tây của sông Dnepr chiếm giữ đầu cầu tại khúc cong Bukrinsky nên sáng ngày 23/9, Đại tướng N.F. Vatutin đã ra lệnh thả hai lữ đoàn dù vào đêm 24/9 tại khu vực phía tây bắc Kanev và khu vực trạm Lazurny trên một vùng rộng 10x14 km.

Giờ hành động của Chiến dịch đổ bộ đường không Dnieper đã điểm!

Chiến dịch đổ bộ đường không bi thảm nhất của Liên Xô trong Thế chiến 2 - 1

Bản đồ chiến dịch đổ bộ của Liên Xô.

Nhảy xuống "địa ngục"

Thời gian quá cấp bách dẫn đến sự vội vàng và rối loạn trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho chiến dịch. Các mệnh lệnh thay đổi nhiệm vụ cuối cùng được gửi đến các chỉ huy đại đội vào ngày 24/9, chỉ 15 phút trước khi đơn vị của họ tập họp trên sân bay. Và họ chỉ có thể hướng dẫn ngắn gọn cho các chiến sĩ khi đã ở trên máy bay về mục đích và mục tiêu của lực lượng đổ bộ. Do vội vàng, binh sĩ chưa được trang bị mìn, mìn chống tăng hoặc áo khoác cho những đêm sương giá mùa thu.

Ngoài ra, thay vì 65 máy bay vận tải Il-2 cho Lữ đoàn 5 nhảy dù, không quân chỉ tập trung được 48 chiếc. Rất nhiều các máy bay vận tải đang trong tình trạng hư hỏng động cơ và khả năng chuyên chở của chúng thấp hơn so với kế hoạch đổ bộ dự kiến.

Điều này khiến Bộ chỉ huy phải khẩn trương bố trí lại người và trang thiết bị trên máy bay, dẫn đến hàng loạt sai sót nghiêm trọng, ảnh hưởng đến công tác tổ chức chỉ huy, điều khiển đổ bộ trong trận chiến.

Toàn bộ chỉ huy của Lữ đoàn 3 Nhảy dù ngồi trên một máy bay, nhưng không có bộ đàm. Các máy bay khác được trang bị bộ đàm, nhưng không có nhân viên thông tin nắm được mã vô tuyến.

Có những chiếc máy bay chở đầy nhân viên y tế và thậm chí cả một dàn nhạc lữ đoàn. Một điều quan trọng nữa là không có đủ xe tiếp xăng tại 6 sân bay khởi hành, vì vậy không có đủ nhiên liệu cho các máy bay chở quân. Lính nhảy dù phải chạy quanh để tìm kiếm xem chiếc máy bay nào sẵn sàng cất cánh.

Kết quả là vào đêm 24/9/1943, ở tất cả các sân bay (từ 18h30 theo giờ Moskva), chỉ có 298 lượt bay được thực hiện, 4.575 lính dù và 690 kiện hàng được thả xuống. Toàn bộ Lữ đoàn 3 nhảy dù và khoảng một nửa quân số Lữ đoàn 5 nhảy dù đã tiếp đất, không có pháo và súng cối. Lúc đó nhiên liệu đã cạn kiệt và một phần lực lượng đổ bộ vẫn còn chờ tại sân bay. Nhưng thử thách nghiêm trọng nhất đang chờ đợi những người lính dù ở phía trước.

Chiến dịch đổ bộ đường không bi thảm nhất của Liên Xô trong Thế chiến 2 - 2

Lính dù Hồng quân Liên Xô.

Những thử thách

Ở đây, mệnh lệnh của Nguyên soái Zhukov về việc tuân thủ nguyên tắc “tối mật” đóng một vai trò quyết định. Việc không có trinh sát đường không trong ba ngày và việc các đội du kích cũng như tình báo quân đội, không được thông báo về cuộc đổ bộ đã khiến bộ chỉ huy chiến dịch không biết gì về 3 sư đoàn bộ binh cơ giới và 1 sư đoàn xe tăng của Đức, đã bí mật di chuyển đến khu vực đầu cầu Bukrinsky.

Hóa ra các đơn vị Đức này đang ở chính xác trong những khu vực mà quân Liên Xô sẽ đổ bộ theo kế hoạch. Kết quả là lính dù Liên Xô đã nhảy ngay lên đầu lính Đức. Hai bên đối đầu và quan trọng nhất là hoàn toàn bất ngờ.

Khi đến gần khu vực hạ cánh, máy bay Liên Xô vấp phải hỏa lực ngăn chặn rất mạnh của pháo phòng không và buộc phải thả dù từ độ cao 2 nghìn mét. Và cuộc đổ bộ trải dài trong phạm vi rộng từ 30-100 km. 13 máy bay không tìm thấy bãi đáp, phải mang lính dù quay trở lại sân bay, một máy bay khác đã thả lính dù xuống sông Dnepr, khiến nhiều binh sĩ chết đuối.

Không khó để tưởng tượng những người lính dù Liên Xô đã phải trải qua thảm cảnh nào trong đêm đó, cả trên không và dưới mặt đất. Một số lượng lớn tên lửa hỏa hiệu có màu sắc khác nhau, cả của quân dù Liên Xô và của lính Đức, được bắn lên từ mặt đất trong khu vực bãi đáp, làm rối loạn tín hiệu tập trung, ánh sáng của lửa và đèn rọi của Đức chiếu sáng những người lính ở cả trên không và sau khi tiếp đất. Chiếc máy bay chở bộ chỉ huy Lữ đoàn 3 nhảy dù đã bị bắn rơi khi đang tiếp cận bãi đáp.

Do khu vực đổ bộ quá rộng, những lính dù bị phân tán thành các nhóm nhỏ, và thường là những người đơn độc, không có chỉ huy, họ bị bỏ lại và tự xoay sở với vũ khí mà họ có. Vào tối ngày 25/9, khoảng 150 binh sĩ thuộc Lữ đoàn 3 nhảy dù đã chiến đấu cực kỳ ngoan cường trong khu rừng phía đông làng Grushevo. Tất cả đều hy sinh.

Trong khi đó, quân Đức báo cáo với chỉ huy của họ rằng đến tối ngày 25/9, có 692 lính dù đã bị tiêu diệt và 209 người khác bị bắt. Trung tá Binder thuộc Sư đoàn Thiết giáp số 19 của Đức sau này nhớ lại: “Bị chia thành các nhóm nhỏ và rất nhỏ, họ đã phải chết. Họ cố gắng trốn trong những khe núi hẹp, nhưng rất nhanh sau đó họ bị truy lùng, bị tiêu diệt hoặc bị bắt làm tù binh. Tất nhiên, trong số họ là những tay thiện xạ có thần kinh thép. Đại đội của Goldman bị thiệt hại nặng - hầu hết đều chết vì bị lính Liên Xô bắn vào đầu".

Chiến dịch đổ bộ đường không bi thảm nhất của Liên Xô trong Thế chiến 2 - 3

Vị trí phòng thủ của quân Đức.

Phía sau phòng tuyến kẻ thù

Đến sáng ngày 25/9, không ai liên lạc được với Sở chỉ huy lực lượng đổ bộ đường không và bộ chỉ huy mặt trận đã quyết định hủy bỏ đợt thả dù thứ hai. Trong khi đó, những người lính dù còn sống sót chỉ còn cách chiến đấu phía sau phòng tuyến địch.

Đến cuối ngày 25/9, tại nhiều nơi trong một vùng rộng lớn, những người lính dù Liên Xô hoàn toàn bị cô lập với nhau, không có thông tin liên lạc và vũ khí hạng nặng, 35 nhóm đã tập hợp được 2.300 người trong tổng số quân đổ bộ.

Bộ chỉ huy Đức phát động một chiến dịch chống đổ bộ quy mô lớn, sử dụng máy bay, xe bọc thép, các đơn vị quân đội và cảnh sát. Một người tham gia chiến dịch là M. Likhterman nhớ lại: “Quân Đức đã xua chúng tôi băng qua thảo nguyên và dần dần tiêu diệt chúng tôi. Chúng dùng chó để vây ráp ... Chúng tôi là một nhóm 12 người ... Trong ba ngày liên tiếp, chúng tôi vượt qua vòng vây siết chặt của những kẻ truy đuổi, nhưng hóa ra chúng đã kẹp chặt chúng tôi trong một đoạn hẹp. Chỉ còn lại bốn người thoát khỏi các khe núi”.

Các trận chiến diễn ra trong nhiều ngày trên một khu vực rộng lớn ở hậu cứ của kẻ thù, làm rối loạn đáng kể các tuyến đường vận chuyển và làm chệch hướng một phần đáng kể lực lượng của quân Đức.

Người dân địa phương được hứa thưởng tiền hoặc bò cho bất kỳ thông tin nào về lính dù, nhưng họ và quân du kích đã giúp đỡ những người lính dù bằng mọi cách có thể.

Đại úy M. Sapozhnikov bị thương nặng, vẫn giữ quân kỳ của Lữ đoàn 3 nhảy dù khi ẩn náu trong một đống cỏ khô cho đến khi được anh em nhà Gaponenko, là dân địa phương tìm thấy. Họ đã giữ hộ quân kỳ của Lữ đoàn 3 và trả lại cho đơn vị vào năm 1944. Và 32 năm sau, anh em Gaponenko mới được trao thưởng huân chương “Vì lòng dũng cảm”.

Chỉ huy Lữ đoàn 5 nhảy dù, Sidorchuk rút ​​về rừng Kanevsky, cuối cùng đã tập hợp được một lực lượng cỡ lữ đoàn, nửa lính dù, nửa du kích. Ông nhận được tiếp tế từ không quân và đã liên kết với các lực lượng Phương diện quân Ukraine 2 vào ngày 15/11.

Sau khi chiến đấu thêm 13 ngày nữa, lực lượng nhảy dù được di tản, kết thúc hai tháng ròng gian khổ. Hơn 60% lực lượng tham gia chiến dịch không bao giờ trở lại.

Lê Hưng(Nguồn: Kirov-bomj.ru)
Bình luận
vtcnews.vn