Trang tin tức, phân tích quân sự Strategypage nói dường như chiến cơ duy nhất dành cho tàu sân bay hiện nay của Trung Quốc là J-15 đã được sản xuất hàng loạt. Tháng 10/2012, Trung Quốc đã công bố những hình ảnh đầu tiên về quá trình cất/hạ cánh của chiến cơ này trên sàn tàu Liêu Ninh.
Từ đó đến nay, đã có thêm nhiều hình ảnh mới con 'Cá mập bay' này, có lúc được sơn màu xám như đã sẵn sàng tham chiến nhưng lại có lúc màu vàng giống trong giai đoạn thử nghiệm.
Trang web cũng nói đến nay đã có 20 chiếc J-15 được sản xuất để sử dụng trong quá trình thử nghiệm, nhưng thực chất, trong đó có 5 chiếc dành riêng cho quá trình thử nghiệm trên tàu sân bay. Kể từ chiếc thứ 6 trở đi, chúng đã được tinh chỉnh, nâng cấp so với phiên bản thử nghiệm.
J-15 hạ cánh thành công trên tàu sân bay Liêu Ninh |
Điều này giúp Trung Quốc có thể tiến lên một giai đoạn mới là huấn luyện phi công và thủy thủ đoàn của tàu sân bay Liêu Ninh các hoạt động trên boong.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, quá trình này phải kéo dài ít nhất trong 10 năm, để có thể tạo ra một đội ngũ sĩ quan, cán bộ có kinh nghiệm, những người đủ khả năng quản lý và giám sát một cách an toàn những hoạt động vốn rất nguy hiểm trên tàu sân bay.
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay của Cá mập bay là nó không thể tự cất cánh từ sàn của tàu sân bay Liêu Ninh nếu mang quá nhiều bom, tên lửa chống hạm. Muốn làm điều đó, chiến cơ này cần sự hỗ trợ của bệ phóng trên sàn tàu.
Cấu tạo sàn cong của Liêu Ninh vẫn đủ khả năng để J-15 có thể cất cánh an toàn trong các nhiệm vụ phòng thủ, tuy nhiên khi mang tải nặng trong nhiệm vụ tấn công chiến cơ sẽ gặp khó khăn.
Theo Strategypage, có thể các tàu sân bay sau này của Trung Quốc sẽ được thiết kế theo dạng sàn phẳng chứ không giống như Liêu Ninh. Hơn nữa, vấn đề hiện nay của J-15 là bánh trước của nó vẫn chưa được thiết kế để có thể cất cánh bằng bệ phóng.
Sàn cong của Liêu Ninh khiến J-15 không tự cất cánh được nếu mang quá nhiều bom, tên lửa |
Nhiều chuyên gia quân sự vẫn cho rằng, quá trình sản xuất J-15 của Trung Quốc trong thập kỷ này dựa nhiều vào chiến cơ Su-27 của Nga. Ở Nga, Su-27 cũng đã được phát triển thành một phiên bản dành cho tàu sân bay và đặt tên là Su-33.
Nga đã từ chối bán Su-33 cho Trung Quốc sau khi bị sao chép trái phép Su-27 thành J-11 và chỉ hỏi mua 2 chiếc để 'tham khảo' chứ không mua số lượng lớn. Nhưng cuối cùng, Trung Quốc vẫn mua được 1 chiếc Su-33 từ Ukraina vào năm 2001, sản phẩm được thừa hưởng sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.
Su-33 đã không còn sử dụng trên tàu sân bay của Hải quân Nga |
Các nguyên mẫu đầu tiên của J-15 được xây dựng trong 2 năm và có chuyến bay thử đầu tiên vào năm 2010. Người Nga không hề hài lòng với điều này, các chuyên gia hàng không Nga đã công khai chế giễu J-15 về khả năng của các kĩ sư Trung Quốc để phát triển các tính năng của Su-33.
Tuy nhiên, với 'kinh nghiệm sao chép' dày dặn, Trung Quốc đã làm được những máy bay J-15 có khả năng tương tự Su-33, thậm chí một vài điểm còn được đánh giá cao hơn. Nhưng Nga đã không còn sử dụng Su-33.
Cuối năm 2009, Hải quân Nga đã chi hơn 1 tỉ USD để mua 24 chiếc MiG-29K, loại máy bay dùng cho tàu sân bay để thay thế hoàn toàn Su-33 đang hoạt đông trên tàu Kuznetsov.
MiG-29K, chiến cơ dành cho tàu sân bay hiện nay của Hải quân Nga |
MiG-29K là phiên bản dành cho tàu sân bay của MiG-29, nó có chuyến bay đầu tiên vào năm 2005, 15 sau khi MiG-29 ra đời.
Trung Quốc còn mạnh miệng tuyên bố J-15 của họ có thể sánh với phiên bản chiến cơ F-18E nặng 30 tấn của Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự Mỹ khẳng định, Cá mập bay nặng 33 tấn này chỉ có khả năng ngang với phiên bản F-18A 23 tấn (dù có vẻ ngoài giống hệt nhau nhưng F-18A kém hơn nhiều so với F-18E).
Tùng Đinh
Bình luận