• Zalo

Chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm lớn nhất Việt Nam

Đời sốngThứ Hai, 27/01/2020 06:56:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Với gần 2.000 hiện vật lớn nhỏ, trong đó có 4 bảo vật quốc gia, Bảo tàng Điêu khắc Chăm là nơi bảo quản, trưng bày các bộ sưu tập quý hiếm bậc nhất về điêu khắc của nền văn hóa này.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm được người Pháp xây dựng ở Đà Nẵng từ năm 1915 và khánh thành đầu năm 1919, là bảo tàng điêu khắc lớn nhất Việt Nam hiện nay. Kiến trúc tòa nhà là sự kết hợp hài hòa những nét đặc trưng của đền tháp Chăm và kiến trúc Pháp đầu thế kỷ XX, mang lại cho bảo tàng nét đẹp riêng, hiện được đánh giá là một trong những bảo tàng có kiến trúc độc đáo nhất Đông Nam Á.

Bảo tàng hiện có gần 2.000 hiện vật lớn nhỏ, phần lớn được lưu giữ trong kho, chỉ 288 hiện vật đang được trưng bày phía trong và 187 hiện vật trưng bày ngoài sân vườn. Theo ý tưởng của Henri Parmentier, chuyên gia khảo cổ của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp, các hiện vật ở đây được phân loại để trưng bày theo nguồn gốc địa điểm nơi chúng được phát hiện hoặc khai quật.

 Chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm lớn nhất Việt Nam - 1

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được đánh giá là có kiến trúc độc đáo bậc nhất Đông Nam Á.

Đặc biệt, Bảo tàng điêu khắc Chăm đang lưu giữ 4 bảo vật quốc gia, gồm Đài thờ Đồng Dương, Đài thờ Mỹ Sơn, Đài thờ Trà Kiệu và Tượng Bồ tát Tara.

Các tác phẩm điêu khắc được phân thành 12 bộ sau tập tương ứng với các khu vực địa lý nơi hiện vật được phát hiện, gồm: Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Tháp Mẫm (4 di tích quan trọng của nền văn hóa Chăm), Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kom Tum, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa (những địa phương nơi nền văn hóa này hiện diện).

Phần lớn các hiện vật điêu khắc trong bảo tàng đều là nguyên bản trên 3 chất liệu chính là đồng, đất nung và nhiều nhất là sa thạch; đa dạng về phong cách nghệ thuật chạm khắc, hình khối, có niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV.

Đi qua các không gian trưng bày này, du khách tinh ý sẽ nhận ra dấu ấn về kiến trúc, nghệ thuật Chăm mang nét riêng của mỗi địa phương. Sự khác biệt đến từ đặc trưng văn hóa và lối sống từng vùng.

Những người say mê thế giới thần thoại và nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc dân gian sẽ khó lòng dời bước khi được chiêm ngưỡng những bức tượng thần Shiva, Brahma... Hình ảnh các vị thần linh, linh vật hay cảnh sinh hoạt đời thường được chạm khắc tỉ mỉ, tinh xảo trên các cột trụ, đài thờ... khiến du khách chỉ có thể ngưỡng mộ sức sáng tạo, sự tài hoa của nghệ nhân xưa.

Hình ảnh các bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

 Chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm lớn nhất Việt Nam - 2

Đài thờ Đồng Dương (cuối thế kỷ IX, đầu thế kỷ X) bằng chất liệu sa thạch, là một trong 4 bảo vật quốc gia mà Đà Nẵng gìn giữ.

 Chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm lớn nhất Việt Nam - 3

Ngày 24/12/2018, Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc ký Quyết định công nhận bảo vật quốc gia đối với Đài thờ Đồng Dương.

 Chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm lớn nhất Việt Nam - 4

Đài thờ được cho là thờ Bồ tát Lakshmindra Lokeshvara - vị thần chủ của Phật viện Đồng Dương.

 Chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm lớn nhất Việt Nam - 5

Đài thờ Mỹ Sơn đại diện cho phong cách điêu khắc Mỹ Sơn E1, là vật kiến trúc công trình tâm linh có niên đại sớm nhất (thế kỷ thứ VII-VIII) được tìm thấy và còn khá khuyên vẹn.

 Chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm lớn nhất Việt Nam - 6

Xung quanh chân Đài thờ Mỹ Sơn E1 được chạm khắc tinh xảo, tái diễn sống động cảnh sinh hoạt như các hoạt động trong rừng, chơi nhạc của người dân, các nghi thức tế lễ của tu sỹ Ấn Độ giáo ẩn dật cách đây 1.300-1.400 năm.

 Chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm lớn nhất Việt Nam - 7

Theo các nhà nghiên cứu, giá trị khác biệt của bảo vật này là nó phản ánh chân thực mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa Ấn Độ và Champa trong giai đoạn đầu.

 Chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm lớn nhất Việt Nam - 8

Đài thờ Trà Kiệu cũng là bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Đây là bước chuyển tiếp của phong cách điêu khắc Champa trong giai đoạn thế kỷ VII-X, đặc trưng cho phong cách điêu khắc Trà Kiệu.

 Chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm lớn nhất Việt Nam - 9

Với cấu tạo gồm bệ yoni với 2 thớt tròn đối xứng qua 2 lớp cánh sen và chiếc linga 3 tầng đặt trong lòng, đài thờ trở thành phong cách tiêu biểu của tổ hợp yoni-linga trong văn hóa cổ Ấn Độ.

 Chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm lớn nhất Việt Nam - 10

Điều khác biệt của Đài thờ Trà Kiệu là câu chuyện thần thoại kể về đám cưới của hoàng tử Rama và công chúa Sita trong trường ca Ramayana huyền thoại được thể hiện trên thân đài.

 Chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm lớn nhất Việt Nam - 11

Tượng Bồ Tát Tara/Avalokiteshvara được công nhận bảo vật quốc gia từ năm 2013.

 Chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm lớn nhất Việt Nam - 12

Đây là một trong số ít các cổ vật bằng đồng được chạm khắc tinh xảo, đặc trưng cho phong cách Đồng Dương, phong cách tồn tại cách đây hơn 1.000 năm (thế kỷ thứ IX) và được gìn giữ, bảo tồn đến hôm nay.

 Chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm lớn nhất Việt Nam - 13

Ngoài ra, Bảo tàng Điêu khắc Chăm còn lưu giữ, trưng bày nhiều hiện vật giá trị, thu hút đông đảo du khách tham quan, khám phá.

XUÂN TIẾN
Bình luận
vtcnews.vn