• Zalo

Hướng dẫn phân tích 'Chiếc thuyền ngoài xa' và 'Hai đứa trẻ' trong đề thi môn Văn kỳ thi THPT Quốc gia 2018

Giáo dụcThứ Hai, 25/06/2018 10:55:00 +07:00Google News

Đề thi môn Văn kỳ thi THPT Quốc gia có câu hỏi nghị luận về sự đối lập bạo lực gia đình trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, từ đó liên hệ tác phẩm Hai đứa trẻ.

Hướng dẫn giải câu nghị luận:

1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.         

2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Biểu tượng của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa. Liên hệ hình ảnh chuyến tàu đêm để nhận xét sự gặp gỡ về giá trị hiện thực từ các biểu tượng nghệ thuật trên.

3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể:

3.1.Mở bài:

- Nguyễn Minh Châu (1930-1989) là nhà văn khoác áo lính, tiên phong mở đường cho sự đổi mới văn học Việt Nam hiện đại.

- Một trong những tác phẩm xuất sắc của ông thuộc sáng thời thời kì sau 1975 là truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa

- Nêu vấn đề cần nghị luận

3.2. Thân bài:

a. Khái quát truyện:

- Chiếc thuyền ngoài xa (1983) rút ra từ tập truyện ngắn cùng tên (in 1987). Đây là một trong những truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Minh Châu mang đậm phong cách tự sự - triết lí của nhà văn.

-Với ngôn từ dung dị, đời thường, truyện kể lại chuyến đi thực tế của một nghệ sĩ nhiếp ảnh và những chiêm nghiệm sâu sắc của người nghệ sĩ đó về nghệ thuật - cuộc đời.

b. Cảm nhận ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và khung cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài:

- Hình ảnh “Chiếc thuyền ngoài xa” được nhà văn khắc hoạ rất ấn tượng: “Mũi thuyền in một nét mơ hồ loè nhoè vào bầu trời sương mù trắng như sữa pha đôi chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ”. Hình ảnh đó mang một “vẻ đẹp thực sự đơn giản và toàn bích” – vẻ đẹp của “một bức tranh bằng mực Tàu của một danh hoạ thời cổ”. Tất cả vẻ đẹp đó đã được nhà nghệ sỹ nhiếp ảnh của chúng ta thu vào một tấm ảnh mà nó “được treo ở rất nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật”.

- Hình ảnh “Chiếc thuyền ngoài xa” giờ đã hoá thân thành một tác phẩm nghệ thuật để mọi người nhìn ngắm, chiêm ngưỡng với tất cả những vẻ đẹp về màu sắc, đường nét, bố cục…và khi thưởng thức bức ảnh đó, những người sành nghệ thuật thể có cái cảm giác “trở nên bối rối”, cảm thấy “trái tim như có cái gì bóp thắt vào” và “khám phá thấy cái chân lý của sự hoàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”…như cái cảm giác mà “tôi” đã từng có.

- Khung cảnh bạo lực gia đình: Đó là những con nguời, những cuộc đời, những số phận đầy trớ trêu, nghịch lý đã, đang và sẽ còn tiếp tục sống quay quắt bên trong chiếc thuyền ấy. Một người vợ nhẫn nhục cam chịu một cách tự nguyện những trận đòn cuồng nộ của anh chồng với “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” chỉ vì chiếc thuyền ấy, gia đình ấy (với trên dưới mười con người) cần có ông ta chèo chống lúc phong ba; Một đứa con trai yêu mẹ đến nỗi định giết cả bố mình… Cái sự thật bên trong ấy chỉ được người thợ chụp ảnh nhận ra khi “chiếc thuyền đâm thẳng vào chỗ tôi đứng”, tức là ở một khoảng cách gần, rất gần!

- Ý nghĩa đối lập giữa chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực gia đình: Với chi tiết này, câu chuyện dường như đã mở ra hai hình ảnh, hai thế giới khác hẳn: Chiếc – thuyền – ngoài – xa mang lại vẻ đẹp hoàn mỹ cho một tấm ảnh, còn chiếc thuyền khi đến gần lại làm vỡ ra một hiện thực nghiệt ngã đến xót xa của số phận con người.

- Hình tượng “Chiếc thuyền ngoài xa” đích thực là một ẩn dụ nghệ thuật hoàn toàn có dụng ý của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Giải mã hình tượng ẩn dụ đó, người đọc sẽ nhận ra một thông điệp mà nhà văn truyền đi, rằng cuộc đời vốn dĩ là nơi sản sinh ra cái đẹp của nghệ thuật nhưng không phải bao giờ cuộc đời cũng là nghệ thuật. Con người ta cần có một khoảng cách để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nghệ thuật, nhưng nếu muốn khám phá những bí ẩn bên trong thân phận con người và cuộc đời thì phải tiếp cận với cuộc đời, đi vào bên trong cuộc đời và sống cùng cuộc đời.

* Về nghệ thuật: 

- Ngôn ngữ người kể chuyện: Thể hiện qua nhân vật Phùng, sự hóa thân của tác giả. Chọn người kể chuyện như thế đã tạo ra một điểm nhìn trần thuật sắc sảo, tăng cường khả năng khám phá đời sống, lời kể trở nên khách quan, chân thật, giàu sức thuyết phục.

-Tình huống truyện: tình huống nhận thức

c. Liên hệ với sự đối lập của cảnh phố huyện nghèo với chuyến tàu đêm trong truyện Hai đứa trẻ (Thạch Lam ) để nhận xét sự gặp gỡ về giá trị hiện thực từ các biểu tượng nghệ thuật trên.

- Về hình ảnh phố huyện nghèo: Bao trùm lấy câu chuyện là cuộc sống xơ xác, tiêu điều của một phố huyện nghèo. Những số phận của những kiếp người nghèo khổ trong bóng tối cứ từ từ hiện ra trước mắt. Chị Tí ban ngày mò cua bắt ốc, tối đến mới dọn hàng nước chè tươi, thắp một ngọn đèn dầu leo lét. Gánh phở của bác Siêu tỏa mùi thơm nhưng tiếc thay đó lại là thức qúa xa xỉ, nhiều tiền ở cái phố huyện nhỏ này mà có lẽ Liên và An chẳng bao giờ dám nghĩ tới. Cuộc sống lặp lại đơn điệu, nhàm chán nhưng họ vẫn suy nghĩ và mong đợi như mọi ngày chừng ấy người trong bóng tối đang mong đợi một cái gì tươi sáng cho cuộc sống nghèo khổ hàng ngày của họ. Ước mơ càng mơ hồ, tình cảm của họ càng tội nghiệp vì không biết số phận mình sẽ ra sao. Nhìn cuộc sống quẩn quanh, bế tắc Liên không khỏi cảm thấy buồn chán

- Về hình ảnh chuyến tàu đêm:

+Con tàu mang đến một thế giới khác: Nó như con thoi ánh sáng xuyên thủng màn đêm phố huyện, đem lại ánh sáng xa lạ, rực rỡ chốn thị thành, át đi ánh sáng mờ ảo, yếu ớt của phố huyện. Âm thanh của còi tàu, bánh xe rít trên đường ray và tiếng ồn ào của hành khách át đi buồn tẻ, đơn điệu phố huyện. Nó là thói quen, là niềm vui, là sự chờ đợi, trở thành nhu cầu thiết yếu như cơm ăn, nước uống hàng ngày cho đời sống tinh thần người dân phố huyện;

+ Với hai đứa trẻ, đợi tàu là đợi những mơ tưởng. Với Liên, trong ký ức và hiện tại “Hà Nội xa xăm. Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua”. Thế giới ấy khác hẳn đối với cuộc đời của Liên, của dân nghèo phố huyện, khắc hẳn vầng sáng ngọn đèn chị Tí và ánh lửa của bác Siêu.

+Ngòi bút của Thạch Lam tả ít mà gợi nhiều, nhỏ nhẹ, làm xúc động người đọc trước những số phận, những cảnh đời vui ít buồn nhiều, âm thầm, lặng lẽ và đầy bóng tối. Có mơ ước nhỏ nhoi, bình dị trước một cái gì vừa thuộc về quá vãng, vừa hướng tới tương lai.

c. Nhận xét sự gặp gỡ về giá trị hiện thực từ các biểu tượng nghệ thuật:

- Hình ảnh chuyến tàu đêm trong truyện Hai đứa trẻ và biểu tượng Chiếc thuyền ngoài xa đều là những hình ảnh có thực trong cuộc sống. Hình ảnh đó đã được các nhà văn lựa chọn để đưa vào tác phẩm với nhiều tầng nghĩa sâu sắc. Họ gặp gỡ nhau trong việc phản ánh hiện thực đời sống. Với Thạch Lam, hiện thực đó là một phố huyện nghèo nàn, buồn tẻ và đơn điệu, cùng với cuộc sống của cả một lớp người, sống không có hi vọng vào ngày mai, nếu có chăng là nhìn thấy thoáng qua sự ồn ào, vẻ sang trọng của người khác.

- Khi đoàn tàu đã đi xa, phố huyện “chỉ còn đêm khuya, tiếng trống cầm canh và tiếng chó cắn”, chỉ còn “vợ chồng bác xẩm ngủ gục manh chiếu tự bao giờ”, và “hình ảnh thế giới quanh mình, mờ mờ đi trong đôi mắt” của Liên. Với Nguyễn Minh Châu, hiện thực đó là cuộc sống bấp bênh, cơ cực vì khổ quá mà sinh ra bạo hành gia đình của người dân hàng chài. Hình ảnh người đàn bà bước ra từ tấm ảnh sau mỗi lần nhân vật Phùng nhìn lâu hơn là biểu tượng cho cuộc đời lam lũ của con người thời hậu chiến mà nhà văn phải có trách nhiệm phát hiện và phản ánh bằng cái nhìn đa chiều, đa diện.

- Sự gặp gỡ trong giá trị hiện thực từ các biểu tượng nghệ thuật của 2 nhà văn ở 2 thời kì lịch sử khác nhau đã làm sáng tỏ một trong quy luật của văn học, đó là văn học gắn liền với hiện thực. Đồng thời, các nhà văn muốn người đọc lưu tâm là cần phải có cái nhìn đa chiều, phổ quát mới có thể cảm nhận hết cái gai góc, phức tạp của cuộc đời này, đúng như Nguyễn Minh Châu đã nói “con người thì đa đoan, cuộc đời thì đa sự”.

 3.3.Kết bài:

   Kết luận về nội dung, nghệ thuật của 2 hình ảnh đa nghĩa trong 2 truyện. Cảm nghĩ của bản thân về giá trị hiện thực của văn học.

4. Sáng tạo                                    

    Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

5. Chính tả, dùng từ, đặt câu                        

Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

VTC News tiếp tục cập nhật...

Báo điện tử VTC News giới thiệu đề thi chính thức môn Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia 2018:

de-thi-van-1

  Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

Câu 1: Đề cho 3 khổ trong bài thơ Đánh thức tiềm lực của Nguyễn Duy, yêu cầu xác định thể loại thơ.

Đánh thức tiềm lực

Hãy thức dậy, đất đai!

cho áo em tôi không còn vá vai

cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn...

xin bắt đầu từ cơm no, áo ấm

rồi thì đi xa hơn - đẹp, và giàu, và sung sướng hơn

Khoáng sản tiềm tàng trong ruột núi non

châu báu vô biên dưới thềm lục địa

rừng đại ngàn bạc vàng là thế

phù sa muôn đời như sữa mẹ

sông giàu đằng sông và bể giàu đằng bể

còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?

lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?

***

Lúc này ta làm thơ cho nhau

đưa đẩy mà chi mấy lời ngọt lạt

ta ca hát quá nhiều về tiềm lực

tiềm lực còn ngủ yên...

Trích bài thơ Đánh thức tiềm lực của Nguyễn Duy

Câu 2: Xác định trong đoạn thơ có tài nguyên khoáng sản gì. 

Câu 3: Nêu biện pháp tu từ của đoạn thơ. 

Phần 2: làm văn

 Câu 1: Trách nhiệm mỗi cá nhân trong việc đánh thức tiềm lực Việt Nam.

Câu 2: Sự đối lập bạo lực gia đình trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, từ đó liên hệ tác phẩm Hai đứa trẻ.

Sáng nay 25/6, hơn 900.000 thí sinh bắt đầu làm bài thi môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Trước đó, nhiều nhận định, dự đoán về đề thi THPT Quốc gia 2018 đã được đưa ra. Nhiều người cho rằng hai tác phẩm Vợ chồng A Phủ và Việt Bắc sẽ có nhiều khả năng được đưa vào đề thi. Ngoài ra Sóng và Ai đã đặt tên cho dòng sôngcũng thuộc diện nghi vấn của nhiều người.

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề thời sự dự kiến sẽ được đưa vào phần nghị luận xã hội khiến dân mạng tranh luận mạnh mẽ. Một bên khuyến khích thí sinh bám sát các sự kiện nóng nhất. Nhiều ý kiến cho rằng đề thi sẽ có câu hỏi liên quan đến tinh thần quật cường của các cầu thủ U23 Việt Nam hoặc nói về Hội Thánh Đức Chúa Trời khiến dư luận xôn xao thời gian vừa qua.

Trong khi đó, một số ý kiến lại cho rằng đề sẽ ra vào những vấn đề nóng nhưng gần gũi với mọi người  như thực phẩm bẩn, bạo lực học đường, trẻ em bị bạo hành, dâm ô.

Đáp án đề thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia 2018 được cập nhật nhanh nhất tại VTC News.

Video: Quyết không để lọt, lộ đề thi THPT Quốc gia 2018

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn