Theo Independent, nghiên cứu về chiếc đầu lâu được phát hiện ở Trung Quốc có thể thay đổi hoàn toàn hiểu biết của chúng ta về sự tiến hóa của loài người, khi nó chứng minh những lý thuyết về cách loài người hình thành trước đó có thể không chính xác.
Trước đây, phần lớn các nhà nhân chủng học cho rằng loài người chúng ta xuất hiện ở châu Phi khoảng 200.000 năm trước và 80.000 năm sau, chỉ từ một nhóm này bắt đầu lan rộng ra khắp thế giới.
Nhưng nghiên cứu mới cho thấy các tính chất quan trọng của loài người thay vì hoàn toàn đến từ châu Phi có thể phát triển ở Đông Á.
Thực tế có thể xảy ra nhiều lần xáo trộn đáng kể khi những con người đầu tiên ở châu Á di chuyển qua lại với châu Phi và ngược lại, và con người hiện đại hình thành không thông qua một sự kiện riêng lẻ nào.
Điều này có nghĩa là người hiện đại được tạo nên từ DNA của các tổ tiên từ cả châu Phi và châu Á, nếu phát hiện của các nhà nghiên cứu là chính xác.
Lý thuyết này từng bị giới học thuật chính thống phủ nhận suốt hàng thập kỉ, với một số ý kiến cho rằng nó được đưa ra nhằm nhấn mạnh vị thế của Trung Quốc.
Nhưng nếu những lý luận mới được chứng minh là đúng thì có thể chứng minh được lý thuyết từng bị phủ nhận kia cũng đúng.
Chiếc đầu lâu quan trọng nói trên được gọi là đầu lâu Dali, được phát hiện từ khoảng 40 năm trước ở Trung Quốc. Nó từng là thành viên của loài Homo erectus (người đứng thẳng) – tổ tiên của chúng ta.
Chiếc đầu lâu còn khá nguyên vẹn, các nhà khoa học vẫn có thể nhìn thấy hình dạng khuôn mặt và bộ não dù có thể chủ nhân của nó sống từ cách đây khoảng 260.000 năm.
Đầu lâu Dali có những đặc điểm giống với người Homo sapiens hiện đại. Nghiên cứu mới cho thấy, nó còn có nhiều điểm chung hơn dự đoán với mẫu vật được tìm thấy ở Morocco (phía Tây Bắc châu Phi).
Những điểm giống nhau này cho thấy những người hiện đại đầu tiên có thể không chỉ xuất hiện và phát triển các tính chất quan trọng ở một địa điểm, thay vào đó họ chia sẻ các đặc điểm đến từ khắp nơi trên thế giới.
Video: Những bí ẩn khảo cổ có thể được giải mã năm 2016
Bình luận