"Không có Táo Quân thì cũng không có Chí Trung"
- Giữa sự bùng nổ của hài nhảm, hài lạm dụng đời tư nghệ sĩ, "Táo Quân" được xem là tiếng cười trào phúng hiếm hoi còn sót lại. Nhưng những năm gần đây, chương trình này cũng bị phản hồi là khô khan, nhạt hơn trước. Là “cha đẻ” của chương trình, theo ông, vì sao?
Có hai thể loại hài, bác học và giải trí. Táo Quân một năm chỉ làm một lần. Họ tập trung rất nhiều trí lực, tiền bạc, tôi gọi đó là hài bác học. Dù thế nào, thì hài bác học vẫn có vị trí xứng đáng của nó, dù ít dù nhiều, Táo Quân nói lên màu sắc của xã hội trong năm.
Còn phim hài Tết chủ yếu là hài dân dã, phục vụ cho số đông và không phải trí thức. Hài bác học thì không thể có thường xuyên được, lâu lâu mới có một lần thôi, còn hài dân gian là hài thường xuyên.
- Ngay sau Táo Quân lên sóng giao thừa Tết Mậu Tuất 2018, nghệ sĩ Chí Trung có nói về việc "Táo Quân" nên dừng lại sau hành trình 15 năm, ý kiến này cũng được một bộ phận khán giả đồng tính. Ông nghĩ sao?
Tôi dám nói là không có Táo Quân thì cũng không có Chí Trung đâu
NSND Khải Hưng
Chí Trung nói vậy là không thật. Tôi dám nói là không có Táo Quân thì cũng không có Chí Trung đâu. Hoặc anh ấy nói vậy cũng là để PR (cười).
- Ông đánh giá như thế nào về chất lượng "Táo Quân" những năm gần đây?
Thật quả mà nói mỗi năm một vẻ, có năm cũng không vui lắm. Đa phần, nếu năm nào tôi đi xem được buổi quay hình thì cảm thấy thích và cười nhiều hơn. Ở đó, những đoạn vui, không bị cắt. Còn có thể khi lên sóng do thời lượng hạn hẹp rồi các lý do khác, đoạn đó lại mất đi, do vậy, xem trên sóng sẽ không thích bằng.
"Muốn khác hoàn toàn chỉ có thay một ê-kíp mới"
- Người ta bảo sau đỉnh là sườn dốc. "Táo Quân" đã đến “đỉnh” của mình chưa, thưa ông?
Thật ra mà nói năm nào Táo Quân cũng được thực hiện, 15 năm rồi, một mình Đỗ Thanh Hải phải cáng đáng chuyện đó. Ai cũng vậy, năng lượng sẽ giảm dần đi, sáng tạo là không có.
Hiện nay, Táo Quân đang đứng im tại chỗ, tôi thấy bao năm vẫn thế. Tôi biết là nhiều người mong đợi nó, nhưng nếu đột phá thì phải đợi người thay thế anh Hải.
Hải đã làm mười mấy năm rồi, hơn 10 năm qua vẫn là ông Hải đạo diễn, kịch bản cũng là ông Hải bỏ công sức, trách nhiệm. Hải đã lao động cật lực. Mọi người bảo dừng lại, nhưng dừng lại thì làm cái gì bây giờ, vẫn phải làm chứ. Rất nhiều người vẫn muốn xem, chương trình của năm mà, không thể một vài người nói không làm là không làm được.
- Giả như "Táo Quân" dừng lại hoặc chuyển sang một format mới. Là người đặt những viên gạch đầu tiên cho chương trình này, ông có buồn?
Tôi vui chứ, tại sao lại phải buồn?Trải qua chừng ấy năm, Táo Quân đã đến lúc cần thay đổi. Nếu hay hơn thì tôi sẽ rất vui. Nhưng kém hơn trước thì cũng buồn, chứ chương trình thay đổi để tốt hơn, sao mình lại phải buồn.
- Theo ông, một chương trình mới với format như thế nào mới có khả năng thay thế được "Táo Quân" trên sóng VTV đêm giao thừa?
Hoàn toàn có thể làm được một chương trình khác. Nhưng nói thật để vượt qua Táo Quân không dễ chút nào. Như tôi nói, đó là tiền của, vật lực, con người, những con số rất khủng khiếp, là công sức lao động rất lớn.
Đỗ Thanh Hải và cộng sự thường phải tập đêm hàng tháng trời, kịch bản luôn luôn thay đổi, rồi ba hôm quay mới chắt lọc lấy thành vài tiếng trên sóng. Không dễ làm đâu.
- "Táo Quân" những năm gần đây đã có sự tham gia của các diễn viên hài trẻ như Minh Tít, Trung Ruồi. Theo ông, họ có đủ khả năng để thay thế thế hệ Công Lý, Xuân Bắc?
Tôi thấy mấy bạn trẻ tốt đấy chứ. Nhưng mà muốn đột phá thì then chốt không phải là thay diễn viên. Muốn khác phải là một ê-kíp khác, trẻ hơn. Ê-kíp mới làm chương trình ắt sẽ khác. Nhưng để thay không hề dễ vì bây giờ rất khó có đạo diễn trẻ nào đảm đương được.
- Ông cũng tham gia vào thị trường hài Tết với phần 3 của "Cưới đi kẻo ế", ông có đánh giá như nào về lớp đạo diễn hài trẻ hiện nay?
Người trẻ có cách tạo ra tiếng cười của người trẻ, nhưng cũng nhiều người làm kịch bản vớ vẩn lắm. Tôi đang làm cố vấn cho một kênh truyền hình, tôi bỏ rất nhiều kịch bản hài nhảm rồi.
"Làm hài để khoe thân là sai lầm"
- Phim hài Tết thời gian gần đây bị chê nhảm, thậm chí dung tục. Là một tên tuổi lớn của truyền hình, ông không e ngại?
Tôi chẳng sợ, khi ở VFC, tôi phản đối hài thị trường kinh khủng. Nhưng khi tham gia vào thị trường, tôi thấy thị trường cũng có đáng yêu, khán giả của họ là dân đạp xích lô, là người bán hàng dạo. Tại sao cứ phải phục vụ trí thức. Khi về hưu, nhận thức của tôi cũng thay đổi.
- Ông nghĩ gì khi nhiều phim hài Tết câu khách bằng cảnh nóng, chân dài?
Câu khách thế là ngốc nghếch và ngớ ngẩn. Thời đại nào rồi còn câu khách như thế.
- Nghĩa là phim hài của ông trọng thông điệp, và không có cảnh nóng?
Chắc chắn, tôi quan niệm hài chỉ sống được khi có thông điệp. Người ta xem năm này qua năm khác vẫn nhớ. Phục vụ đối tượng bình dân là tốt nhưng đừng làm chuyện tầm phào. Ai làm hài để khoe thân là sai lầm.
- Năm 2018, ông hoạt động nghệ thuật khá sôi động, làm đạo diễn cả MV lẫn phim hài Tết. Ông trở lại vì lý do gì?
Nói thật là tôi được tiền, được cả vui. Trong đó cái vui quan trọng hơn vì tuổi này rồi, kiếm tiền để làm gì. Khi làm việc, trí óc mình không bị lão hóa, lại được gặp anh em, bạn bè, học trò.
Bình luận