• Zalo

Chí Trung còn lại gì khi không là Táo quân?

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 16/02/2018 11:25:00 +07:00Google News

Chí Trung có gần 40 năm gắn bó với nghiệp diễn, kể từ khi anh còn là chàng trai 17 tuổi, thi trượt đại học và chỉ còn duy nhất cơ hội đi học kịch nói ở nhà hát Tuổi Trẻ.

Cứ chờ xem, tôi không phải "trẻ trâu"

- Có phải áp lực tuổi già, khó thuộc thoại, ngại thức đêm tập luyện đưa anh đến quyết định chia tay Táo quân sau 15 năm gắn bó?

Táo quân là một nỗ lực của rất nhiều người trong suốt 15 năm qua, trong đó có cả tôi. Nhưng tôi nghĩ thời điểm này dừng lại là vừa đẹp. Cá nhân tôi có cảm giác như thế và chương trình cũng đang cho tôi cảm giác như thế. Táo quân bây giờ là một hội già rồi, sự sáng tạo cũng đến đỉnh. Trèo lên đến đỉnh rồi thì dừng lại thôi vì bên kia đỉnh sẽ là tụt dốc.

15 năm, theo tôi là mốc khá tốt, chương trình cũng đạt đến thành công và có thể chuyển sang một chương trình khác. Tôi thấy như vậy là đủ vì làm cái gì cũng đến lúc phải dừng lại.

- Nhưng Táo quân vẫn đang là một thương hiệu được chờ đợi, nếu thế hệ các anh tỏ ra đuối sức thì sự chuyển giao dần dần cho thế hệ diễn viên trẻ cũng là một phương án hay. Đâu nhất thiết phải dừng lại?

Nhiều người cũng bảo Táo quân cũng chỉ tập vào cuối năm, đâu phải cả năm mà mất nhiều thời gian. Tôi cũng chỉ là một người làm thuê, một cộng tác viên đâu nhất thiết, đâu nhất thiết phải như thế. Nhưng đây là cảm giác của tôi. Tôi sẽ dừng lại, năm 2018 sẽ là Táo quân cuối cùng tôi tham gia.

Chi Trung con lai gi khi khong la Tao Quan? hinh anh 4

 

Suốt gần 15 năm đóng Táo, tôi vào các vai khác nhau từ Táo Quan chức, Táo Quy hoạch, Táo Giao thông, Táo Xã hội. Nhờ chương trình mà khán giả biết đến Chí Trung nhiều hơn, thậm chí phần lớn khán giả biết đến tôi là qua truyền hình. Táo quân mang lại cho tôi thành công. Nhưng như tôi nói, tôi thấy đủ rồi.

- Thực tế đây không phải là lần đầu tiên anh chia sẻ về việc sẽ dừng đóng Táo quân. Nên lần này, khi anh nói lời tạm biệt, có ý kiến cho rằng “vẫn còn 364 ngày phía trước, chưa biết được”…

Các bạn cứ chờ xem, tôi không phải “trẻ trâu”.

- Đạo diễn Đỗ Thanh Hải nhiều lần thành công trong việc thuyết phục anh ở lại. Biết đâu đấy, có thể sẽ lại thêm một ngoại lệ ngay cả khi anh quyết tâm?

Tôi cực kỳ yêu mến Đỗ Thanh Hải, như một người em. Năm nay, tôi cũng xin với Hải không đóng Táo quân rồi nhưng Hải thuyết phục, năm nay là năm thứ 15, chương trình muốn có sự đầy đủ của các nghệ sĩ, Hải cũng mời cả chị Minh Vượng, Minh Hằng trở lại. Cuối cùng, tôi đồng ý.

Năm tới, nếu có một chương trình khác vào dịp cuối năm, cũng do Hải làm, tôi hẳn sẽ rất mong chờ và cũng sẽ tham gia, miễn là có một format khác với Táo quân. Khi đó, tôi sẽ lại là một diễn viên trẻ (cười).

Cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra

- Trong suốt hành trình tham gia Táo quân, nhân vật hay câu chuyện này để lại ấn tượng nhất trong anh?

Chắc câu trả lời của tôi sẽ làm bạn thất vọng vì tôi không ấn tượng riêng với một năm nào hay một nhân vật nào cả. Năm nào tôi cũng diễn đầy say mê và cố hết sức mình. Giờ tôi không nhớ được cái gì cả, nhưng là kỷ niệm thì đều đẹp.

- Anh có tiếc nuối…?

Không, tôi chẳng tiếc nuối gì. Nếu có tiếc nuối tôi sẽ nghĩ về những vai diễn trên sân khấu kịch, như thời đóng Romeo trong vở Romeo và Juliet năm nào. Tôi nhớ về cái thời khán giả xếp hàng dài đi xem kịch, ngay cả giữa trời mưa gió. Nhưng tiếc nuối cũng chả để làm gì, chỉ để thỉnh thoảng chạm lại ký ức cho mình có cảm giác như điện giật.

- Để nói một lời chia tay khán giả, anh sẽ nói điều gì?

Cảm ơn các bạn yêu mến Táo quân, tôi chỉ là một cộng tác viên. Cánh cửa này đóng lại sẽ có nhiều cánh khác mở ra. Câu này không chỉ đúng với Táo quân đâu mà còn đúng với nhiều khía cạnh khác của xã hội.

Chi Trung con lai gi khi khong la Tao Quan? hinh anh 6

 

- Anh từng chia sẻ về việc rất hồi hộp mỗi khi Táo quân lên sóng vào tối 30 Tết và không biết khán giả sẽ phản hồi như thế nào. Với chương trình Táo quân cuối cùng, anh có còn cảm xúc ấy?

Còn chứ, tôi vẫn hồi hộp vì cảm giác đó sẽ tạo nên sự hấp dẫn. Bản thân tôi thấy chuyện khen chê với một chương trình là bình thường nhưng đúng là cũng có một bộ phận chửi ngay cả khi chương trình chưa lên sóng. Tôi nghĩ đó là những người mà khi đánh răng cũng nhìn vào gương chửi để rồi nhận ra đang chửi chính mình.

Táo quân là một chương trình giải trí có thông điệp xã hội. Các vấn đề xã hội như quả bom, Táo quân giúp quả bom đó xì hơi ra một chút. Nhưng không có nghĩa là nó giải quyết được.

Nhiều người than rằng vấn đề này, vấn đề kia được Táo quân nói đến rồi sao vẫn không thay đổi. Tôi cho như thế là ảo tưởng, ảo vọng. Vừa muốn Táo quân gây cười, cười lăn cười lộn vừa muốn giải quyết sự bất công. Thực sự là rất khó.

Tôi xin nhắc lại Táo quân chỉ là một chương trình giải trí có thông điệp và được đầu tư bài bản, chỉn chu.

"Lương tôi 8 triệu đồng/tháng mà cả nhà hát lườm"

- Chí Trung sẽ còn lại gì nếu không làm Táo quân nữa?

Tôi ở nhà hát của tôi, nhà hát Tuổi trẻ và dành toàn bộ tâm sức cho nơi này. Phát triển thì khó nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để tồn tại, tồn tại đến khi đất nước phát triển hơn nữa, khi nhu cầu vật chất đủ đầy, lúc đó giá trị tinh thần sẽ được quan tâm. Khán giả sẽ đến với sân khấu. Nhưng muốn làm như vậy, chúng tôi phải nuôi khán giả, và nuôi từ bây giờ.

- Nhiều năm nay, sân khấu miền Bắc sống lay lắt và không có khán giả. Cuộc vật lộn để sinh tồn có quá khó khăn với một giám đốc như anh?

Sân khấu từng sống một đời sống thực vật, và bây giờ muốn tồn tại thì chắc chắn phải vật lộn. Đằng sau tôi là gần 200 cán bộ, nghệ sĩ. Ai muốn làm giàu với nghề này tôi đề nghị họ đi làm công việc khác. Ở nhà hát, chỉ có khát vọng và tình yêu. Tất cả đều làm như con thiêu thân, hướng về ánh sáng.

Nhưng đó là thiên mệnh, như con tằm nhả tơ, tơ đó là tơ trời. Tơ đó không giao bán được, không “ai mua tơ không tôi bán tơ cho" được. Chúng tôi đang tìm khán giả để khán giả bình tĩnh đến với chúng tôi.

Mỗi người có một công việc, người đánh giầy, bán vé số cũng là thiên mệnh. Mỗi người mang đến một lợi ích nên theo đuổi là phải chấp nhận.

- Bằng cách nào các anh giữ được niềm tin với sân khấu như thế, sau hàng nhiều thập kỷ đìu hiu?

Bằng cách nào ư? Khi đó là chức phận cứ vui vẻ làm thôi, cứ bĩnh tình sống. Ở nhà hát, lương diễn viên mới vào chỉ có 1,9 triệu đồng, lương bảo vệ là 1,5 triệu đồng/tháng. Họ sống bằng gì, họ sao sống nổi? Thế nên, họ phải đi đóng phim, lồng tiếng, thậm chí “ship” quần áo nhưng khi tôi gọi họ, họ vẫn về đây để nuôi khát vọng.

Có người làm nghề 30 năm mới được hưởng lương 2,8 triệu đồng. Tôi lên giám đốc nhà hát, khi mở bảng lương ra, tôi lặng người đi. Tôi cũng làm 39 năm, chức cao nhất nhà hát, khi ký lương cả nhà hát đứng “lườm” nhưng cũng chỉ được 8 triệu đồng/tháng. Nhưng biết sao được, vẫn cứ phải sống, phải làm thêm những công việc khác để đủ tiền đổ xăng cho ô tô.

- Vậy bằng cách nào anh mua được ô tô?

Bằng cách nào ư, tôi không thể nói. Bảng lương nhà nước làm sao có thể cho chúng ta tồn tại, 92 triệu dân Việt Nam chắc cũng biết điều ấy. Thu nhập của tôi từ quảng cáo, đóng phim và tất nhiên cả vài sự kiện.

"Tôi từng bị gọi là con phe, con phẩy"

- Diễn viên sân khấu kịch đêm có thể làm “ông hoàng”, “bà chúa” nhưng ban ngày, như anh nói lại phải đi “ship” đồ, bán quần áo để có thu nhập nuôi nghề. Thời trẻ, anh cũng từng phải ra chợ trời để bán hàng. Anh có thấy đó là hình ảnh bươn chải thật “tội nghiệp” của nghệ sĩ sân khấu?

Thực ra, không cần phải bi kịch hóa số phận. Tôi từng ra chợ trời, bị gọi là con phe, con phẩy, ở căn nhà 7m2 rồi sau đó mua thêm 3 hộ bên cạnh mới thành 21m2. Nhưng niềm tin thì còn đó, và đấy là tài sản vô giá, không ai cho ai được niềm tin, mất tiền thì được kinh nghiệm, nhưng mất niềm tin là mất hết.

Ngày làm gì cũng được, nhưng tối đến khi lên sân khấu, năng lượng và lòng say mê của nghệ sĩ lại như ngọn lửa thắp lên. Ánh đèn sân khấu kết hợp với khán giả ở dưới như luồng điện chạy khắp khán phòng, cảm giác đó bao nhiêu tiền cũng không mua được.

Tôi từng ước giá mình thành đại gia. Nhưng sau nghiệm ra, đại gia cũng rất nhiều người đau khổ. Tôi chơi với nhiều Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty, tập đoàn tư nhân.

Họ có 1000 tỷ đấy nhưng đi vay tới 2000 tỷ. Rồi nếu có chuyện gì thì tiền nợ sẽ là bao nhiêu. Như vậy thì ai hạnh phúc hơn ai? Người ta bảo “ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy, ăn cơm cáy thì ngáy o o” là như thế.

Chi Trung con lai gi khi khong la Tao Quan? hinh anh 10

 

- Vậy là chia tay Táo quân, anh sẽ giành tất cả tâm sức còn lại cho nhà hát này, nơi anh bắt đầu cuộc đời mình từ khi 17 tuổi?

Thực ra, tôi không chọn nghề này, tôi học dốt không thi được vào đại học, đúng đợt đó Nhà hát Tuổi trẻ tuyển diễn viên. Tôi đỗ cùng với lứa của Lê Khanh, Đức Hải, Ngọc Huyền và ở đây đến bây giờ.

Vào nhà hát tôi học tốt, chỉ có khoản hạnh kiểm là kém vì mới vào học yêu Ngọc Huyền. Mấy năm nữa tôi sẽ nghỉ hưu, cũng có danh xưng nhất định. Ở đây, tôi có cả một thời tuổi trẻ, có những đêm cháy sáng hết mình, có những thăng trầm trong cuộc đời nghệ sĩ, có tình yêu, có duyên chồng vợ…

Đúng là tôi có cả cuộc đời ở đây, và sẽ dành những tâm sức cuối cùng cho nhà hát này.

Video: Hài hước "Thật bất ngờ" phiên bản "Táo quân 2018"

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn