• Zalo

'Chỉ trông vào lương làm sao mua được nhà'

Kinh tếThứ Năm, 23/05/2013 05:46:00 +07:00Google News

(VTC News) – Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, người dân chỉ trông vào lương thì làm sao mua được nhà, nên Nhà nước mới đưa ra gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.

(VTC News) – Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, người dân chỉ trông vào lương thì làm sao mua được nhà, nên Nhà nước mới đưa ra gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để dân vay mua nhà.

Xung quanh gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, còn nhiều ý kiến của người dân cho rằng lãi suất 6%/năm vẫn là cao so với người thu nhập thấp.Để hiểu thêm về gói hỗ trợ này, Phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

- Thưa ông, hiện nay nhiều ý kiến cho rằng lãi suất 6%/năm vẫn cao so với người thu nhập thấp, trong khi ngân hàng được hưởng chênh lệch 1,5% lãi suất.  Ông đánh giá thế nào về điều này?

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam 
Cái này đáng ra phải hỏi ngân hàng thì mới đúng. Theo quan điểm của tôi thì việc ngân hàng được hưởng 1,5% lãi suất là hợp lý.

Theo lãi suất vay thương mại huy động trần là 7% mà đang cho vay 13%, chênh lệch 6%. Thông thường ở mức ổn định thì ngân hàng được hưởng chênh lệch 3% để vận hành bộ máy quản lý hành chính, thu hồi nợ.

 

Theo tính toán thì hàng tháng trả gốc và lãi là 6 triệu/tháng thì hoàn toàn có thể mua được nhà.


 
Ở đây là cho người dân vay, chi phí quản lý rất lớn, nhất là khi người dân vay hàng trăm triệu đồng. Bởi vậy chi phí 1,5% là thấp so với chênh lệch thương mại. Như thế là hợp lý.


- Quy định ưu tiên người thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng. Nhưng với những đối tượng thu nhập như vậy, lại chịu lãi suất vay là 6% thì việc mua được nhà có khả thi không, thưa ông?

9 triệu đồng/tháng là dành cho người thu nhập thấp. Là những người không phải nộp thuế thu nhập. Còn gia đình 2 đến 3 người đi làm thì phải là 15 đến 18 triệu đồng. Theo tính toán thì hàng tháng trả gốc và lãi là 6 triệu/tháng thì hoàn toàn có thể mua được nhà.

- Quy định cho vay tối đa là 10 năm, theo ông khoảng thời gian này có hợp lý không?

Tối đa 10 năm để phục vụ theo nhu cầu của người vay, có thể người vay chỉ muốn vay 5 năm thôi. Vì vay càng dài càng có lợi, những đối tượng nguồn lực hạn chế thì nên vay dài hạn.

Nhưng vay dài hạn thì sẽ chịu lãi suất ngân hàng nhiều, vay 5 năm thì đỡ phải trả lãi dài.Còn thời gian bao nhiêu năm từ 1 năm hay 10 năm là thỏa thuận của hai bên. Nếu anh có thể trả được 5 năm thì tội gì anh vay trong 10 năm.

Quy định như vậy là để cho người nghèo, người có thu nhập thấp, những người mà khả năng trả nợ chỉ có thế thôi thì ngân hàng sẽ cho vay 10 năm. Còn có thể trả sớm hơn thì sẽ lợi hơn.

- Có nhiều ý kiến cho rằng, quy định tài sản đảm bảo để vay vẫn còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn đối với người có thu nhập thấp muốn mua nhà?

Ngoài quy định và điều kiện ra thì mình vẫn phải đáp ứng các quy định của ngân hàng. Ngân hàng người ta cho vay cũng phải đảm bảo được việc thu hồi vốn của người ta.

Trong thông tư 11 của ngân hàng nói rõ rồi, tùy theo thân nhân, tùy theo tín nhiệm, tùy theo nghề nghiệp người đi vay mà ngân hàng có thể quyết định có tài sản thế chấp hay không có tài sản thế chấp. Cũng phải có thế chấp để người ta còn có thể thu hồi vốn.

- Tại sao mình không dùng chính căn hộ đấy để cho người ta thế chấp?

Có quy định dùng chính căn hộ để làm tài sản thế chấp rồi đấy chứ.

 - Thưa ông, đối tượng được mua nhà mở rộng hơn sẽ tác động thế nào tới thị trường và liệu 30.000 tỷ đồng có ít so với nhu cầu của người mua nhà không?

Trong Thông tư hướng dẫn cho vay hỗ trợ nhà ở thì các đối tượng được mở rộng hơn so với dự thảo trước đây: Những người được mua nhà ở xã hội chỉ cần có hợp đồng; đối tượng cho vay cũng được “nới” khi người dân có nhu cầu mua nhà ở thương mại dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu/m2 cũng được vay vốn hỗ trợ.
Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng sẽ hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà
Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng sẽ hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà. Ảnh: internet 
Đặc biệt, 9.000 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ này sẽ dành cho nguồn cung, tức là các doanh nghiệp xây nhà ở. Cộng hưởng những yếu tố này sẽ giúp tăng thanh khoản hàng hóa, làm ấm lên giao dịch ở phân khúc này và lan tỏa ra các phân khúc khác trên toàn thị trường bất động sản.


Hiện nay, dư nợ bất động sản là trên 200.000 tỷ thì với số tiền hỗ trợ lần này đã chiếm 15%. So với nhu cầu và mong muốn của người dân và doanh nghiệp thì 30.000 tỷ đồng cũng chưa đáp ứng được, nhưng cũng là con số đáng kể bởi tăng trưởng tín dụng chung đến hết tháng 4 vẫn rất thấp và 15% này còn cao hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung của cả nước là 12% trong năm nay.

Nếu dòng tiền này được các ngân hàng thương mại nhà nước triển khai tốt, đúng đối tượng thì tôi tin rằng đây sẽ là cú hích đối với thị trường bất động sản ở phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở quy mô nhỏ, giá rẻ.

- Tiền đã có, chính sách lãi suất hỗ trợ cũng được thực hiện nhưng có nhiều ý kiến lo ngại là không đủ nguồn cung cho thị trường, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đối với giai đoạn hiện nay phải tác động vào cả hai đầu là cung và cầu.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng hiện cả nước có khoảng 60 dự án nhà ở xã hội đang trong quá trình triển khai, kể cả làm dự án từ đầu cũng như chuyển sang nhà ở xã hội, với quy mô khoảng vài chục ngàn căn nhà.


Riêng tại địa bàn Hà Nội, vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 sẽ triển khai và khởi công từ 5 - 7 dự án, không kể những dự án đang làm.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thống kê được riêng các bộ, ngành trung ương đăng ký về nhu cầu nhà ở xã hội hiện nay là gần 100 ngàn căn hộ. Điều này có thể khẳng định đây là một thị trường rộng lớn, chúng ta bước đầu đã tạo ra nguồn cung và sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng nhà ở xã hội.

- Xin cám ơn ông!

Châu Anh

Bình luận
vtcnews.vn