Theo báo cáo được công bố hôm 23/4, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) đánh giá chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục trong năm 2022. Nguyên nhân là do cuộc xung đột Nga - Ukraine thúc đẩy mức tăng chi tiêu hằng năm lớn nhất ở châu Âu kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Báo cáo của SIPRI cho biết, chi tiêu quân sự thế giới năm 2022 tăng 3,7% lên mức 2,24 nghìn tỷ USD. Chi tiêu của châu Âu tăng 13%, chủ yếu là do sự gia tăng của Nga và Ukraine.
Nhiều quốc gia khác trên khắp châu Âu cũng tăng cường ngân sách quân sự và lên kế hoạch chi mạnh tay hơn nữa giữa bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Diego Lopes da Silva, nhà nghiên cứu cấp cao tại SIPRI cho rằng: "Điều này là kết quả của kế hoạch tăng chi tiêu quân sự trong nhiều năm từ một số chính phủ. Chúng ta có thể sẽ nhìn thấy chi tiêu quân sự ở Trung và Tây Âu tiếp tục tăng trong những năm tới".
Theo dữ liệu từ SIPRI, chi tiêu quân sự của Ukraine đã tăng 640% trong năm 2022, mức tăng hằng năm lớn nhất kể từ năm 1949. Con số này không bao gồm số lượng lớn viện trợ quân sự tài chính do phương Tây cung cấp cho Ukraine.
SIPRI ước tính, viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine chiếm 2,3% tổng chi tiêu quân sự của Mỹ trong năm 2022. Mỹ là quốc gia chi tiêu hàng đầu quân sự thế giới song tổng chi tiêu của nước này chỉ tăng nhẹ.
Trong khi đó, chi tiêu quân sự của Nga ước tính tăng 9,2%. Tuy nhiên, SIPRI lưu ý các số liệu này "không hoàn toàn chắc chắn".
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine tháng 2 năm ngoái, Mỹ và đồng minh châu Âu gấp rút tăng cường năng lực quốc phòng. Đồng thời, phương Tây liên tục bơm vũ khí để hỗ trợ Kiev đối phó Moskva.
Bình luận