Những năm trước, Bộ GD&ĐT cho phép các trường Sư phạm xác định chỉ tiêu dựa trên năng lực đào tạo và phải tuân thủ theo mức điểm sàn do Bộ đưa ra từ học bạ đến điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhưng năm nay, thực hiện Nghị định 116 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường đào tạo sư phạm phải tuân theo quy định tại Thông tư 03 của Bộ về xác định chỉ tiêu tuyển sinh và báo cáo về Bộ để đăng ký. Sau đó, Bộ xác định và thông báo chỉ tiêu cho từng trường trên cơ sở năng lực đào tạo, nhu cầu địa phương và cả nước.
Năm nay, Bộ tổng hợp nhu cầu của các địa phương, giao cho các trường sư phạm theo tình hình thực tế. Do đó, chỉ tiêu chính thức các ngành đào tạo giáo viên được Bộ thông báo của nhiều trường giảm mạnh so với chỉ tiêu đăng ký hồi đầu năm. Thậm chí có trường sư phạm địa phương, chỉ tiêu đào tạo giáo viên bằng 0 vì địa phương không có nhu cầu tuyển dụng giáo viên trong thời gian tới.
Trường Đại học Quy Nhơn công bố điểm sàn xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 của 50 ngành đào tạo, trong đó sáu ngành Sư phạm (Toán học, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) có mức điểm cao kỷ lục 28,5 điểm. Trong khi các ngành còn lại của trường có điểm sàn dao động từ 15-20 điểm. Quy định của Bộ GD&ĐT về điểm sàn đối với khối ngành sư phạm trình độ đại học là 19 điểm.
Như vậy, mức sàn 28,5 điểm, Đại học Quy Nhơn công bố cao hơn 9,5 điểm so với điểm sàn Bộ GD&ĐT quy định và trở thành trường có mức điểm sàn ngành sư phạm cao nhất cả nước năm nay.
Theo TS Lê Xuân Vinh, Trưởng phòng đào tạo đại học, Đại học Quy Nhơn, điểm sàn lên tới 28,5 là do chỉ tiêu tuyển sinh sáu ngành sư phạm trên của trường năm nay rất ít. Ngày 27/7, nhà trường công bố thông tin điều chỉnh chỉ tiêu các ngành đào tạo giáo viên năm 2022, trong đó nhiều ngành sư phạm cắt giảm mạnh chỉ tiêu so với dự kiến trước đó. Từ 1.300 chỉ tiêu tự xác định trong đề án tuyển sinh, trường có thông báo chỉ tiêu chính thức 770 chỉ tiêu vào cuối tháng 7 (giảm hơn 500 chỉ tiêu).
Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng giảm mạnh chỉ tiêu so với dự kiến ban đầu. Nhà trường báo cáo Bộ GD&ĐT là 1.364 chỉ tiêu đào tạo giáo viên nhưng sau khi cân nhắc nhu cầu giáo viên của các địa phương, Bộ giao cho trường 810 chỉ tiêu.
Đại học Sài Gòn chính thức tuyển sinh Đại học chính quy năm nay là 650 chỉ tiêu cho 15 ngành đào tạo giáo viên. Ngoại trừ 2 ngành Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học có chỉ tiêu tuyển gần 200 mỗi ngành, nhiều ngành chỉ tuyển hơn 10 sinh viên cho khóa 2022. So với chỉ tiêu tự xác định ban đầu, chỉ tiêu chính thức nhiều ngành giảm còn một nửa. Tại Đại học Đà Lạt, nhiều ngành chỉ tuyển 5 - 7 sinh viên cho năm học 2022 - 2023.
Điểm chuẩn sẽ biến động theo ngành
Lãnh đạo một trường đào tạo ngành Sư phạm nhận định, điểm chuẩn nhóm ngành Sư phạm năm nay sẽ tăng vì chỉ tiêu giảm. Trường chỉ có gần 1.000 chỉ tiêu nhưng rà soát sơ bộ từ dữ liệu của Bộ GD&ĐT gửi cho thấy có khoảng 14.000 thí sinh với hơn 22.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Đại học Sư phạm TP.HCM có điểm sàn nhận hồ sơ nhiều ngành Sư phạm cao hơn ngưỡng chung của Bộ tới 4 điểm (tức ở mức 23 điểm). Mức điểm sàn năm nay đã cao hơn mức điểm chuẩn một số ngành của năm 2021.
TS Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Đà Lạt cho biết năm nay trường được giao 305 chỉ tiêu đào tạo Sư phạm, giảm hơn 40 chỉ tiêu so với năm ngoái. Năm nay điểm sàn xét tuyển một số ngành cao hơn 1 điểm so với năm 2021. Trong đó, 3 ngành điểm sàn cao hơn ngưỡng chung của Bộ từ 1 - 2 điểm gồm: Giáo dục tiểu học, Sư phạm Toán và Sư phạm tiếng Anh. Đây là những ngành đang thu hút nhiều thí sinh, theo số liệu đăng ký nguyện vọng.
Trong số 265 mã ngành tuyển sinh có điểm chuẩn tăng 5 điểm trở lên của mùa tuyển sinh năm 2021, nhóm ngành Sư phạm vươn lên bất ngờ ở vị trí thứ hai với 64 ngành. Trong đó, điểm chuẩn trúng tuyến vào Đại học Sư phạm Hà Nội cao không kém các trường kinh tế đang “hot” nhất như ngành Sư phạm tiếng Anh lên đến 28,53; các ngành Sư phạm Toán (dạy bằng tiếng Anh) và Giáo dục chính trị lên đến 28,25.
Bình luận