Theo bảng xếp hạng Asia Power Index năm 2023 (Chỉ số quyền lực châu Á) của Viện nghiên cứu Lowy, Australia, Việt Nam xếp thứ 12 trên tổng số 26 quốc gia và vùng lãnh thổ về “sức mạnh toàn diện” với 17.5 điểm (trên tổng 100 điểm), giảm 0,8 điểm (4%) so với năm ngoái.
Bảng xếp hạng xem xét các lĩnh vực khác nhau, trong đó điểm “ảnh hưởng ngoại giao” của Việt Nam tăng mạnh nhất là 6,6 điểm (xếp thứ 9). Đây cũng là lĩnh vực Việt Nam được đánh giá cao nhất, “là kết quả của sự chủ động tiếp cận ngoại giao với nhiều đối tác khác nhau”, theo bảng xếp hạng. Trong các tiêu chí được đưa ra làm thang đo cho hạng mục này, Việt Nam có điểm cao nhất ở "sức mạnh đa phương" – "là sự tham gia và ảnh hưởng của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trong các diễn đàn và tổ chức đa phương”.
Các lĩnh vực mạnh thứ hai của Việt Nam (đồng hạng 10) bao gồm "mối quan hệ kinh tế" và "nguồn lực tương lai". Trong đó, tiêu chí được đánh giá cao nhất khi xem xét mối quan hệ kinh tế của Việt Nam là “ngoại giao kinh tế"- "việc sử dụng các công cụ kinh tế để theo đuổi lợi ích hợp tác và kết quả địa chính trị có lợi”. Việt Nam được cho là có ảnh hưởng qua lại về thương mại song phương nhiều nhất với các nước bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, EU, Nhật Bản, Lào, Campuchia, Thái Lan.
Còn tiêu chí được đánh giá cao nhất trong hạng mục nguồn lực tương lai của Việt Nam là “nguồn lực mở rộng cho đến 2023" - "ước tính các nguồn lực rộng lớn trong tương lai dựa trên tỷ lệ hiện tại của GDP và chi tiêu quân sự đối với điểm đo lường nguồn lực"
Các hạng mục còn lại được đánh giá bao gồm năng lực kinh tế (Việt Nam xếp thứ 13), năng lực quân sự (thứ 12), ảnh hưởng văn hóa (thứ 12), sức chống chịu (thứ 19) và mạng lưới quốc phòng (thứ 15).
Theo trang web của nghiên cứu, Chỉ số Quyền lực Châu Á, do Viện Lowy đưa ra vào năm 2018, đo lường các nguồn lực và ảnh hưởng để xếp hạng sức mạnh tương đối của các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á. Dự án "vạch ra sự phân bổ quyền lực và theo dõi những thay đổi trong cán cân quyền lực theo thời gian", thông qua việc xếp hạng 26 quốc gia và vùng lãnh thổ về "khả năng định hình môi trường bên ngoài của họ". Những cái tên được đưa vào xếp hạng còn bao gồm Nga, Mỹ, New Zealand, Australia.
Phiên bản 2023 tập hợp dữ liệu trong 5 năm, theo dõi tác động đang diễn ra của COVID-19 và các phản ứng khác nhau của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong đại dịch - đối với địa chính trị của châu Á.
Bình luận