• Zalo

Chỉ số giá tiêu dùng tăng đột biến, có đáng ngại?

Kinh tếThứ Tư, 26/09/2012 01:16:00 +07:00Google News

(VTC News) – Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 2,2%, một mức tăng đáng cảnh báo.

(VTC News) – Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 2,2% - được coi là bất thường và là một mức tăng đáng cảnh báo song theo nhiều chuyên gia, "vẫn không đáng lo ngại".

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc chỉ số CPI tháng 9 tăng 2,2% và tăng bằng bằng cả 7 tháng cộng lại là rất bất ngờ vì so với các dự báo trước đó, mức tăng không lớn như vậy.

Đặc biệt, điều đáng nói theo ông Long là trong cơ cấu tăng của các nhóm hàng thì chủ yếu có 4 nhóm hàng tăng mạnh, y tế tăng hơn 23%, giáo dục đầu năm học tăng 10,4%, giao thông tăng 3,8%, vật liệu xây dựng tăng hơn 2%, còn tuyệt đại bộ phận đều âm hoặc tăng cao nhất không quá 0,61%.

Trong khi đó, nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ CPI là lương thực thực phẩm thì lương thực tăng 0,33%, còn thực phẩm giảm. Đây cũng là điều đáng phải cảnh báo.

Nguyên nhân gốc gác căn bản dẫn đến tăng con số tăng bất ngờ như vậy, theo ông Long là do giá xăng và giá điện tăng trong thời gian vừa qua. Ngoài ra, giá gas, giá thuốc và giá sữa tăng cũng làm cho chỉ số CPI tăng mạnh.

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa, theo ông Long là do những bất ổn từ chính nền kinh tế. Cụ thể là những dấu hiệu tiềm ẩn lạm phát ở Việt Nam luôn luôn có.

“Thực chất là do nền kinh tế nước ta theo mô hình tăng tưởng rộng, các doanh nghiệp năng lực sản xuất kém, năng suất thấp. Trong khi đó, bội chi ngân sách lớn, mục tiêu đặt ra trong nhiều năm là tăng trưởng, tăng trưởng nên chính sách tiền tệ sẽ nới lỏng, nạn tham nhũng phổ biến, đây là các nguyên nhân khiến cho lạm phát gia tăng trong nhiều năm”, ông Long nhấn mạnh.

 
Bên cạnh đó, một yếu tố khiến cho lạm phát tháng 9 tăng khá bất ngờ theo ông Long là do quan điểm điều hành cho rằng 2 tháng 6 và 7 CPI âm, thì để giá xăng, giá điện tăng. Đây là suy nghĩ rất sai.

“Bất kỳ sự tăng giảm giá nào cũng đều ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, nên không được quan niệm tháng 6 và 7 âm thì có tăng giá xăng, giá điện cũng không ảnh hưởng gì”, ông Long nhấn mạnh.

Giá điện hiện nay lỗ là do còn phải bù chéo, thấy thoát lớn, đầu tư ngoài ngành cao nên năm nào cũng báo cáo lỗ. Chính vì vậy, không thể vin vào cớ CPI để tăng giá.

Mặt khác, theo quy định mới nhất thì 3 tháng điều chỉnh giá 1 lần, việc điều chỉnh này căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố đầu vào. Thời gian vừa qua, nguồn nước cho thủy điện khá dồi dào và giá Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) mua từ các nhà máy thủy điện cũng rất thấp, vì vậy, cũng nên xem xét việc giảm giá điện cho người dân.

“Có tăng, phải có giảm thì tâm lý của người dân mới ổn được. Việc xưa nay, giá xăng, giá điện tăng phi mã, giảm nhỏ giọt đã khiến người dân mất niềm tin nhiều”, ông Long nói.

Hay như giá xăng tăng tất nhiên còn phụ thuộc giá thế giới, nhưng khi giá xăng tăng hay giảm, những yếu tố trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu cũng phải xem xét đến và công khai minh bạch để người dân được biết.

Chính các yếu tố này đã làm cho CPI tháng 9 tăng cao bất thường. Và như vậy, tính đến nay chỉ số CPI đã lên đến 5,3%. Mục tiêu 7% như Chính phủ đề ra là rất khó thực hiện vì dư địa còn lại là 1,87%, một con số rất nhỏ. Trong khi đó, các tháng cuối năm, tiêu dùng và các khoản giải ngân đều rất lớn.

Dù thừa nhận, sự tăng đột biến của chỉ số CPI tháng 9, nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế, mức tăng này không đáng lo ngại.

Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, 4 nhóm hàng tăng chính là y tế, giáo dục (do đầu năm học nên tăng do các khoản học phí, thiết bị học tập,…), giao thông (do giá xăng tăng) và vật liệu xây dựng, đều là các nhóm hàng đã được dự đoán trước là sẽ tăng và không đáng lo ngại.

“Cả năm khai giảng một lần, học phí rồi các thiết bị học tập tăng là việc bình thường. Nếu nhìn vào cơ cấu tăng này, có thể thấy là việc tăng đột biến CPI tháng 9 là bình thường”, ông Lịch nói.

Đồng quan điểm, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho rằng, đây có thể gọi là con số bất thường cũng được mà bình thường cũng được. Bất thường vì các tháng trước mức tăng CPI rất thấp và âm, thì tháng này tăng tới 2,2%.

Nhưng bình thường vì tháng 9 này cũng là thời điểm đã được dự báo trước là sẽ có nhiều tác động. Cụ thể, đây là thời điểm mà việc tăng giá điện và giá xăng bắt đầu thúc đẩy, việc vào đầu năm học mới, phải đóng các khoản học phí, tâm lý của người dân cũng bị tác động.

Ngoài ra, một phần không nhỏ là do việc quản lý của các cơ quan chức năng cũng chưa chặt chẽ, không hiệu quả, thấy 2 tháng CPI âm, nên cũng hơi buông lỏng.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn