Công ty TNHH H.H.Petro vừa có báo cáo thực trạng khó khăn trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và kiến nghị cụ thể tới Liên bộ Công Thương - Tài chính. Theo H.H.Petro, tình hình kinh doanh xăng dầu hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn và bất cập trong các khâu lưu thông hàng hóa. Nguyên nhân do việc tính toán chi phí giá cơ sở từ khâu nhập khẩu đến khâu bán lẻ không đúng, không đủ.
Cụ thể, về chi phí nhập khẩu đưa xăng dầu về cảng Việt Nam, tạm tính giá bình quân nhập khẩu của quý IV (giá pre, cước vận chuyển, bảo hiểm, chi phí giám định) với xăng là 4.076 đồng/lít, với dầu là 2.147 đồng/lít.
Về chi phí lưu thông của thương nhân phân phối xăng dầu và các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu từ kho đầu nguồn đến khâu bán lẻ cho người tiêu dùng, với xăng khoảng 1.670 đồng/lít, dầu diesel khoảng 1.498 đồng/lít.
Như vậy, tổng chi phí từ khâu nhập khẩu đến khâu lưu thông với mặt hàng xăng là 5.746 đồng/lít, với mặt hàng dầu diesel là 3.645 đồng/lít.
Từ số liệu trên, doanh nghiệp kiến nghị Liên bộ xem xét điều chỉnh tính đúng, tính đủ chi phí thực tế trên cho kỳ điều chỉnh giá vào 21/11.
Doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ sửa đổi nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 để xây dựng một nghị định mới cho phù hợp với cơ chế điều hành kinh doanh xăng dầu của nhà nước và thích ứng với sự biến động của thị trường xăng dầu thế giới.
Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cấp thêm hạn mức tín dụng để doanh nghiệp đầu mối nhập hàng theo lượng phân giao tối thiểu quý 4 của Bộ Công Thương. Và chỉ đạo các ngân hàng thương mại cấp đủ vốn theo hợp đồng tín dụng đã ký với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Tương tự, Công ty TNHH Thương mại C.M cũng vừa có báo cáo và kiến nghị giải quyết thực trạng khó khăn trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Theo đó, doanh nghiệp này kiến nghị điều chỉnh tăng chi phí lưu thông như vận chuyển, hao hụt, khấu hao, thuế, lệ phí phải nộp, chi phí quản lý khác… tính từ kho xăng dầu đầu mối đến các đại lý, cửa hàng bán lẻ. C.M đề xuất chi phí đối với hệ thống đại lý vùng 1 là 1.500 đ/lít, chi phí đối với hệ thống đại lý vùng 2 là 1.900 đ/lít.
Về hoạt động cấp vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại theo hợp đồng tín dụng đã ký với doanh nghiệp, doanh nghiệp xăng dầu này đề nghị các ngân hàng thương mại cung cấp đủ vốn theo hợp đồng tín dụng đã ký với doanh nghiệp.
Ngày 12/11, Bộ Tài chính có công văn đề nghị Bộ Công Thương, các thương nhân đầu mối báo cáo chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam, thời hạn trước 10h00 ngày 15/11.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khẩn trương rà soát đánh giá việc thực hiện và báo cáo các nội dung chi phí cụ thể bao gồm: báo cáo chi tiết chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam; premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng (lưu ý: các khoản chi phí vận chuyển, bảo hiểm, hao hụt, giám định... không bao gồm VAT).
Thời kỳ thu thập số liệu báo cáo từ 21/10 đến 14/11.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu gửi các báo cáo nêu trên, có so sánh, phân tích đánh giá so với kỳ báo cáo trước (1/6 - 20/10); đánh giá cụ thể về tính bất thường và tác động đến hoạt động kinh doanh của đơn vị, kiến nghị, đề xuất về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá), đồng thời gửi về Bộ Công Thương trước 10h sáng ngày 15/11.
Theo Bộ Tài chính, thực hiện chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công Thương và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu định kỳ trước ngày 20 hàng tháng rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu; thực hiện ngay nhiệm vụ này để phục vụ kỳ điều hành giá gần đây nhất.
Trước đó, ngày 8/11, căn cứ vào số liệu về chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam do 28 doanh nghiệp cung cấp. Bộ Tài chính đã điều chỉnh tăng một số mặt hàng xăng dầu. Cụ thể đối với xăng E5RON92 đã tăng 290đ/lít lên 640đ/lít và xăng E95 tăng thêm 560đ/lít lên mức 1.280đ/lít.
Bình luận