Theo đó, 14 hiệp hội gồm 13 hiệp hội ngành hàng trong nước và Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) kiến nghị được xem xét tháo gỡ hai vướng mắc lớn về Dự thảo định mức chi phí tái chế (Fs) cao bất hợp lý và bất cập trong triển khai thực hiện đóng góp tái chế (EPR).
Các đơn vị cho biết, tại dự thảo trình Thủ tướng ngày 27/7, dù ban soạn thảo đã điều chỉnh nhưng một số định mức chi phí tái chế (Fs) cao hơn cả mức Fs trung bình của 14 nước Tây Âu là các nước rất phát triển và có chi phí đắt đỏ như Fs của nhôm cao gấp 1,26 lần, của thủy tinh cao hơn 2,12 lần...Nguyên nhân chính là do chưa áp dụng kinh tế tuần hoàn để tính Fs khi chưa trừ đi giá trị thu hồi được.
Với các vật liệu giá trị cao như bao bì kim loại, giấy carton...nhà tái chế chính thức đang có lãi lớn, việc các doanh nghiệp và người tiêu dùng phải nộp phí tái chế cao cho các vật liệu này để hỗ trợ tăng lãi cho nhà tái chế là rất bất hợp lý.
Thêm vào đó, chỉ riêng ba loại bao bì giấy, nhựa và kim loại, phí tái chế ước tính là 6.127 tỷ đồng mỗi năm. Cộng thêm nhiều nghìn tỷ đồng phí tái chế cho các loại bao bì, phương tiện giao thông, sản phẩm thải bỏ khác, đây là một khoản chi phí rất lớn, gây nhiều khó khăn cho sản xuất-kinh doanh và người tiêu dùng, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Vì vậy, các hiệp hội đề xuất điều chỉnh định mức chi phí tái chế hợp lý hơn, căn cứ vào nghiên cứu của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam PRO, thực tiễn tái chế của Việt Nam và mức phí tái chế trung bình thị trường.
Với đề xuất này, ước tính phí tái chế 3 loại bao bì giấy, nhựa và kim loại là 3.146 tỷ đồng. Cộng thêm với phí tái chế các loại bao bì, sản phẩm thải bỏ khác, quỹ EPR sẽ có nhiều nghìn tỷ đồng để hỗ trợ các nhà tái chế. "Đây là cố gắng đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay, hài hòa được cả hai mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển sản xuất-kinh doanh", văn bản của 14 hiệp hội doanh nghiệp nêu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kiến nghị thay đổi cách nộp đóng góp tái chế từ tạm ứng trước vào đầu năm 2024 sang quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm (tức nộp vào tháng 4/2025), để doanh nghiệp vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm với môi trường mà giảm được khó khăn, giống với cách nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là nộp vào đầu kỳ sau.
Đồng thời, cơ quan quản lý cho phép các doanh nghiệp thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế trong cùng năm cho cùng một loại bao bì, sản phẩm thải bỏ, thay vì bắt buộc chọn một trong hai hình thức. Áp dụng hệ số điều chỉnh Fs bằng 0 đối với phần bao bì đã sử dụng vật liệu tái chế ở Việt Nam và hệ số điều chỉnh Fs bằng 0,5 đối với các loại vật liệu thân thiện với môi trường
Theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường, từ 1/1/2024, nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện EPR. Theo đó, doanh nghiệp được lựa chọn hình thức tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì hoặc đóng góp tài chính vào quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế. Chính phủ giao Bộ TN&MT ban hành định mức Fs cụ thể cho từng loại sản phẩm, bao bì với chu kỳ điều chỉnh 3 năm một lần.
Bình luận