• Zalo

Chỉ mất 4 ngày, mẹ 9X rèn con 7 tuần tuổi tự ngủ thành công

Đời sốngThứ Ba, 21/11/2017 13:00:00 +07:00Google News

Theo chị Thúy, bí quyết cốt lõi của phương pháp này là phải chịu được tiếng khóc không hợp tác lúc đầu của con và cần có một chút cương quyết với sự phản đối của những người xung quanh

Thông tin về nhân vật

Trương Minh Thúy

Sinh năm 1995

Địa chỉ: Hà Nội

Con gái: Kitty

Bé gà nhà Thúy sinh ngày 26/9/2017 và hiện tại bé đang được 7 tuần. Thúy chia sẻ: “Tháng đầu tiên quả thật là tuần trăng mật của hai mẹ con. Bé nhà em chỉ ăn và ngủ. Khi nào gào to nghĩa là bé đòi ăn hoặc bỉm ướt thôi”.

Tuy nhiên, cũng giống như tất cả các em bé khác, bé nhà Thúy bắt đầu học được thói quen xấu khi có bà nội lên thăm. “Bà nội em ở quê lên chơi tầm một tháng. Cứ thấy chắt khóc là bế vì cụ bảo quan niệm bế lên không thì bé khóc quen mồm. Lúc đầu, em nghĩ chả sao đâu, cụ bế một tí thì bé cũng không quen bế đâu. Nhưng mà những chuỗi ngày hành hạ em chỉ bắt đầu khi cụ về”.

Từ một cô bé ngoan như thiên thần thì bé nhà Thúy đã biết ăn vạ. Bé khóc mà chẳng có bất kì lí do gì, chỉ có được bế thì bé mới nín. Và bé bắt đầu thức đêm. Có những đêm 12 giờ bé mới đi ngủ, thậm chí thức suốt ba tiếng buổi đêm. Lịch ngủ nghỉ của bé như vậy khiến cô mệt mỏi, không có thời gian ăn sáng, ăn trưa đúng giờ, lúc nào cũng thấy thiếu ngủ.

Bé nhà Thúy học thói "xấu" khá nhanh

Chính vì lâm vào cảnh “khổ sở nheo nhóc” như thế nên Thúy đã quyết tâm luyện ngủ đúng giờ cho con. Tuy nhiên, khi bắt đầu tìm hiểu về phương pháp này, Thúy cũng còn thấy rất mông lung vì những kiến thức mà cô có được thông qua cuốn sách “Nuôi con không phải cuộc chiến” là chưa đủ. May mắn là, Thúy có một cô bạn đã luyện cho con thành công với phương pháp EASY. Và thế là cô bắt tay vào rèn cho bé nhà mình theo lịch như sau:

Thời gian

Việc bé cần làm

7h - 8h

Bé ăn (E), sau đó bé được ợ hơi, chơi vận động(A).

8h -10h

Bé ngủ giấc ngắn 1(S) và mẹ nghỉ ngơi (Y)

10h -11h

Bé ăn (E), sau đó bé được ợ hơi, vận động(A).

11h -13h

Bé ngủ giấc ngắn 2 (S) và mẹ nghỉ ngơi (Y).

13h -14h

Bé ăn (E), sau đó bé được ợ hơi, vận động(A).

14h -16h

Bé ngủ giấc ngắn 3 (S) và mẹ nghỉ ngơi (Y)

16h -17h

Bé ăn (E), sau đó bé được ợ hơi, được chơi vận động(A).

17h - 17h30

Bé ngủ giấc ngắn 4 (S) và mẹ nghỉ ngơi (Y)

17h30 -18h30

Bé tỉnh dậy sau một giấc ngắn 30’, bé chưa đói nên mẹ cho bé chơi.

18h30 – 19h

Mẹ tắm cho bé và thức hiện trình tự chuẩn bị cho bé ngủ đêm

19h -7h

Bé ăn và đi ngủ đêm luôn.

7h

Bé ăn (E), sau đó bé được ợ hơi, chơi vận động(A).

Ngày thứ nhất: Bé nhà Thúy được đánh thức dậy từ 7h30 sáng theo như lịch . Bất chấp việc  tối hôm trước 9h mới ngủ và đêm ăn 2 bữa. Tất nhiên, khi ngủ dậy, bé khá vật vờ. Ăn xong, đánh vật mãi mới dậy chơi được 15 phút thì lại đến giờ ngủ. Thúy đã can đảm “nhốt” con gái nhỏ trong phòng để bé tự ngủ. Sau khi khóc khoảng 15 – 20 phút thì bé cũng tự ngủ. 

Một lúc sau, khi ngủ dậy thì bé lại tiếp tục khóc. Lần này, Thúy không mặc kệ nữa mà vào kiểm tra. Nguyên nhân là do bé ị. Sau khi thay bỉm cho bé thì mẹ lại tiếp tục ra ngoài, sau 20 phút thì vào làm theo lịch. Mặc dù, mỗi lần đặt bé ngủ, bé đều gào khóc nhưng Thúy quyết tâm không nhân nhượng. Vậy là, đến tối, khoảng 8h, sau khi đã ăn no, bé tiếp tục ngủ ngoan, chỉ dậy có hai lần vào lúc 12h và 3h. 

Ngày thứ hai: Thúy tiếp tục rèn nếp ngủ cho bé như ngày đầu tiên. Mặc dù mới luyện một hôm nhưng bé đã bớt khóc hơn và cũng dần quen với giờ giấc. Đêm hôm ấy, bé cũng dậy 2 lần nhưng sau khi ăn là ngủ luôn.

Ngày thứ ba: Bé khá hợp tác với lịch sinh hoạt đã được đề ra mặc dù khóc khá nhiều. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, Thúy đưa ra kết luận là do ướt bỉm. Bước sang ngày thứ ba, Thúy dự định sẽ cắt một bữa ăn đêm của bé vì bé dậy chỉ ọ ẹ và khóc nhẹ nhẹ kiểu không chuyển được giấc và thèm mút mát một cái gì đó. Vậy là, mẹ dỗ dành, cho ngậm ti giả rồi ngủ tiếp lúc 1h sáng. 

Vấn đề rất lớn xuất hiện lúc này là vào bà ngoại cứ một mực cho rằng “3-4 tiếng rồi, nó đói lắm, cho nó ăn đi” dẫn tới việc bất đồng quan điểm giữa hai mẹ con. Tuy nhiên, mặc dù sợ bà giận nhưng Thúy quyết tâm làm theo kế hoạch. Tới 4h sáng, bé chuyển giấc không thành công vì ướt bỉm, bà ngoại lại tiếp tục đòi cho bé ăn nhưng bị ngăn cản lần hai. Sau một hồi chiến đấu giữa bà ngoại và mẹ thì bé đã dậy vào đúng 7h mà không cần đánh thức.

Vậy là bé đã bắt đầu quen với lịch sinh hoạt của mình.

Ngày thứ tư: Bé chơi nhiều hơn so với những hôm khác. Lúc để con tự ngủ giấc ban ngày, con chỉ ẹ ẹ rồi ngủ. Lúc khóc là con gặp vấn đề chuyển giấc hoặc bỉm ướt. Mặc dù khi ngủ giấc ngắn buổi chiều con lại khóc nhưng sau khi tắm xong lại ngủ liền. Đêm hôm ấy, 3h sáng bé có ăn một bữa đêm rồi sáng 7h15 con tự dậy.

Như vậy là sau bốn ngày luyện cho bé ngủ theo giờ, Thúy đã thành công. Cô chia sẻ: “Mặc dù sau bốn ngày, con chưa thật vào nếp nhưng nuôi dạy con luôn là một quá trình nên mặc dù con được 60 – 70%, em đã cảm thấy rất vui. Em có thời gian chăm sóc bản thân, nghỉ ngơi nhiều hơn. Sau khi con vào nếp rồi, em mới thở phào nhẹ nhõm vì trong mấy ngày đầu rèn cho con, em thấy áp lực lắm. Vì luyện ngủ cho con theo phương pháp EASY mà không chịu được tiếng khóc của con là thất bại ngay. Lúc nghe con khóc, thường các bà mẹ sẽ thấy rất xót ruột và chỉ muốn lao vào bế bé lên ngay. Thêm vào đó, khi luyện cho bé, em và mẹ em cũng bất đồng quan điểm nên nhiều khi cũng to tiếng.”

Có thể, do đặc điểm của từng bé khác  nhau mà Thúy luyện ngủ cho con khá dễ dàng nhưng không thể phủ nhận sự kiên trì và quyết tâm mà cô đã bỏ ra. Nếu như bạn đang luyện ngủ cho con mà chưa thành công, thay vì 4 ngày, hãy cố gắng trong 14 ngày xem sao. 

Video: Cách dạy con kiểu tỷ phú của ông Donald Trump

EASY là khái niệm về chu kỳ sinh hoạt cho trẻ được Tracy Hogg giới thiệu trong bộ sách cẩm nang nuôi dạy trẻ sơ sinh nổi tiếng Baby Whisperer. Hiểu đơn giản EASY là chu kỳ sinh hoạt lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian ngắn từ sáng sớm thức dậy đến hết ngày của một em bé sơ sinh từ lúc mới lọt lòng.

Một ngày của bé sẽ là những chuỗi lặp đi lặp lại của nhiều chu kỳ EASY. Bé ngủ dậy sẽ được ăn (E-eat), sau đó mẹ cho bé chơi vận động (A-activity), mẹ đặt bé xuống cho bé ngủ (S-sleep) và mẹ có thời gian thư giãn (Y-your time). Khi bé ngủ dậy, bé lại được tiếp tục đi vào chu kỳ EASY mới: ăn, chơi, ngủ và thời gian dành cho mẹ. Cứ như vậy lặp đi lặp lại cho đến khi bé đi vào giấc ngủ đêm, kết thúc một ngày của mẹ và bé.

Phương Linh
Bình luận
vtcnews.vn