• Zalo

Chỉ dẫn duy nhất không nhầm hàng Việt với hàng Tàu đội lốt

Kinh tếThứ Tư, 20/08/2014 09:58:00 +07:00Google News

Nên mua ở những cửa hiệu quen, để ý đường may phải chuẩn, khi sờ vải trơn, mát tay và có thể tra mã code trên nhãn mác là những bí kíp của dân sành khi mua hàng

Nên mua ở những cửa hiệu quen, để ý đường may phải chuẩn, khi sờ vải trơn, mát tay và có thể tra mã code trên nhãn mác là những bí kíp của dân sành khi mua hàng VNXK.

Là tín đồ của thời trang VNXK (Việt Nam xuất khẩu), chị Trúc Giang, nhân viên văn phòng ở Thanh Xuân, Hà Nội thường chọn những thương hiệu như Foci, Việt Thy, dệt may Phương đông, Hanosimex do giá rẻ, chất liệu tốt. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây chị Giang cảm thấy mẫu mã các thương hiệu này trở nên đơn điệu, lỗi mốt, thậm chí gần như biến mất. Chị chia sẻ, có lần đi sắm đồ tại một trung tâm VNXK lớn ở Chùa Bộc, rất ưng chiếc quần hiệu Foci nhưng tìm mãi không có size nhỏ hơn. Khi hỏi nhân viên cửa hàng thì họ cho biết, mặt hàng này hiện không sản xuất nữa chỉ còn tồn lại size duy nhất. Sau khi tìm trong các hiệu lân cận, chị Giang cũng được báo là hết hàng.
Người tiêu dùng Việt rỉ tai nhau cách chọn hàng VNXK "xịn".  

Theo chị Giang, điểm khác biệt của hàng chuẩn so với hàng "nhái" là chất liệu tốt, mặc nhiều không bai và lâu bị lỗi mốt. Tuy nhiên, để tìm mua được hàng chuẩn đúng bản chất là một điều khó khăn. Chị Giang bật mí thường mua quần áo ở một số cửa hàng VNXK quen. Theo chị, yếu tố "quen" cực kỳ quan trọng, vì mua nhiều họ gần như biết rõ về nguồn gốc, xuất xứ và tin tưởng hơn vào sản phẩm. "Hàng VNXK có sự khác biệt với hàng Trung Quốc. Nếu mình chịu khó để ý về chất liệu và đường may sẽ thấy hàng VNXK có đường may sẽ dày dặn, nhãn, mác, cúc phụ đầy đủ. Hơn nữa, hàng Trung Quốc màu sắc đa dạng và rực hơn nhiều so với VNXK", chị bật mí.

Anh Phan Thanh Tùng, chủ shop hàng hiệu nhập khẩu và hàng VNXK trên đường Tô Hiệu (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, cách đơn giản nhất để phân biệt hàng hiệu với đồ nhái là tra mã code. Ví dụ trong quần levis luôn có mã số code của từng dòng, tra cái đó trên Google thường sẽ ra mẫu và màu quần, trừ vài trường hợp mẫu chưa onweb.

Từng có kinh nghiệm nhiều năm trong kinh doanh hàng VNXK, anh Tùng cho biết, sản phẩm mà các hàng Việt Nam xuất khẩu bán bây giờ chủ yếu là hàng xuất dư hoặc là hàng lấy ra từ dây chuyền sản xuất trong một công đoạn nào đó chưa hoàn chỉnh. Vì lẽ đó, mẫu mã hàng này có thể bị cũ hoặc có lỗi nhỏ ở đường may và đường chỉ cúc khóa nhưng giá mềm hơn nhiều so với hàng hãng; như ở Mỹ, quần levis giá dao động từ 60 - 100 USD, áo dao động khoảng 25 - 70 USD nhưng ở Việt Nam nó chỉ khoảng 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/chiếc.

Bật mí về cách phân biệt mà thường chỉ người trong “ngành” như anh Tùng mới biết, hàng hiệu khi thoáng nhìn thấy "khôn" và khi sờ tay cảm nhận mát, trơn. "Hiện tại những thương hiệu Việt Nam chất lượng cao tập trung vào phát triển chiều sâu chứ không đi theo chiều rộng như trước để tránh sự sụp đổ của thương hiệu. Ví dụ như Canifa tập trung vào đồ len nhiều hơn, hay như genviet trong vài năm gần đây họ tập trung vào jean và tương đối thành công. Do đó, người tiêu dùng cũng nên lựa chọn theo xu hướng thay đổi của hãng", anh chia sẻ thêm.

Với ma trận hàng VNXK bủa vây người tiêu dùng như hiện nay, Lê Công Trung Hiếu, chủ shop giầy Việt Nam xuất khẩu chia sẻ không chuộng hàng hiệu, vì hàng hiệu thường đắt tiền, và khó kiếm ở Việt Nam. "Hiện giờ, cửa hiệu mang danh 'Made in VietNam' mọc lên như nấm, hàng giá bèo có, hàng giá đắt khét cũng không ít nhưng xuất xứ, chất liệu bị xáo trộn hết cả. Nếu nếu người tiêu dùng không tỉnh táo thì rất dễ bị lừa", Hiếu chia sẻ.

Nắm rất rõ về nguồn nhập và chất liệu sản phẩm, Hiếu cho biết, 1 đôi giày Converse giá hãng khoảng 1 - 1,5 triệu, Kappa khoảng 2,6 triệu đồng nhưng tại nhiều cửa hàng VNXK bán chỉ còn 500.000 - 700.000 đồng, thậm chí vài chục nghìn/đôi thì không thể là hàng chuẩn. Với kinh nghiệm của một người bán hàng VNXK, Hiếu cho biết khách hàng dần rời xa các thương hiệu thuần việt, mà lại rất ưa chuộng các thương hiệu nước ngoài gắn mác "Made in VietNam”.

Theo Hiếu, khi tiêu dùng không nên trung thành tuyệt đối với một loại sản phẩm nào mà nên sử dụng đa dạng sản phẩm để vừa tiêu dùng vừa tìm hiểu để chọn được sản phẩm ưng ý nhất. "Thay vì đi mãi một đôi giày giá chục triệu đồng thì mình muốn sở hữu 10 đôi giầy khác nhau giá chỉ 1 triệu đồng/ đôi", Hiếu nói.

Từng nghiên cứu về các vấn đề da giầy và thời trang Made in Vietnam, chị Tạ Ngọc Ánh, nghiên cứu viên Viện nghiên cứu da giầy Việt Nam cho biết, hàng VNXK chất lượng khá tốt, tuy nhiên mẫu mã còn đơn giản và hạn chế, một số nguyên liệu sản xuất hàng hiệu không phù hợp với thời tiết, phom người Việt Nam. "Hàng VNXK kiểu dáng rất 'Tây', thiên về sự đơn giản, nhiều khi nhìn hơi cứng, cỡ hơi rộng, dài hơn so với phom người bình thường. Hàng "nhái" thường có size thường nhỏ hơn", chị chia sẻ. Chị Ánh cũng nói thêm, mẫu mã hàng ở Việt Nam khó cạnh tranh nổi với Trung Quốc. Chưa kể, chi phí gia công đắt, kéo theo giá bán tăng cao nên chuyện khó mà vững mạnh lâu dài là điều không khó hiểu.

Theo chị Ánh, để mua được hàng VNXK "xịn", người tiêu dùng Việt phải mua ngược lại của nước ngoài, tuy nhiên do phải chịu 2 lần thuế, VAT, phí vận chuyển,... nên giá của nó đắt gấp nhiều lần. Để tránh mua phải hàng nhái, chị Ánh thường mua ở những cửa hàng có quy mô rộng, và thực sự có uy tín lâu năm. Theo chị không nhất thiết cứ quần áo, giầy dép đắt tiền là hàng xịn, cần để ý nhiều hơn về chất lượng để tránh bị lừa bởi hàng nhái kém chất lượng, tránh tình trạng "tiền mất tật mang".

Theo Zing News
Bình luận
vtcnews.vn