• Zalo

Chi cục trưởng thi hành án bị đầu độc: Xử lý thế nào khi nghi phạm đã chết?

Pháp đìnhThứ Năm, 23/04/2020 16:28:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo luật sư, nếu cơ quan điều tra xác định ông Minh không có đồng phạm thì vụ án có thể bị đình chỉ điều tra vì nghi phạm duy nhất đã chết.

Clip: Chi cục trưởng Thi hành án dân sự TP Thanh Hoá bị đầu độc bằng cyanua

Ngày 20/4, tại Thanh Hóa xảy ra vụ án đầu độc bằng cyanua khiến ông Đặng Phạm Viên (53 tuổi, Chi cục trưởng Thi hành án Dân sự TP Thanh Hóa) thiệt mạng.

Nghi phạm trong vụ án được xác định là Trần Xuân Minh. Do ghen tuông nên Minh pha cyanua vào bình rượu để cung cấp cho Công ty Á Âu với mục đích giết vợ là bà  Lê Thị Phương (Giám đốc Công ty Á Âu).

Trong bữa nhậu ngày 20/4 tại Công ty Á Âu, vợ ông Minh và những người khác uống rượu thì bị ngộ độc. Trong đó, ông Viên bị thiệt mạng, 2 người khác may mắn thoát chết. Sau khi biết tin về vụ việc trên, ông Minh cũng uống rượu pha chất độc để tự tử và không qua khỏi.

Trả lời VTC News, Luật sư Đặng Văn Cường nhận định, đây là vụ án mạng đau lòng và rất tàn nhẫn của đối tượng gây án. Cũng giống như vụ án em họ đầu độc chị bằng trà sữa tại Thái Bình năm 2019, trong vụ án này, nghi phạm cũng sử dụng hóa chất kịch độc là cyanua.

Luật sư Cường nhận định, ông Minh là người làm nghề kinh doanh và chế tác vàng bạc nên từng sử dụng và biết rõ tính năng hóa học của loại chất kịch độc này.

Tuy nhiên, ông ta vẫn tàn nhẫn sử dụng chất độc này với mục đích giết hại nhiều người, chỉ vì ghen tuông, mâu thuẫn vợ chồng.

Chi cục trưởng thi hành án bị đầu độc: Xử lý thế nào khi nghi phạm đã chết? - 1

Tiệm vàng nơi gia đình ông Minh bà Phương sinh sống. (Ảnh: NLĐ)

 

Ông Đặng Văn Cường cho rằng, việc cơ quan chức năng khởi tố vụ án giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự để điều tra là cần thiết và có căn cứ, bởi cơ quan điều tra xác định chất độc mà các nạn nhân nhiễm là cyanua, cùng với đó là mâu thuẫn giữa hai vợ chồng bà Phương và ông Minh.

Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân vụ việc cùng hành vi và vai trò của bà Phương.

“Nếu bà Phương chỉ là nạn nhân, may mắn thoát chết thì sẽ không bị xử lý. Còn nếu bà Phương biết đó là rượu có chất độc nhưng vẫn rót cho mọi người uống thì bà Phương sẽ bị xử lý với vai trò đồng phạm về tội giết người”, luật sư Cường giả định.

Luật sư phân tích, ông Minh từng dọa giết bà Phương do ghen tuông, rượu là do ông Minh mang đến nên rất có thể bà Phương vô can.

“Trong vụ án này, nếu cơ quan chức năng xác định chỉ có ông Minh là nghi phạm và không có đồng phạm khác, thì cơ quan điều tra sẽ đình chỉ điều tra vụ án hình sự này”, luật sư Cường nhận định.

Đối với vấn đề bồi thường thiệt hại, sẽ thực hiện theo nguyên tắc Bộ luật Dân sự quy định: người gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác thì có nghĩa vụ phải bồi thường.

Trường hợp người gây thiệt hại cho người khác đã chết và có để lại tài sản thì những người thừa kế của người chết đó sẽ phải thay mặt người chết thực hiện nghĩa vụ với những người bị hại và đại diện của người bị hại theo quy định tại Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Còn về trách nhiệm dân sự thì những người bị hại và đại diện gia đình người bị hại đã chết có thể thương lượng với bà Phương và các con ông Minh về việc lấy tài sản của ông Minh để lại để bồi thường.

Nếu không thỏa thuận được về mức bồi thường và phương thức bồi thường thì có thể khởi kiện để tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Đồng quan điểm với luật sư Đặng Văn Cường, luật sư Trần Xuân Tiền cho biết, trong vụ án trên, cơ quan chức năng cần làm rõ đồng phạm hoặc những tình tiết khác như có ai nhìn thấy nghi phạm mua chất độc đổ vào rượu hay không.

Cơ quan điều tra cũng cần làm rõ mục đích, động cơ phạm tội ngoài những mâu thuẫn giữa nghi phạm với vợ.

Trong vụ việc này, nếu cơ quan chức năng xác định ông Minh là nghi phạm duy nhất, không có đồng phạm thì vụ án sẽ bị đình chỉ điều tra.                        

“Nếu trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định chỉ có ông Minh thực hiện hành vi phạm tội thì vụ án sẽ bị đình chỉ điều tra. Còn trong trường hợp xác định được các đối tượng khác có liên quan trong vụ án, đủ điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan tố tụng sẽ tiếp tục giải quyết vụ án để xử lý các đối tượng này”, luật sư Tiền chia sẻ.

Theo luật sư, vụ án này cũng dấy lên tiếng chuông cảnh tỉnh đối với vấn đề quản lý hóa chất độc hại.

“Có thể nói pháp luật Việt Nam hiện nay tương đối đầy đủ các quy định để quản lý, xác định vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ thẩm quyền của từng cơ quan, tổ chức trong việc quản lý hóa chất độc hại.

Tuy nhiên, thực tế, việc quản lý trên thực tế vẫn khá lỏng lẻo, việc mua bán hóa chất tại các chợ hóa chất khá dễ dàng, thậm chí còn có thể mua bán qua mạng.

Bởi vậy, những vụ án đầu độc bằng cyanua là những lời cảnh báo trong công tác quản lý loại hóa chất độc hại này. Cơ quan chức năng các địa phương cần khẩn trương rà soát, kiểm tra và siết chặt hoạt động mua bán, vận chuyển, sử dụng hóa chất độc hại để tránh những vụ án thương tâm thế này tiếp tục xảy ra", luật sư Tiền nói.

Theo quy định, việc mua bán cyanua chỉ thông qua những đơn vị được cấp phép lưu hành, người mua phải có công văn, giấy giới thiệu của thủ trưởng, lãnh đạo công ty mua nhằm mục đích gì.

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có nhiều người, đơn vị mua bán trái phép và việc mua bán khá dễ dàng, quản lý của cơ quan chức năng còn lỏng lẻo. Hiện nay, người bán chỉ bị xử phạt hành chính, mức xử phạt còn thấp.

Mạnh Đoàn
Bình luận
vtcnews.vn