“Giá như gia đình được hướng dẫn từ sớm”
Bài viết “Éo le vụ tai nạn giao thông chị chết, em đi tù” phản ánh nội dung vụ việc chị Phạm Thị Ngân (SN 1983 ở thôn Đặng, xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) lái xe máy chở chị chồng là Đặng Thị Lạng (SN 1966, trú cùng thôn) lao vào thành cầu Thanh Trì khiến chị Lạng thiệt mạng, chị Ngân bị thương nặng.
Vụ tai nạn xảy ra ngoài ý muốn, đại diện bị hại tha thiết xin miễn giảm tội cho bị cáo, nhưng tòa vẫn tuyên phạt chị Ngân 13 tháng tù giam.
Ngày 29/5, anh Đỗ Đình Thi, chồng chị Ngân cho biết: “Chiều cùng ngày, vợ tôi và mẹ tôi - bà Trần Thị Chãi cùng anh rể tôi là Dương Văn Vụ, chồng chị Lạng (đại diện hợp pháp của bị hại) trong vụ tai nạn đã tới trụ sở UBND xã làm bản thỏa thuận. Theo đó, mẹ và anh rể tôi đề nghị TAND TP Hà Nội không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với vợ tôi. Trước đó, chúng tôi không được ai hướng dẫn về thủ tục này”.
Trước đó, gia đình anh Đỗ Đình Thi đã mời luật sư của Công ty Luật TNHH Việt Tâm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bào chữa với mức phí tượng trưng cho bị cáo Phạm Thị Ngân trong phiên tòa phúc thẩm sắp diễn ra. Các luật sư của Công ty Luật TNHH Việt Tâm đã hướng dẫn gia đình anh Thi thủ tục hòa giải dân sự theo đúng trình tự pháp luật.
Anh Đỗ Đình Thi trải lòng: “Sau khi vụ tai nạn xảy ra, chị gái tôi chết còn vợ tôi thì bị thương nặng gãy chân, đa chấn thương. Lúc đó, đã có người “bắn tiếng” tới gia đình tôi bỏ ra 250 triệu đồng thì sẽ được giải quyết ổn thỏa. Cũng có luật sư chủ động gọi cho tôi đề xuất mức phí bào chữa là 250 triệu đồng để vợ tôi được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khi cơ quan công an ra quyết định khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ vụ án sang Viện kiểm sát lại có người khác gợi ý với tôi: “130 triệu đồng thì được hưởng án treo”. Tuy nhiên, gia đình tôi cả nhà làm nông nghiệp, không có nổi những số tiền đó. Hơn nữa, chúng tôi đều nghĩ vụ tai nạn là không may mắn, vợ tôi không sai, nên tin tưởng vào phán quyết của tòa”.
Sau khi TAND huyện Gia Lâm tuyên mức án 13 tháng tù giam cho chị Ngân và vụ việc được phản ánh, bà con hàng xóm đã kéo tới động viên, chia sẻ với gia đình cụ Chãi.
Hội Phụ nữ, Hội Phụ lão của thôn cũng đã viết đơn tập thể đề nghị tòa cấp phúc thẩm miễn truy cứu trách nhiệm hình sự với chị Ngân. “Chúng tôi đang rất hy vọng vào một phiên tòa công tâm sắp tới”, anh Thi bày tỏ.
Hiện trường đã thay đổi?
Tại cơ quan công an cũng như tại phiên tòa, chị Ngân khai, thời điểm xảy ra tai nạn, chị chạy xe tốc độ khoảng 35 - 40km/h. Khi xe chị đang đi phía bên phải giáp thành cầu thì bị xe mô tô của anh Nguyễn Văn Định (39 tuổi, ở Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội) điều khiển chạy cùng chiều vượt lên, tạt sang phải làm đầu xe mô tô của chị Ngân va vào phần pô xe anh Định, dẫn tới chị Ngân mất lái lao vào dải phân cách mềm bên phải đường và bị đổ xe, xe của anh Định cũng đổ theo. Vụ tai nạn khiến chị Lạng chết, anh Định và chị Ngân bị thương.
Trong khi đó, anh Định lại khai tai nạn là do chị Ngân đi cùng chiều nhưng vượt lên phía bên trái. Khi xe chị Ngân vượt được khoảng 2m thì anh Định thấy xe của chị Ngân lao vào dải phân cách, đổ ra đường, rê trượt trên mặt đường rồi va vào xe của anh Định làm xe của anh cũng đổ theo.
Ngày 28/4/2020, tại phiên xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử TAND huyện Gia Lâm cho rằng lời khai của bị cáo Ngân không có căn cứ, kết luận lỗi và nguyên nhân gây ra tai nạn đều thuộc về bị cáo Ngân.
Tuy nhiên, tại cáo trạng của Viện KSND huyện Gia Lâm nêu: Sáng 8/6/2019, Phạm Thị Ngân có giấy phép lái xe hợp lệ, chở chị Đặng Thị Lạng từ Mỹ Đức đi Bắc Ninh để bán tăm tre. Cùng đi với 2 người này còn có 4 người khác gồm: Đỗ Văn Thành, Phạm Thị Hương, Phạm Văn Chiến, Dương Thị Hòa chở nhau trên 2 xe máy. Khi nhóm người đi tới cầu Thanh Trì thì xe của chị Ngân và Lạng gặp tai nạn.
Trả lời PV, anh Đỗ Văn Thành cho biết: “Sáng hôm đó, như thường lệ, 6 chị em đi trên 3 xe máy sang Hưng Yên bán hàng. Do 1 người trong nhóm đang có thai nên chúng em đi rất chậm, mỗi xe cách nhau khoảng 10m.
Khi em đang điều khiển xe trên cầu Thanh Trì thì thấy xe SH của anh Nguyễn Văn Định phóng vượt qua. Khi đi tới nơi em thấy xe của chị Ngân và xe của anh Định cùng đổ ra đường, cả chị Ngân và chị Lạng đều ngất.
Lúc đó, hoảng quá mấy anh chị em chỉ lo cấp cứu cho hai chị ấy. Một số người đi đường đã kéo cả 2 xe máy vào lề đường để lấy lối đi lại. Em được cả nhóm phân công ở lại trông xe, mấy tiếng sau thì công an xuất hiện. Họ kẻ vẽ hiện trường, lúc đó em cũng nói hiện trường 2 chiếc xe bị đổ không phải như vậy, vì mọi người đã kéo xe máy vào lề đường để lấy lối đi lại, nhưng họ bảo em đi ra khỏi hiện trường để họ làm việc”.
Video: Người tự tử ở Bình Phước bị tai nạn giao thông ra sao?
Bình luận