• Zalo

Chỉ cạnh tranh bằng giá rẻ, doanh nghiệp Việt khó sống

Kinh tếThứ Năm, 18/04/2013 06:22:00 +07:00Google News

(VTC News) – Nếu các doanh nghiệp Việt vẫn giữ lối tiếp cận thị trường theo hướng cạnh tranh về giá rẻ thì đến thời điểm năm 2015 sẽ khó có thể tiếp tục được.

(VTC News) – Nếu các doanh nghiệp Việt vẫn giữ lối tiếp cận thị trường theo hướng cạnh tranh về giá rẻ thì đến thời điểm năm 2015 sẽ khó có thể tiếp tục được.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cảnh báo tại Lễ công bố Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2012 "Tiếng nói cộng đồng doanh nghiệp trên chặng đường đổi mới" với chủ đề “Chặng đường 10 năm phát triển và năng lực tiếp cận thị trường” ngày 18/4.

Doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam
Nếu chỉ cạnh tranh bằng giá rẻ, doanh nghiệp Việt sẽ khó mà tồn tại (Ảnh minh họa internet) 
Theo chuyên gia này, các doanh nghiệp Việt Nam đang bước vào một cuộc chơi mới. Một mặt phải thực hiện cam kết đã có với WTO và các tổ chức khác đã tham gia, mặt khác cộng đồng kinh tế ASEAN đang đẩy nhanh tiến độ để hình thành đầy đủ vào năm 2015.

Một vài năm gần đây các doanh nghiệp ASEAN đang "đổ bộ" vào Việt Nam, nhất là từ năm ngoái tới nay để chuẩn bị cho mốc năm 2015 với mức độ tham gia sâu rộng hơn. Cũng trong năm 2015, Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ được thực hiện đầy đủ và đến năm 2018, thuế của Việt Nam áp cho các sản phẩm nhập khẩu từ Trung quốc sẽ xuống rất thấp và đây là thách thức lớn khi hàng hóa Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nhập từ Trung Quốc.

Chính vì vậy, theo bà Lan, nếu các doanh nghiệp Việt Nam vẫn giữ lối tiếp cận thị trường theo hướng cạnh tranh về giá rẻ thì đến thời điểm năm 2015 sẽ khó có thể tiếp tục được.

Theo bà Lan, ngoài tái cơ cấu nền kinh tế thì các doanh nghiệp nên tự tái cơ cấu để có thể tham gia hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Trong bản báo cáo đánh giá 10 năm phát triển của doanh nghiệp Việt được công bố hôm nay, VCCI cho biết: Môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2012 có những diễn biến không thuận lợi của nền kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam trong năm 2012 gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng nợ xấu và tồn kho.

Tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,03%, mức thấp nhất kể từ năm 1999. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3%, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 114,3 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2011. Đây là năm đầu tiên Việt Nam xuất siêu gần 300 triệu USD kể từ năm 1993.

Trong năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã 5 lần điều chỉnh lãi suất huy động từ mức trên 13% xuống 8%/năm nhưng lãi suất cho vay lại không giảm tương ứng và trên thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn không thể vay được vốn.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 16,348 tỷ USD, trong đó FDI thực hiện năm 2012 ước tính đạt 10,46 tỷ USD, giảm 4,9% so với năm 2011…

Đại diện Ngân hàng Thế giới và VCCI tại Lễ công bố. (Ảnh: VOV)
Theo đánh giá về môi trường kinh doanh Việt Nam 2012 của các tổ chức quốc tế, Việt Nam có hạng điểm B+ với triển vọng “ổn định”, đứng ở vị trí 46/160 trong bảng “Những quốc gia tốt nhất cho việc xếp hạng kinh doanh” và xếp hạng 99/185 quốc gia về môi trường kinh doanh.

Về năng lực doanh nghiệp Việt Nam qua 10 năm phát triển 2002-2011, báo cáo nêu rõ: Các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, từ con số 63.000 doanh nghiệp trong năm 2002 lên đến hơn 312.600 doanh nghiệp tính đến thời điểm ngày 1/4/2012.

Bên cạnh đó, tổng nguồn vốn của các doanh nghiệp trong nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 30%/năm, đạt 15,3 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân đạt 27,4%/năm, đạt 10,7 triệu tỷ đồng vào năm 2011.

Tuy nhiên, năng lực doanh nghiệp trong các tiêu chí về sử dụng lao động, tài chính, sử dụng vốn và sinh lợi nhuận đều có xu hướng giảm trong giai đoạn này.

Châu Anh (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn