Khoảng 12 năm trước, anh Nguyễn Phát Đ. (57 tuổi, TP.HCM) phát hiện bị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường nên thường xuyên thăm khám định kỳ một lần mỗi tháng tại phòng khám tư, uống thuốc đều đặn mỗi ngày. Nhưng 6 tháng trở lại đây, anh sụt 8kg (hơn 10% trọng lượng cơ thể), anh tìm đến phòng khám tư khác để tầm soát tổng quát và sốc khi biết có khối u rất lớn ở thận bên trái.
Anh Đ. cho biết bản thân không có triệu chứng đau bụng hay đau lưng, mà chỉ là sụt cân, đi khám khối u đã lên tới 6 cm.
BS.CKI Phan Trường Nam, Trung tâm Tiết niệu Thận học, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, bệnh nhân có khối bướu lớn ở thận bên trái, ở giai đoạn T4, bắt buộc phải mổ hở, không thể nội soi. Bác sĩ sẽ cắt toàn bộ thận, chuỗi tĩnh mạch và mô mỡ xung quanh thận.
Ca phẫu thuật thành công kéo dài hơn 5 tiếng đồng hồ với sự kết hợp của bác sĩ ngoại tổng quát và ngoại tiêu hóa. Sau mổ sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, đã ngồi dậy được và tự đi lại, sinh hoạt bình thường.
GS.TS.BS Trần Ngọc Sinh - Cố vấn chuyên môn khoa Tiết niệu Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM lưu ý, nhiều người vẫn nghĩ thận là bệnh gì đó xa lạ, hiếm khi xảy ra với mình hoặc người thân, nhưng thực tế khoảng 10% dân số thế giới mắc bệnh thận mạn, tương đương khoảng 850 triệu người.
Thận là cơ quan giữ nhiệm vụ lọc và đào thải những chất cặn bã trong cơ thể, giữ cho các yếu tố nước, điện giải, kiềm toan được quân bình. Nếu các chất thải này không được đào thải, con người sẽ mệt mỏi, không làm việc nổi, thiếu máu, chán ăn, buồn nôn, mất ngủ, thậm chí hôn mê, co giật.
Thời gian gần đây các bệnh lý thận được phát hiện xu hướng tăng. Một phần là do người dân ý thức đi khám bệnh sớm hơn. GS Sinh từng tiếp nhận trường hợp người bệnh mắc ung thư thận phát hiện khi chưa triệu chứng nhờ khám sức khoẻ.
Các bác sĩ khuyên người dân nên dành thời gian để khám sức khỏe định kỳ, chỉ cần siêu âm là có thể biết bệnh sớm và điều trị sớm nhất có thể, vừa giảm chi phí điều trị vừa tăng cơ hội thành công cho quá trình điều trị.
Để phòng tránh các bệnh lý về thận, chuyên gia khuyến cáo nên ăn đủ chất và uống nhiều nước, khi ăn cơm cần uống nhiều nước canh. Thói quen ăn cơm không uống nước canh làm tăng nguy cơ lắng đọng sỏi thận. Bên cạnh đó, chúng ta cần hạn chế ăn đồ ăn chế biến sẵn vì chúng thường chứa nhiều chất béo tăng nguy cơ mắc béo phì, đái tháo đường và gây ra sỏi thận.
Bình luận