Đổi giấy lấy cây là một trong những hoạt động vừa mới khởi xướng vào cuối tháng 6 của "Nhà nhiều lá" - dự án được thành lập bởi các bạn học sinh, sinh viên và các bạn trẻ đang học tập, sinh sống tại TP.HCM.
Rác đã phân loại cũng là tài nguyên
Dự án Nhà nhiều lá được thành lập từ giữa năm 2021 do Hoàng Quý Bình, cựu sinh viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và một số bạn trẻ cùng sáng lập. Đây là một trong những dự án về môi trường của Bình khi vào TP.HCM.
Năm 2018 Bình đã xây dựng dự án tương tự tại Hà Nội mang tên Green Life. Cả 2 dự án đều tổ chức các hoạt động như: đổi giấy lấy cây, đổi rác lấy quà, làm xà phòng tái chế, thu gom rác thải... hướng đến các giải pháp sống xanh, góp phần bảo vệ môi trường.
Từ khi còn là sinh viên, Bình nhận thấy sau mỗi kỳ thi có rất nhiều giấy bìa vụn, sách vở, giáo trình, đồ dùng học tập không còn được sử dụng gây ra sự lãng phí. Sau khi tìm hiểu thông tin, Bình bắt tay vào xây dựng đội nhóm, tổ chức các dự án sống xanh, thu gom giấy và các vật liệu có thể mang đi tái chế.
Quý Bình chia sẻ: “Thông qua hoạt động này mình mong muốn mọi người hiểu được giá trị của rác khi được phân loại và tái chế. Rác đã phân loại cũng là một nguồn tài nguyên mà chúng ta không nên vứt bỏ. Tái chế một tấn giấy có thể cứu được 17 cây xanh tự nhiên trên 10 năm tuổi. Qua đó phần nào giúp mọi người thấy được thấy được giá trị của giấy và thay vì vứt giấy vào thùng rác mọi người sẽ gom lại để tái chế, đây cũng là một phần của việc thực hành lối sống xanh”.
Lan tỏa lối sống xanh
Tuy chỉ mới tuần đầu tiên tổ chức nhưng hoạt động đổi giấy lấy cây đã được đông đảo mọi người đón nhận và quan tâm. Từ học sinh, sinh viên đến các bậc phụ huynh và cả những người lớn tuổi.
Cây xanh được phân loại theo số sao, mỗi sao có giá 10.000 đồng. Với 3kg các loại giấy photo, vở học sinh đã qua sử dụng hoặc 5kg sách giáo khoa, sách truyện, báo tạp chí, sẽ được quy đổi 1 sao.
Người tham gia có thể mang giấy đổi lấy các loại cây như sen đá, xương rồng, hương thảo, bạc hà, tùng thơm, xạ hương, nguyệt quế hay những cây nội thất như kim tiền, kim ngân, lưỡi hổ, lá may mắn...
Sau hai ngày triển khai, "Nhà nhiều lá" đã thu được hơn 2 tấn giấy, nhận được 700 cuốn sách, truyện được quyên góp từ hơn 2.500 người tham gia. Số sách, truyện thu được sẽ đưa vào thư viện của "Nhà nhiều lá" và chia sẻ đến các thư viện khu vực phía Nam, mở các tủ sách cho các bé ở vùng khó khăn, bệnh viện. Riêng đồ dùng học tập cũ dùng để tặng lại các dự án xã hội, giấy vụn để tái sử dụng và tái chế.
Có mặt tại điểm đổi giấy lấy cây, bạn Nguyễn Đặng Khánh My (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) phấn khởi khi chuẩn bị có những chậu cây để trang trí trong căn phòng. Khánh My cho biết, trước kia những giấy vụn trong gia đình đều đem vứt bỏ, thông qua người bạn, My biết tới hoạt động này và mang 15kg giấy tới để tham gia.
"Hoạt động này giúp mình dọn được bớt những đồ không cần thiết, vừa có thể đổi lấy những chậu cây nhỏ xinh trang trí góc làm việc và góp phần bảo vệ môi trường. Vì vậy, mình thường rủ bạn bè tham gia các sự kiện ý nghĩa như thế này”, Khánh My cho hay.
Hoạt động này không chỉ thu hút bạn trẻ mà nhiều bậc phụ huynh cũng đưa con nhỏ tới tham gia, trải nghiệm.
Anh Vũ Văn Giang (ngụ Bình Tân, TP.HCM) dẫn con trai đến đổi giấy lấy cây chia sẻ: "Tôi đưa con đi để con trở về với thiên nhiên, tập cho bé thói quen trồng cây, bảo vệ môi trường. Đồng thời giúp bé có thể sớm thấy được ý nghĩa của việc tái sử dụng, hơn hết bé cũng rất thích cây xanh”.
Theo anh Giang, đống giấy con anh mang tới là thu thập hàng ngày từ việc học trên lớp. Bình thường, thầy cô giáo cũng dạy con không được xả rác bừa bãi và trồng thêm nhiều cây xanh để bảo vệ môi trường.
"Hoạt động này có ý nghĩa rất tốt để giáo dục các em về ý thức bảo vệ môi trường, thay vì chỉ đổi rác để lấy cây. Đó là mục tiêu lớn nhất mà dự án hướng tới”, Bình cho hay.
Hoạt động đổi giấy lấy cây không chỉ góp phần nâng cao giá trị của những sản phẩm đã qua sử dụng mà còn góp phần thay đổi thói quen, nhận thức về các vấn đề liên quan đến môi trường hiện nay, từ đó sẽ hình thành những thói quen, lối sống tích cực trong việc bảo vệ môi trường.
Bình luận