• Zalo

Chỉ 1,84% lao động thất nghiệp: Vì sao quan chức QH không tin?

Thời sựChủ Nhật, 28/09/2014 07:45:00 +07:00Google News

(VTC News) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng tỷ lệ 1,84% lao động Việt Nam thất nghiệp là con số ‘chưa có cơ sở'.

(VTC News) –  Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng tỷ lệ 1,84% lao động Việt Nam thất nghiệp là con số ‘chưa có cơ sở', không đáng tin cậy.

“Việt Nam có tỷ lệ thất nghiệp vào mức thấp nhất thế giới, với tỷ lệ là 1,84%”. Cách đây gần một tháng, thông tin này đã từng khiến dư luận giật mình.

Rất nhiều người tỏ ra hoài nghi, cho rằng đó là con số “hài hước”. Ngay cả bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Nguyên chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cũng đánh giá đó là sự ‘lạc quan tếu”.

Tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam chỉ 1,84% là con số khó tin, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang nhiều khó khăn như hiện nay

Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu với chủ đề bàn về tái cơ cấu nền kinh tế vốn không liên quan nhiều đến việc làm, thất nghiệp, song vấn đề này đã được hun nóng bằng tranh luận khá ‘gay gắt’ giữa Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội và đại diện Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 28/9, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội một lần nữa khẳng định tỷ lệ thất nghiệp 1,84% là “con số đáng tin cậy”, vì nó dựa trên phương pháp thống kê chuẩn của Tổng cục thống kê. 

“Mặc dù khi đưa ra con số này đã có những bình luận khá gay gắt, song phải khẳng định đây là con số đáng tin cậy. Tỷ lệ thất nghiệp thấp không phải không đáng tin cậy mà là đáng buồn”, bà Hương nói.

Tuy nhiên, đến phần phát biểu của mình, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã phản bác lại ý kiến này.
Ông Lợi cho rằng, con số 1,84% được điều tra và công bố vừa qua không phải của Bộ Lao động Xã hội thực hiện mà đây là phương pháp tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). “Phương pháp không đúng và không phù hợp với thực tiễn Việt Nam”, ông Lợi khẳng định. 

Theo ông Lợi, cách tính lao động thất nghiệp của ILO từ số lượng người mất việc làm trên tổng lực lượng lao động xã hội, và nguy hiểm nhất là họ chỉ điều tra trong 7 ngày. “Ngay cách ILO chọn 500 nghìn hộ cũng không chính xác, nên kết quả điều tra không có cơ sở khoa học”
Ngoài ra, ông Lợi cho rằng, các nước họ điều tra lao động dựa trên cơ sở người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng Việt Nam lại rất khó áp dụng cách này. 

“Tại sao khi công bố con số này người ta cứ la lên, cứ không tin? Vì doanh nghiệp thì phá sản, lao động khu vực có quan hệ lao động lại đang chạy về khu vực không có quan hệ lao động, còn lao động nông thôn lại không chuyển về khu công nghiệp, đô thị. Vì thế chúng ta không thể xử lý được bài toán thất nghiệp”, ông Lợi nói.

Đề cập đến chất lượng nguồn lao động, theo mục tiêu phấn đấu trong năm nay chúng ta sẽ đạt 52% lực lượng lao động được qua đào tạo, đến giờ này đã đạt 49%. 

Tuy nhiên theo ông Lợi thì “đào tạo của ta rất kỳ lạ, khi chỉ học 3 ngày cũng trở thành lao động qua đào tạo, không có bằng cấp cũng gọi là qua đào tạo. Điều này dẫn đến năng suất lao động xã hội rất thấp, thậm chí còn thấp nhất trong khu vực. Nó cũng lý giải thêm về con số thất nghiệp của chúng ta hiện nay”.

Theo bản tin Cập nhật thị trường lao động số 3 năm 2014 được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố ngày 3/9, tỷ lệ thất nghiệp của cả nước là 1,84%, thấp nhất trong vòng một năm qua. So với quý I/2014, nhóm người bị thất nghiệp không có chuyên môn kỹ thuật giảm 108.000; nhóm người bị thất nghiệp có trình độ cao đẳng giảm 17.100 và nhóm người bị thất nghiệp có trình độ đại học trở lên giảm 15.400 người.

Lan Uyên
Bình luận
vtcnews.vn