• Zalo

'Chết yểu' như tài năng truyền hình thực tế

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 26/07/2013 02:15:00 +07:00Google News

(VTC News) – Khi các cuộc thi trên truyền hình càng nở rộ cũng là lúc tương lai của các thí sinh trở nên mù mịt.

(VTC News) – Khi các cuộc thi trên truyền hình càng nở rộ cũng là lúc tương lai của các thí sinh trở nên mù mịt.

Một vài năm trở lại đây, các cuộc thi truyền hình thực tế mọc lên nhan nhản. Những chương trình như Giọng hát Việt, Vietnam Idol, The Winner Is phiên bản Việt… hay sắp tới đây là X-Factor được xem là bệ phóng cho các gương mặt mới.

Ở đây, những ai có khả năng ca hát đôi chút đều có thể tìm kiếm danh vọng cho mình một cách dễ dàng. Bởi chỉ cần lên sóng một vài buổi, từ một giọng ca 'cấp trường, cấp phường' cũng được nâng tầm lên thành ca sỹ, thậm chí nghệ sỹ biểu diễn.
Giọng hát Việt
Các cuộc thi truyền hình thực tế thời điểm này dường như đã không còn sức hút mạnh mẽ. 
Thế nhưng sức sống của các tài năng bước ra từ những chương trình thực tế không dài lâu. Hầu hết họ chỉ là những ngôi sao vụt sáng rồi tắt sau một đêm.

Trước kia, khi Sao mai điểm hẹn còn là một cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát 'độc chiếm' sóng truyền hình cũng như cảm tình của khán giả, thì một thế hệ ca sỹ mới đầy triển vọng đi ra từ cuộc thi đã chiếm lĩnh được thị trường âm nhạc như Tùng Dương, Ngọc Khuê, Hà Anh Tuấn, Phương Linh,...

Nhưng ở thời điểm hiện tại, khán giả đã 'bội thực' với các chương trình tìm kiếm tài năng ca hát trên truyền hình, thì chẳng còn mấy cái tên sống nổi qua một vài mùa phát sóng.

Bởi khán giả chưa kịp 'nhớ mặt đặt tên' các thí sinh từ cuộc thi này thì một lớp thí sinh mới ở cuộc thi khác hoặc một mùa thi tiếp theo đã lại xuất hiện. Đấy cũng là một trong những yếu tố khiến cho các thí sinh bước ra từ truyền hình thực tế sớm bị nhạt nhòa.

Để lôi kéo được sự chú ý của khán giả cũng như của giới truyền thông, cuộc thi nào cũng buộc phải có scandal đình đám hoặc chọn ra một vài gương mặt có khả năng 'gây bão' trên mặt báo.

Những sự kiện không thể không nhớ đến đó là scandal tình cảm giữa nhạc sỹ Phương Uyên với thí sinh Thiều Bảo Trang trong Giọng hát Việt mùa đầu; Hương Giang Idol tiến được vào sâu Vietnam Idol 2012 nhờ câu chuyện chuyển giới làm 'nghiêng ngả' cộng đồng mạng… 

Không thể khẳng định đây là những sự việc do chính BTC các cuộc thi 'dàn xếp' để gây tiếng vang cho chương trình nhưng cũng không phủ nhận được tính hiệu quả của nó, dù ít dù nhiều.

Các cuộc thi hiện quá nhiều, thí sinh quanh đi quẩn lại cũng chỉ có ngần ấy khuôn mặt, đến nỗi nhiều khán giả đã phải thốt lên 'lại người cũ' khi xem truyền hình thực tế. Thế nên, nếu không tạo được 'sóng dư luận' liệu có cuộc thi nào được nhớ đến, được quan tâm khi yếu tố thí sinh gây nên nhàm chán cho khán giả như vậy?
Hương Tràm
Hương Tràm, quán quân Giọng hát Việt 2012 cũng chưa gây được ấn tượng mạnh sau khi rời khỏi cuộc thi. 
Tuy nhiên, không khó nhận ra sức hút của chương trình chỉ là sự đảm bảo rất nhỏ cho các thí sinh bước ra có thể thành công, nếu không thật sự có tài nổi bật. Bằng chứng rõ nhất đó là quán quân Vietnam Idol 2008 Quốc Thiên. 

Được đánh giá là có ngoại hình sáng, giọng hát giàu cảm xúc và ngay khi kết thúc Vietnam Idol, Quốc Thiên đã được nhà sản xuất âm nhạc – nhạc sỹ Đức Trí đưa về công ty của mình nhưng không thực sự bật được lên. Ngay cả Phương Vy, quán quân Vietnam Idol 2007 cũng không ngoại lệ, dù xét ở góc độ giải trí, ca sỹ nữ sẽ có nhiều lợi thế hơn.

Gần đây nhất là các thí sinh bước ra từ Giọng hát Việt. Những cái tên 'gây sốt' trong suốt thời gian diễn ra cuộc thi với giọng hát không phải là tệ, hay yếu kém về mặt chuyên môn như: Nguyễn Khánh Phương Linh, Thủy Đặng, Đinh Hương, Đào Bá Lộc… Nhưng sau khi bước ra thị trường âm nhạc, những sản phẩm của họ chỉ gây được sự chú ý trong thời gian ngắn. 

Giọng hát Việt mùa thứ hai đã đi gần được một nửa chằng đường, nhưng thí sinh mùa đầu tiên hầu hết vẫn còn nhạt nhòa trên thị trường âm nhạc. MV Ngại ngùng của quán quân Giọng hát Việt mùa đầu tiên, Hương Tràm, chưa tạo nên được cơn sốt như mong đợi. 

Những giọng hát định hình được cá tính riêng trong âm nhạc như Bùi Anh Tuấn hay Trúc Nhân hiện cũng rơi vào im lặng. Trong đó, Bùi Anh Tuấn là một trường hợp đáng tiếc khi anh liên tục 'ngủ quên' trên chiến thắng khiến những người khó tính có ác cảm lây đến cả chương trình Giọng hát Việt, lẫn các thí sinh khác đi ra từ cuộc thi này.

Lý giải cho tương lai khá… mù mịt của các thí sinh bước ra từ truyền hình thực tế không khó. Việc khán giả cùng một lúc đón nhận quá nhiều cuộc thi cùng lúc dễ khiến họ phân tán cảm xúc. Chưa kịp quen mặt, nhớ tên thí sinh này hay tiếp cận sản phẩm âm nhạc của thí sinh. Họ đã gặp phải một loạt các gương mặt mới hoặc thậm chí là rất cũ trong các cuộc thi khác đi tìm vận may.

Nghĩa là, nếu tinh ý, ai cũng có thể nhận ra ngay thực tế: các ca sỹ dù thành công ở những cuộc thi nhưng vẫn loay hoay với con đường mình lựa chọn. Hẳn điều này làm vơi đi chút nào đó lòng tin từ khán giả đối với thí sinh của truyền hình thực tế. 
Vietnam's Got Talent
 Cuộc thi thì ngày càng nhiều nhưng nhân tài thực sự đều chưa thấy.
Một yếu tố khác khiến niềm tin khán giả đặt vào các thí sinh truyền hình thực tế dù không thực sự được xác nhận công khai nhưng cũng không tránh khỏi nghi ngại của khán giả đó là sự thiếu minh bạch trong các chương trình dù đã không ít lần BTC đã lên tiếng phủ nhận.

Nhưng với kiểu công bố phần trăm tin nhắn mập mờ và hàng loạt sự cố tổng đài không cho bình chọn trong các đêm chung kết, hay lỗi nhầm số báo danh trong quá trình bình chọn của Vietnam Idol, Giọng hát Việt, Vietnam's Got Talent,... góp phần không nhỏ vào sự quay lưng của khán giả với truyền hình thực tế.

Bởi ở đó, dường như người xem có cảm giác bị 'lợi dụng' khi được đưa ra làm bình phong cho 'tính minh bạch' về kết quả của chương trình. Dù rằng, chưa bao giờ, những người nhắn tin bình chọn được biết tin nhắn mình đã bỏ tiền ra bình chọn đi đâu về đâu trong cái con số 'mờ ảo' mà các chương trình đưa ra kia.

Không thể phủ nhận sức lan tỏa của các cuộc thi truyền hình thực tế bởi khi được phát sóng vào các 'giờ vàng', nhà sản xuất thu về tay mình một món tiền không nhỏ từ các đơn vị đặt quảng cáo.

Thế nhưng, ở bối cảnh thị trường âm nhạc đang trở nên 'tạp pí lù' như hiện nay, cứ mỗi một cuộc thi nổ ra là các thí sinh – dù chưa được công nhận hay mới chỉ được biết đến qua một vài vòng đầu đã vội vã tự nhận mình là ca sỹ thì liệu việc làm giàu như thế có trở thành ích kỷ không? 

Dường như, cơ quan văn hóa, nhà sản xuất đang quá dễ dãi, chấp nhận cho việc 'thỏa sức với đam mê' của những người kiếm tìm danh vọng ở truyền hình thực tế mà quên mất đi điều cần làm hơn cả là nghĩ cách định hình lại, trật tự và ổn định lại đời sống của các chương trình này để tránh nhiễu loạn đời sống văn hóa – giải trí.

An Hiếu
Bình luận
vtcnews.vn