• Zalo

'Chết' vì chồn nhung đen: Nhà chức trách lên tiếng

Kinh tếThứ Hai, 08/04/2013 07:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Cục Chăn nuôi lên tiếng trước cảnh báo về cái chết của nông dân nuôi chồn nhung đen đã thành sự thật.

(VTC News) – Cục Chăn nuôi lên tiếng trước cảnh báo về cái chết của nông dân nuôi chồn nhung đen đã thành sự thật.

Trong khi cơ quan quản lý nhà nước khẳng định đã yêu cầu các địa phương không được phép cho nuôi và phát triển đàn chồn nhung đen trong dân, lãnh đạo địa phương lại khẳng định không có công văn chỉ đạo, khuyến cáo nào từ cấp trên!

Tuy nhiên, có lẽ câu chuyện chồn nhung đen không nằm trong danh sách vật nuôi ở Việt Nam mà chính quyền địa phương vẫn làm ngơ thì thực sự là sự vô trách nhiệm.

Để làm rõ câu chuyện về con chồn nhung đen và việc quản lý các mô hình chăn nuôi nông nghiệp, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi về vấn đề này.

- Cách đây khoảng 3 -4 tháng, khi báo chí rầm rộ đưa tin về việc nuôi chồn nhung đen theo mô hình đa cấp tại một số địa phương, Cục Chăn nuôi có khẳng định con chồn nhung đen không nằm trong danh sách vật nuôi ở Việt Nam và yêu cầu Viện Chăn nuôi có báo cáo cụ thể về con vật này. Thưa ông, đến nay đã có kết quả báo cáo chưa?

- Theo hội nghị gần đây nhất do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám chủ trì tuần trước cùng với Viện Chăn nuôi và Cục Chăn nuôi thì, sau khi báo chí đưa tin, Viện Chăn nuôi sẽ có báo cáo cụ thể và nghiệm thu kết quả nuôi khảo nghiệm.

Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi 
Bên Viện Chăn nuôi báo cáo là chồn nhung đen là động vật ngoại lại và không xâm phạm. Tất nhiên, đây mới chỉ là báo cáo ban đầu, phải chờ các văn bản chính thức của cơ quan Nhà nước thì mới nghiệm thu kết quả khảo nghiệm này và làm các bước tiếp theo.

- Vậy từ đó đến nay, Cục Chăn nuôi có khuyến cáo hay biện pháp gì để quản lý việc người dân tự ý nuôi con chồn nhung đen này không?

- Thực chất con chồn nhung đen cho đến bây giờ khi báo chí đã đưa tin, Cục chăn nuôi cũng đã có văn bản gửi cho tất cả Sở Nông nghiệp kiểm tra, kiểm soát việc đó, không cho phát tán và tiếp tục nuôi chồn nhung đen vì chồn nhung đen chưa có trong danh mục vật nuôi được phép nuôi và kinh doanh.

 

Cục chăn nuôi cũng đã có văn bản gửi cho tất cả Sở Nông nghiệp kiểm tra, kiểm soát việc đó, không cho phát tán và tiếp tục nuôi chồn nhung đen vì chồn nhung đen chưa có trong danh mục vật nuôi được phép nuôi và kinh doanh.

Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi
 
Năm 2007 Viện Chăn nuôi có nhập một số còn chồn nhung đen về nuôi khảo nghiệm. Nhưng sau đó do chưa đủ kinh phí nên Viện Chăn nuôi chưa nhập được. Đến năm 2009, theo dự án DA 15 giữa Bộ Công an và Bộ Nông nghiệp, Tổng cục 5 có nhập về 50 con chồn nhung đen và giao cho Viện Chăn nuôi để nuôi khảo nghiệm. Viện Chăn nuôi đã nuôi từ năm 2009 đến nay.


Trong bối cảnh đó, Cục Chăn nuôi cũng yêu cầu Viện phải có báo cáo nuôi khảo nghiệm, trên cơ sở đó định hướng sử dụng con chồn nhung đen này để làm gì, lấy thịt hay làm gì khác.

Đặc biệt, phải xác định chồn nhung đen có phải là động vật ngoại lai xâm phạm hay không. Nếu không phải thì phải có định hướng nuôi để làm gì cụ thể. Trên cơ sở đó đưa nó vào danh mục động vật được phép nuôi trồng, sản xuất và kinh doanh của Việt Nam. Khi nó có tên trong danh mục giống vật nuôi thì người dân và các cơ sở mới được phép nuôi.

- Còn về bệnh dịch, hiện đã có kết quả hay báo cáo nào chưa thưa ông?

- Cho đến giờ phút này chưa có nghiên cứu nào nói về dịch bệnh của nó như thế nào, nhưng có nghiên cứu nói là nó có một số bệnh như ở trên con thỏ, các bệnh với con thỏ thì cũng ít ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Con này, sauchắc là nuôi để lấy thịt như con thỏ. Theo báo cáo tại hội nghị tuần trước của Viện Chăn nuôi con chồn này sử dụng tinh bột 10%, còn ăn rau, quả là chính nên sử dụng lấy thịt là chủ yếu, còn để làm sản phẩm khác thì chưa có kết luận cụ thể.

Con này năng suất sinh sản và lấy thịt không cao. Nói chung không phải dễ nuôi nên sau này có đưa vào danh mục giống thì cũng không phải con thế mạnh của vật nuôi Việt Nam.

- Ngoài việc, chồn nhung đen chưa có tên trong danh mục vật nuôi Việt Nam, thì báo chí cũng phản ánh rất cụ thể về mô hình kinh doanh đa cấp động vật này. Vậy Cục đã tiến hành kiểm tra và xử lý chưa?


- Sau khi có thông tin báo chí đưa về việc nuôi chồn đa cấp, Cục Chăn nuôi đã có công văn gửi các Sở Nông nghiệp yêu cầu báo cáo cụ thể và kiểm tra, kiểm soát việc nuôi chồn theo mô hình này. Đồng thời, nghiêm cấm nuôi và phát tán chồn nhung đen.

Đồng thời Cục Chăn nuôi cũng yêu cầu các tỉnh báo cáo số lượng trang trại và chồn nhung đen tại các cơ sở. Chúng tôi đã nhận được 40 tỉnh có báo cáo, trong đó có 28 tỉnh với 293 cơ sở nuôi chồn nhung đen.

Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ có văn bản đề nghị với Bộ Nông nghiệp và cơ quan chức năng, pháp luật để xử lý các trường hợp nuôi và phát tán chồn nhung đen theo mô hình đa cấp. Sẽ có xử lý kịp thời để không gây thiệt hại và hoang mang cho các hộ dân hiện đang nuôi chồn nhung đen.

- Việc người dân nuôi chồn nhung đen đã xảy ra từ khá lâu rồi, báo chí cũng phản ánh rồi, nhưng Cục Chăn nuôi chính thức biết việc này từ khi nào?

- Chúng tôi biết nuôi khảo nghiệm từ 2009, còn nuôi trong dân biết từ cuối tháng 12/2012. Khi biết đã có công văn kịp thời với các tỉnh.

- Biết như vậy có phải là quá muộn không thưa ông?

- Thực chất Cục Chăn nuôi không thể đi sát xuống từng hộ nông dân của 63 tỉnh thành được, nên có những con biết được ngay, còn những con không thể biết được.

Chồn nhung đen có nhiều nguồn mang về như xách tay hay nhập khẩu,… Tất cả các nguồn này đều vi phạm vì các con không có trong danh mục vật nuôi thì không được phép tự ý nhập và mang về nuôi. Không ai sẽ kiểm soát được nó có mang dịch bệnh gì về hay không, nuôi để làm gì, nhất là có phải động vật xâm hại hay không. Vấn đề rất nan giải chứ không phải là chỉ đơn giản là các kênh tuyên truyền đưa tin.

- Vậy từ thời điểm Cục biết đến nay cũng đã hơn 4 tháng, nhưng vẫn chưa có báo cáo đánh giá tác động của con vật này cũng như chưa xử lý trường hợp vi phạm nào, như vậy có phải cơ quan quản lý đã quá chậm trễ không?   
  
               
                            

- Việc chậm trễ này có nhiều yếu tố khách quan. Tất nhiên qua các thông tin và báo cáo chúng tôi đã có những chỉ đạo cụ thể, nhưng chính cả ở địa phương cũng chậm nên ảnh hưởng tới việc quản lý và phát tán chồn nhung đen trên diện rộng, thiệt hại kinh tế của người dân.

Chúng tôi cũng khuyến cáo các hộ dân hiện đang nuôi là không nên bỏ đi, mà tạm thời nên giữ nó, sau đó chờ chủ trương của Nhà nước để xem có tiếp tục nuôi nữa hay không.

 

Các địa phương phải có biện pháp tức thời để khống chế ngay việc này, tránh việc người dân không có điều kiện nuôi nữa, vất ra ngoài đường có thể ảnh hưởng đến môi trường, giả sử có bệnh liên quan đến con người và vật nuôi sẽ ảnh hưởng đến sản xuất chung.

Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi
 
Thực chất cái này không phải quá muộn hay quá sớm vì khi việc tuyên truyền mang tính tự phát của một số đối tượng lừa đảo người dân với số lãi lớn, thì cũng làm cho đàn chồn phát triển rất nhanh.


Còn với cơ quan quản lý nhà nước, không chỉ có chuyện con chồn nhung đen mà còn rất nhiều việc khác. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo kịp thời cũng như làm tất cả các văn bản đề xuất rất kịp thời, nhưng vấn đề là triển khai làm sao.

Việc đưa ra một văn bản cũng không thể nhanh được, thủ tục để hoàn thiện văn bản mất ít nhất cũng khoảng 3 – 5 tháng mới ra được văn bản chính thức. Vì còn báo cáo khảo nghiệm, đề xuất, đưa vào danh mục giống, quá trình này cũng kéo dài ít nhất 3 tháng.

- Như ông nói là đã ngay lập tức có các chỉ đạo tới địa phương, nhưng tại xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, một trong những địa phương có các hộ dân nuôi chồn nhung đen theo mô hình đa cấp, nhưng chính quyền xã lại khẳng định là chưa có một văn bản hay chỉ đạo nào từ cấp trên?

- Pháp lệnh giống, vật nuôi đã được phổ cập nhiều năm nay, các giống vật nuôi nào được phép sản xuất kinh doanh, giống vật nuôi nào bị cấm, thì các lãnh đạo địa phương phải biết được điều đấy. Nếu không có trong danh mục vật nuôi thì không được phép cho dân nuôi.

Thực chất là các địa phương không để ý các văn bản nhà nước quy định, mà các văn bản này đối với quản lý nhà nước ở địa phương phải nắm được, Sở Nông nghiệp hay các phòng chuyên môn thì phải nắm được các văn bản này thì mới có thể kiểm tra, kiểm soát được không chỉ số lượng mà còn dịch bệnh và phòng dịch nữa.

Tôi cho rằng, chính quyền địa phương cần có các biện pháp kiểm soát ngay vấn đề này, chứ không thể chờ cơ quan quản lý được vì khi đó đã quá muộn.

- Đối với nhiều hộ dân đang đứng trước nguy cơ mất trắng tiền từ việc nuôi chồn nhung đen theo mô hình đa cấp, Cục có đề xuất hỗ trợ gì cho người dân không?

Không thể hỗ trợ được những người chăn nuôi các con vật không hợp pháp, dân nuôi bất hợp pháp mà nghe tin tuyên truyền không đúng sự thật dẫn đến thiệt hại về kinh tế thì không thể hỗ trợ được.

Vấn đề là các địa phương cũng phải có biện pháp tức thời để khống chế ngay việc này, tránh việc người dân không có điều kiện nuôi nữa, vất ra ngoài đường có thể ảnh hưởng đến môi trường, giả sử có bệnh liên quan đến con người và vật nuôi sẽ ảnh hưởng đến sản xuất chung.

Có 2 bài học trước đây của Việt Nam là ốc bươu vàng và con hải ly. Hậu quả của ốc bươu vàng đến nay giải quyết vẫn chưa xong. Nhưng chồn nhung đen chưa đến mức độ như thế vì đã có bc sơ bộ về kết quả nuôi khảo nghiệm này. Rất may là nó không nằm trong động vật xâm hại.

Trong vài ngày tới đây, chúng tôi sẽ có văn bản đề nghị với Bộ Nông nghiệp và cơ quan chức năng để có biện pháp chặt chẽ hơn để hạn chế nguy cơ người dân ném và phát tán ra môi trường. Kể cả khi không lây bệnh dịch thì nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng rất cao.

Xin cảm ơn ông!

Châu Anh(thực hiện)


Bình luận
vtcnews.vn