• Zalo

Chết lặng khi tưởng mang bầu hóa ra bị ung thư

Sức khỏeThứ Sáu, 28/10/2016 09:00:00 +07:00Google News

Chưa kịp mừng khi thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu có thai, chị Linh chết lặng khi biết mình bị ung thư nhau thai.

Chị Mai Thị Linh, 29 tuổi (Hà Nội) lấy chồng được một năm, mặc dù không kế hoạch nhưng mãi không có bầu. Hai vợ chồng rất lo lắng, đi khám tại nhiều bệnh viện nhưng không tìm ra nguyên nhân.

Thời gian gần đây, Linh thấy hay buồn nôn, có dấu hiệu chậm kinh nên chị tin là mình có thai.

Cảm giác buồn nôn ngày càng nhiều, chị lại hay thèm ăn của chua nên cả nhà ai cũng mừng vì nghĩ đã có tin vui. Mẹ chồng Linh sung sướng ra mặt, liên tục tẩm bổ, giữ gìn cho chị, nhưng đặc biệt bà không cho chị đi siêu âm mà bảo đợi đến 12 tuần mới đi kiểm tra vì “sợ ảnh hưởng đến cháu”.

Sang tháng thứ 3 của thai kỳ, bỗng dưng chị Linh đau bụng, chảy máu âm đạo bất thường, chân phù nề sớm, bụng to nhanh và lớn hơn nhiều so với tuổi thai. Đi khám ở bệnh viện Phụ sản Trung Ương, bác sỹ không thấy tim thai mà chỉ là lốm đốm như chùm nho, bác sĩ nghi chửa trứng.

cach-tam-cho-ba-bau-vao-mua-dong

 Nhiều người bỏ qua dấu hiệu ung thư nhau thai vì nghĩ mang thai

Tuy nhiên sau khi kiểm tra, bác sĩ không thấy có dấu hiệu bất thường của chửa trứng. Nghi ngờ đó là khối u, chị Linh được giới thiệu sang bệnh viện K Trung Ương. Kết quả xét nghiệm tại đây khiến cả gia đình chết lặng: Linh bị ung thư nhau thai đã có di căn.

Dấu hiệu của ung thư nhau thai

PGS. TS Nguyễn Nghiêm Luật (nguyên Trưởng bộ môn Hóa - Sinh trường Đại Học Y Hà Nội, Giám đốc chuyên môn của bệnh viện đa khoa Medlatec) cho biết, trường hợp như chị Linh không phải là hiếm gặp.

Ung thư nhau thai còn gọi là ung thư nguyên bào nuôi (Choriocarcinoma) xuất hiện khá nhiều ở Việt Nam và các quốc gia châu Á khác với khoảng 30/1.000 ca sinh và 2,6/1.000 ca có thai.

Loại ung thư này có nguồn gốc từ sự đột biến gien của những tế bào nuôi, một thành phần trong số những tế bào chịu trách nhiệm hình thành các tổ chức có nhiệm vụ nuôi dưỡng bào thai như: bánh nhau, cuống rốn…Và thường rất hay gặp ở những sản phụ sau nạo hút thai chửa trứng.

Do vậy, những sản phụ sau chửa trứng cần theo cần phải được theo dõi liên tục, 2 tuần 1 lần trong 3 tháng đầu, 4 tuần 1 lần trong 6 tháng kế tiếp và 8 tuần 1 lần trong 8 tháng tiếp theo.

Những dấu hiệu điển hình của ung thư nhau thai là chảy máu âm đạo bất thường, nghén nặng, chân phù nề sớm, bụng to nhanh và lớn hơn nhiều so với tuổi thai,…

PGS. TS Nguyễn Nghiêm Luật cho biết thêm, góp phần phát hiện sớm để điều trị kịp thời, chất chỉ điểm ung thư sẽ làm tăng cơ hội chữa khỏi bệnh hoặc kéo dài sự sống với trường hợp phát hiện kịp thời bệnh. β-hCG là dấu ấn khối u có thể được sử dụng trong chẩn đoán ung thư nhau thai.

Trong bệnh nguyên bào lá nuôi thai ác tính mức độ β-hCG tăng hình cao nguyên trong ít nhất trong 3 tuần. β-hCG cũng tăng trong ung thư biểu mô nhau (choriocarcinoma), ung thư biểu mô phôi và u đa phôi (polyembryomas).

Khi bệnh nhân có nghi ngờ bị ung thư nhau thai, cần làm một số khảo sát và xét nghiệm cận lâm sàng để hỗ trợ thêm cho việc chẩn đoán như: sự tăng cao bất thường của nồng độ Beta hCG trong máu và trong nước tiểu. Siêu âm bụng sẽ giúp xác nhận tình trạng không có thai trong tử cung và cho phép các bác sĩ tiến hành nạo lòng tử cung để sinh thiết.

Ngoài ra, qua siêu âm, các bác sĩ có thể phát hiện các di căn ở gan. Chụp Xquang phổi cũng cần để giúp phát hiện các di căn phổi nếu có.

Phòng tránh và điều trị

Để phòng tránh ung thư nhau thai cũng như tai biến sản khoa, trước khi có kế hoạch sinh con, người phụ nữ nên đi khám sức khỏe tổng quát, khám phụ khoa, chích ngừa cúm, Rubella (nếu chưa có kháng thể IgG).

Khi biết có thai, nên đi khám ngay, để xác định tình trạng thai, có kế hoạch theo dõi, thăm khám tốt, nhằm tránh phát hiện muộn những trường hợp thai bất thường như thai ngoài tử cung, thai trứng, thai lưu, thai dị tật.

Sau khi sinh nếu có những dấu hiệu bất thường như ra huyết kéo dài cần phải được kiểm tra để tránh phát hiện bệnh muộn.

Hiện nay, để điều trị ung thư nhau thai có nhiều biện pháp. Phẫu thuật nhằm loại bỏ tận gốc ổ ung thư, lấy các nhân di căn, có thể cắt tử cung hoàn toàn và hai buồng trứng tuỳ từng trường hợp cụ thể.

Ngoài ra điều trị hóa chất, tia xạ trị. Với những người vẫn có nguyện vọng sinh con sau khi phẫu thuật ung thư nhau thai thì cần chú ý, chỉ nên có thai sau 1 năm kể từ ngày chữa bệnh và trong quá trình mang thai cần phải theo dõi chặt chẽ để kịp thời điều trị các biến chứng ác tính sau đó.

Video: Phát minh mới thuốc tránh thai cho đàn ông

Tiến Quân
Bình luận
vtcnews.vn