Sau giai đoạn tăng liên tục từ cuối tháng 9, giá vàng thế giới ghi nhận xu hướng giảm từ đầu tuần này. Theo đó, giá vàng giao ngay trên sàn New York chốt phiên gần nhất giảm 11,8 USD (0,63%), đóng cửa ở mức 1.850,4 USD/ounce.
Tương tự, giá vàng khu vực châu Á giao dịch trên sàn Kitco hiện dao động quanh mức 1.854,6 USD/ounce, thấp hơn 6 USD so với phiên liền trước. Đây đã là phiên giảm thứ 2 liên tiếp của vàng vật chất trên thị trường quốc tế sau chuỗi 8 phiên tăng liên tiếp trước đó.
Tuy nhiên, vàng giao ngay hiện vẫn giao dịch quanh vùng giá cao nhất 5 tháng trở lại đây. Trên thị trường tương lai, giá hợp đồng vàng giao tháng 12 hiện cố định ở mức 1.852 USD/ounce, giảm 14,6 USD (0,78%) so với phiên liền trước.
Theo ông Gary Wagner, chuyên gia phân tích tại Kitco, giá vàng thế giới giảm sau khi Cục Điều tra Dân số Mỹ công bố số liệu ước tính về doanh số bán lẻ và dịch vụ tháng 10 và Cục Dự trữ Liên bang (FED) công bố số liệu sản xuất công nghiệp trong tháng.
Cả 2 báo cáo đều chỉ ra hoạt động sản xuất và tiêu dùng tại Mỹ đã cải thiện đáng kể so với tháng 9. Thông tin này khiến sức mạnh đồng USD tăng lên và tác động trực tiếp khiến giá vàng giảm.
Khoảng 2/3 mức giảm của giá vàng phiên vừa qua đến từ việc đồng USD tăng lên. Chỉ số USD-Index đo sức mạnh đồng bạc xanh tăng 0,55% đêm qua, hiện cố định ở mức 95,925 điểm, vùng cao nhất kể từ tháng 7/2020.
Trong khi giá vàng thế giới giảm hơn 0,63%, giá vàng trong nước vẫn giữ xu hướng tăng đã khiến chênh lệch giữa 2 thị trường đạt mức cao kỷ lục.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) sáng nay niêm yết giá vàng miếng ở mức 61 - 61,75 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giảm 50.000 đồng so với cuối ngày hôm qua nhưng so với cùng giờ sáng, giá tại đây tăng tới 1,1 triệu đồng.
Diễn biến trái chiều này khiến chênh lệch giá vàng miếng SJC và thế giới lên mức 10,75 triệu đồng, cao nhất từ trước đến nay. Giá vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt hiện chỉ vào khoảng 51 triệu/lượng.
Giá vàng nhẫn SJC 99,99 có xu hướng bám sát diễn biến thế giới hơn khi được mua vào ở mức 53,15 triệu/lượng và bán ra ở 53,85 triệu/lượng, chỉ cao hơn gần 3 triệu so với thế giới.
Cũng trong sáng nay, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) mua vào vàng miếng với giá 60,9 triệu/lượng và bán ra ở mức 61,65 triệu đồng. Giảm nhẹ so với cuối ngày 16/11 nhưng giá vẫn cao hơn 850.000 đồng so với cùng giờ sáng.
Với mức giá kể trên, hiện giá vàng miếng tại PNJ cũng cao hơn 11,65 triệu so với thế giới, tương đương gần 21%.
Tương tự SJC, giá vàng nhẫn PNJ cũng có biến động gần hơn so với thế giới khi được niêm yết ở mức 53,1 - 53,9 triệu/lượng (mua vào - bán ra). Dù vẫn tăng ngược chiều thế giới nhưng chênh lệch giữa vàng nhẫn PNJ và thế giới hiện chỉ dưới 3 triệu đồng, tương đương 5,7%.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI sáng nay cũng giảm giá mua - bán vàng miếng so với chiều 16/11 đi 200.000 đồng, hiện chấp nhận mua vào ở mức 61 triệu/lượng và bán ra ở 61,7 triệu/lượng. Tuy vậy, so với cùng giờ sáng, giá hiện tại vẫn cao hơn 1 triệu đồng/lượng.
Khác với SJC và PNJ, giá vàng DOJI lẻ tại tập đoàn này hiện cũng bám sát giá vàng miếng khi giao dịch ở mức 60,85 - 61,8 triệu đồng/lượng, tăng hơn 1 triệu so với một ngày trước và cao hơn 21% so với vàng thế giới quy đổi.
Bình luận