• Zalo

Chế tạo robot chiến đấu ngoài không gian, Nga ôm mộng lập căn cứ trên Mặt trăng

Quân sựThứ Bảy, 05/02/2022 12:38:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nga là một trong số ít các quốc gia bắt đầu đưa robot vào trang bị cho các đơn vị chiến đấu, và chúng có thể thay thế người lính làm những nhiệm vụ nguy hiểm.

Theo Russia Beyond, tháng 10/2021, quân đội Nga đã thử nghiệm thành công một mẫu robot tuần tra mới hoặc cũng có thể gọi là phương tiện chiến đấu không người lái mới (UGV) có tên mã là 'Marker' nhằm giúp Moskva tăng cường an ninh cho các sân bay vũ trụ.

Cũng theo quân đội Nga, mục tiêu của cuộc thử nghiệm Marker năm ngoái là nhằm đánh giá UGV này có phù hợp với nhiệm vụ tuần tra hay không, cũng như kiểm tra khả năng nó phát hiện các mối đe dọa an ninh đối với vị trí mục tiêu cần được bảo vệ.

Chế tạo robot chiến đấu ngoài không gian, Nga ôm mộng lập căn cứ trên Mặt trăng - 1
Chế tạo robot chiến đấu ngoài không gian, Nga ôm mộng lập căn cứ trên Mặt trăng - 2

Marker được thử nghiệm tại sân bay vũ trụ Vostochny. (Ảnh: RT)

Bên cạnh các thử nghiệm bên trong các sân bay vũ trụ, Marker còn được thử nghiệm trên nhiều môi trường địa hình khác nhau nhằm kiểm tra độ tin cậy của hệ thống, từ vùng có thời tiết khô nóng, ẩm thấp cho đến băng tuyết, bất kể ngày hay đêm.

Sau các cuộc thử nghiệm, Bộ Quốc phòng Nga lẫn Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) đều tỏ ra hài lòng với kết quả thu được và khẳng định Marker chỉ cần vượt qua các bài kiểm tra cấp nhà nước là có thể được đưa vào trang bị.

Thành công của chương trình phát triển UGV Marker có thể sẽ trở thành tiền để để quân đội Nga phối hợp với Roscosmos phát triển các dòng robot chiến đấu có khả năng tham gia các sứ mệnh nghiên cứu Mặt trăng và cả không gian.

Không giống như các mẫu robot chiến đấu đang được quân đội Nga sử dụng, Marker chỉ được vũ trang hạng nhẹ với súng máy 7,62mm và hai tên lửa chống tăng. UGV này có thể hoạt động liên tục trong ba ngày mà không cần sạc.

Arkady Petrosov, người đứng đầu dự án phát triển Marker thuộc Quỹ Nghiên cứu phát triển (FPI) cho biết, mẫu robot này được trang bị các công nghệ nhận dạng vật thể tốt nhất của Nga tích hợp kèm với một hệ thống AI (trí thông minh nhân tạo). Điều này cho phép Marker có thể tự phát hiện và theo dõi bất cứ mục tiêu nào trên nhiều điều kiện môi trường khác nhau.

Chế tạo robot chiến đấu ngoài không gian, Nga ôm mộng lập căn cứ trên Mặt trăng - 3

Dù được vũ trang chỉ với súng máy và tên lửa chống tăng, Marker vẫn đủ khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công từ bên ngoài nhằm vào các mục tiêu nó bảo vệ. (Ảnh: FPI)

Để cơ động hơn trên nhiều địa hình, Marker có tới hai biến thể sử dụng khung bánh lốp 6x6 và khung gầm bánh xích, tầm hoạt động đều hơn 100km. Người vận hành chỉ cần lựa chọn điểm đầu và điểm đích để lập trình vùng hoạt động của Marker, sau đó robot sẽ tự động thiết lập tuyến đường tuần tra và xây dựng lại bản đồ số khu vực nó hoạt động bằng các hệ thống cảm biến.

“Marker có khả năng tự động tránh chướng ngại vật, đồng thời có khả năng tự thiết lập tuyến đường tuần tra nhanh nhất”, Petrosov cho biết.

Marker có thể làm được như vậy là nhờ một số camera quan sát được đặt dọc theo thân khung gầm. Chúng cung cấp một cái nhìn toàn cảnh và tạo thành một bức tranh hoàn chỉnh về môi trường xung quanh và tuyến đường phù hợp.

Nói một cách đơn giản, 'Marker' là một phiên bản quân sự hóa của một chiếc Tesla có khả năng đi trên mọi loại địa hình.

Dmitry Rogozin, người đứng đầu Roscosmos thậm chí còn tin rằng Marker có tiềm năng đối với chương trình nghiên cứu không gian của Nga, nó hoàn toàn có thể được sử dụng cho nhiệm vụ nghiên cứu Mặt trăng và các hành tinh khác.

Chế tạo robot chiến đấu ngoài không gian, Nga ôm mộng lập căn cứ trên Mặt trăng - 4

Nguyên mẫu phương tiện chiến đấu không người lái Marker sử dụng khung gầm bánh xích do Quỹ Nghiên cứu phát triển (FPI) phát triển. (Ảnh: FPI)

Chưa dừng những thành công kể trên, nhóm phát triển Marker còn đang thử nghiệm tích hợp UGV này với một hoặc nhiều thiết bị bay không người lái, điều này cho phép Marker mở rộng phạm vi trinh sát và vươn tới những nơi nó không thể đến. Bên cạnh đó máy bay không người lái cũng có thể cung cấp dữ liệu cho Marker tấn công các mục tiêu nó không thể nhìn thấy.

Chuyên gia quân sự Dmitry Safonov nhận định, quân đội Nga đang ngày một đầu tư nhiều hơn vào việc phát triển các phương tiện chiến đấu không người lái, Marker chỉ là một trong số đó. Bộ Quốc phòng Nga còn dành hẳn một ngân sách trị giá 3 tỷ USD cho các chương trình phát triển robot chiến đấu.

Trong cuộc họp với các quan chức quốc phòng tại Sochi hồi tháng 10/2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giao nhiệm vụ cho bộ quốc phòng nước này phát triển các nền tảng trí tuệ nhân tạo mới trong giai đoạn từ nay đến 2027. Từ đó có thể phát triển các dòng robot chiến đấu hoạt động độc lập trên chiến trường mà không cần có sự tham gia của con người.

Theo Safonov, người Mỹ đã tiến hành các cuộc thử nghiệm như vậy. Ông cho rằng Nga đang đi sau Mỹ về công nghệ robot những sẽ sớm bắt kịp đối thủ.

Hiện tại, Bộ Quốc phòng Nga đang thực hiện hai chương trình thử nghiệm đối với Marker. Một là đánh giá khả năng tự chiến đấu của nó với sự hỗ trợ từ người điều khiển, hai là tự tiến hành tuần tra độc lập trên các tuyến đường không định sẵn và không có sự hỗ trợ từ con người.

Mỗi nhóm Marker tham gia tuần tra độc lập sẽ có 5 phương tiện, được vận hành bởi hệ thống AI và chỉ có thể sử dụng vũ khí có sự hỗ trợ của con người.

Một điểm đặc biệt khác của Marker là nó được xây dựng dựa trên công nghệ modul, do đó các hệ thống được tích hợp hiện tại hoàn toàn có thể được thay thế hoặc nâng cấp, kể cả hệ thống vũ khí.

Ngoài Bộ Quốc phòng và Roscosmos, nhiều tập đoàn nhà nước khác của Nga cũng bắt đầu quan tâm tới các công nghệ đang được sử dụng trên Marker bởi nó hoàn toàn có thể được sử dụng cho mục đích dân sự.

Trà Khánh
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp