Video: Độc đáo làng cây phát lộc ở Thái Bình
Mặc dù còn 1 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 nhưng theo ghi nhận của PV VTC News, thị trường cây phát lộc ở xã Minh Tân (Đông Hưng, Thái Bình) những ngày này khá nhộn nhịp cảnh mua - bán. Một người mua ở huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết, cô phải cất công về tận nơi mua cây phát lộc đã kết thành những chiếc bình để mang đi biếu vì gọi điện đặt nhưng cũng không có, mặc dù cô là khách quen.
Những chậu cây phát lộc kết thành nhiều hình dáng khác nhau được bày bán dọc Quốc lộ 39A, đoạn qua xã Minh Tân. Riêng làng Đình Phùng (xã Minh Tân) có quá nửa số hộ tham gia trồng và làm các sản phẩm từ cây phát lộc. Thôn Đình Phùng vì vậy thường được mọi người biết đến với tên gọi khác là "làng phát lộc".
Cánh đồng ở xã Minh Tân, ngoài cây đào, mẫu đơn... còn xanh mướt những ruộng cây phát lộc. Trước năm 2000, người dân nơi đây chỉ trồng cây cắt lấy cành bán cắm bình ngày Tết, hy vọng một năm nhiều tài lộc.
10 năm trở lại đây, các hộ thôn Đình Phùng, Duy Tân... (xã Minh Tân) sáng chế ra các khung để kết thành những sản phẩm mẫu mã đẹp vừa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, vừa tăng giá trị kinh tế.
Ông Nguyễn Đăng Nghị (61 tuổi, xã Minh Tân) cho biết, gia đình ông gắn với nghề trồng và làm cây phát lộc hơn 10 năm nay. Nhà ông ít bán lẻ, chủ yếu khách buôn từ các tỉnh như Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên... đi xe tải tới chở hàng về.
Sản phẩm nhà ông Nghị làm ra tới đâu hết tới đó. Mỗi chuyến hàng như thế, vợ chồng ông ước tính cũng được hơn 10 triệu đồng.
Theo bà Huệ (vợ ông Phùng), với mỗi nhân công, mỗi ngày có thể làm ra 10 sản phẩm. Mỗi sản phẩm có giá từ 50.000 đồng đến 2 triệu đồng. Sản phầm từ cây phát lộc bán quanh năm nhưng thị trường nhộn nhịp nhất là vào những ngày cuối năm Âm lịch, mọi người mua về chơi Tết hoặc mang đi biếu.
Tháp phát lộc là một trong những sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng. Các "nghệ nhân" xã Minh Tân làm tầng theo số lẻ từ 3 đến 15 tầng. Trong đó, tòa tháp 15 tầng kết từ cây phát lộc được bán với giá 2 triệu đồng.
Ngoài tháp, người dân xã Minh Tân còn tạo nhiều hình khác như lộc bình, hồ lô, lọ phát lộc các loại...
Cây phát lộc không tốn nhiều công chăm sóc. Mỗi năm chỉ cần bón phân, trừ sâu 2-3 lần. Công bỏ ra ít nhưng thu nhập cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa.
Sản phẩm tạo ra từ cây phát lộc giá trị cũng cao gấp 4 lần so với bán cành.
Các hộ gia đình sẽ tùy theo sở thích của khách và ước chừng thời gian chăm sóc cho cây nảy lộc để khách bày trong văn phòng, bàn làm việc, phòng khách, ban thờ thần tài... cầu cho một năm nhiều may mắn.
Chậu phát lộc chơi được từ 1 - 2 năm, nếu khách biết chăm sóc có thể chơi tới 3 năm.
Nhanh tay ghép hơn 50 cảnh phát lộc thành hình chiếc thuyền buồm, chị Nguyễn Thị Quyên (40 tuổi) cho biết, với hình này, người dân xã Minh Tân cũng muốn gửi gắm tới khách hàng một năm thuận buồm xuôi gió.
Chị Quyên cho biết, có những khách từ Nha Trang về thăm quê cũng phải mang theo cây phát lộc là đặc trưng của quê nhà để đi làm quà biếu. Nghề này không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người dân xã Minh Tân mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Sức tiêu thụ sản phẩm từ cây phát lộc ngày càng cao, người dân nơi đây lại có những ngày bán cây Tết bội thu.
Bình luận