Đời sống

Ché - món hồi môn không thể thiếu của người Tây Nguyên

Thứ Năm, 13/07/2023 14:04:25 +07:00

(VTC News) - Ché không chỉ là vật dụng sinh hoạt hàng ngày trong gia đình mà còn là thước đo về sự giàu có, là sính lễ trong cưới hỏi,…

Muốn cưới vợ phải có Rlung

Tháng 5, Tây Nguyên nắng vàng như rót mật, không oi bức như ngoài Bắc nhưng cũng đủ “nhuộm da” bất kỳ ai. Trong ngôi nhà nhìn đâu cũng thấy “chum lọ”, người sưu tầm ché Đặng Quốc Huy (TP. Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk) tỉ mẩn dùng chiếc khăn mềm, vừa lau vừa nhìn ngắm một cách say sưa những món đồ gốm sứ này. Câu chuyện của anh chứa đựng những điều kỳ bí của món “đặc sản” Tây Nguyên.

Ché - món hồi môn không thể thiếu của người Tây Nguyên - 1

Ngôi nhà nhìn đâu cũng thấy “chum lọ” của anh Đặng Quốc Huy.

Tập tục xưa của người Tây Nguyên, nhà nào có con đến tuổi dựng vợ gả chồng, ché trở thành “của hồi môn”, một thứ của cải để cha mẹ trao tặng. Vì thế, tục ngữ Mnông có câu: “Làm rẫy phải rào, muốn cưới vợ phải có rlung”.

Người C’Ho theo chế độ mẫu hệ. Cha mẹ thường chia của cho các con gái, đặc biệt là cho người con gái út - người sẽ nuôi dưỡng cha mẹ lúc về già. Trong đám cưới, sính lễ ngoài thổ cẩm, vòng cườm, vòng đồng thì không thể thiếu ché.

Có những quy định nghiêm ngặt khi sử dụng ché, loại nào sử dụng vào lễ cúng gì, sử dụng bao nhiêu cái…, bởi trong ché có thần, mỗi vị thần phụ trách một lĩnh vực khác nhau trong đời sống, và mỗi vị lại “thích” một loại ché khác nhau. Phải chiều theo sở thích của thần linh mới mong được ban sức khỏe, cây trái sum suê, mưa thuận gió hòa.

Có những loại ché chỉ có người già, các bậc chức sắc mới được sử dụng, người trẻ không được đụng đến. Có những loại ché chỉ được nấu gạo bỏ vào mà không được nấu bắp hoặc khoai, tất tần tật phải được thực hiện, gìn giữ theo quan niệm của tổ tiên để lại.

Trong tang ma, ché là cũng là tài sản được chia để người chết đem theo. Cùng với những đồ dùng như chén, bát, lọ…, ché sẽ được đem đến khu nhà mồ và đập vỡ.

Hồn ché của người Tây Nguyên

Tuy không sinh ra tại Tây Nguyên, nhưng tình yêu ché lại ăn vào máu thịt, nên nhiều năm nay, đôi chân anh Huy vượt bao con dốc xa, dòng suối gần, khắp các buôn làng để xin “đổi” ché.

Ché - món hồi môn không thể thiếu của người Tây Nguyên - 2

Ché Lái Thiêu

Anh Huy bảo, người Tây Nguyên không bán ché bởi nói đến bán là sẽ có giá nhất định, nhưng ché được trao cho người khác chủ yếu là vì cái duyên. Sau nhiều năm “băng rừng lội suối” anh đã có trong tay hơn 1.000 ché.

Anh Huy còn cho biết, trong xã hội của người Tây Nguyên xưa, những gia đình giàu sang, được kính trọng là những gia đình có nhiều chiêng nhiều ché. Nhà càng giàu càng nhiều chiêng, ché. Có gia đình có tới hàng trăm chiếc ché, trong đó có nhiều ché quý.

Cổ dân Tây Nguyên quan niệm rằng, ché cũng có đời sống riêng, và họ có lễ riêng để cúng ché, nuôi ché…Khi đưa một chiếc ché quý về nhà, họ phải tổ chức cúng nhập gia cho ché.

Lễ cúng mang ý nghĩa gia chủ muốn thông báo cho họ hàng, bà con trong buôn làng được biết và đến chia vui cùng gia đình đã mua được một chiếc ché quý, với mong muốn nhập gia cho ché, để từ đây ché chính thức được coi như một thành viên, được quan tâm, đối xử như con người và chung sống lâu dài, mạnh khỏe, vui vẻ, đầm ấm, hòa thuận với gia đình.

Ché - món hồi môn không thể thiếu của người Tây Nguyên - 3

Anh Huy cho biết, trong xã hội của người Tây Nguyên xưa, những gia đình giàu sang, được kính trọng là những gia đình có nhiều chiêng nhiều ché.

Cũng như vậy, khi không còn sử dụng mà đem ra trao đổi để lấy trâu, bò, voi…, sẽ phải làm lễ cúng chia tay, tiễn biệt. Khi không may làm bể ché thì phải cúng tạ lỗi với thần linh và chủ ché.

Anh K’Pao (dân tộc Jrai, làng Phú Bổn, huyện Phú Thiện, Gia Lai) chủ nhân của một chiếc ché cổ cho biết, chiếc ché nhà anh đã truyền qua 15 đời, đến đời anh đang sở hữu là thứ 16. Cách đây 50 năm, tổ tiên anh đã phải trả 50 con trâu trắng để có được. Chiếc ché này rất thiêng, mỗi tháng anh phải cho nó ăn... tiết gà 3 lần. Ché có thể báo trước những điều sắp xảy ra trong gia đình, trong dòng họ bằng cách đổi màu đỏ như máu.

Ché thường được xếp thành hàng theo thứ tự lớn, nhỏ ngay sát vách chính diện của ngôi nhà, như một vật trang trí trọng tâm, thể hiện tiềm lực kinh tế của gia chủ. Người Tây Nguyên yêu ché, coi ché như vật thiêng nhưng lại không làm ra ché, đa phần do người Chăm bán lên. Khi bán, họ giới thiệu một số loại "ché tốt" và nó được nghe thành ché Tuk. Đây là loại ché quý nhất của người Tây Nguyên, được sánh ngang với cả đàn trâu, hay trâu trắng, thậm chí là voi”, anh Huy nói.

Ché - món hồi môn không thể thiếu của người Tây Nguyên - 4

Trong lễ cúng mùa, lễ cúng sức khỏe, lễ thành niên..., chủ nhà sẽ móc những chiếc vòng đồng để trao cho ai đó sau lễ cúng sức khỏe khoảng một tuần trăng.

Ngoài ra, ché còn xuất xứ từ các lò gốm của Việt Nam như: Gò Sành (Bình Định), Quảng Đức (Phú Yên), Châu Ổ (Quảng Ngãi), Lái Thiêu (Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai), Cây Mai (Sài Gòn)... Mỗi dòng ché có những đặc điểm, giá trị khác nhau.

Nếu như người Mnông có ché rlung, ché mẹ bồng con, ché Yang Yông thì người Ê Đê có ché Tuk, ché Tang, ché Ba. Người K’ho có ché Yàng. Người Mạ có Đrắp và Rlung. Ngoài ra, còn có những tên gọi theo đặc điểm trang trí hoặc kích cỡ của ché.

Người Ê Đê gọi ché có tai hình rùa là Tang krua (krua nghĩa là rùa), ché có tai hình đầu khỉ là Ako kra (kra nghĩa là khỉ). Người K’ho lại gọi ché lớn là Yàng, ché trung là Jro và ché nhỏ là Gri…

Mỗi dân tộc có sở thích khác nhau về các loại ché, trong đó, ché “mẹ bồng con” (trên vai có gắn 1 đến 4 chóe nhỏ) là một trong những loại ché đặc biệt quý hiếm, được đồng bào Tây Nguyên rất ưa chuộng.

Ngoài ra, người Ê Đê chuộng loại ché có men màu xanh, trắng và màu da lươn, dáng cao, to. Người M’Nông thường quý loại chóe có dáng thấp, tròn, men màu đen toàn thân bóng lộn. Còn người Mạ lại thích ché có hoa văn khắc chìm sóng nước hoặc hình gân lá, men màu nâu đen.

Số “tai” trên một chiếc ché cũng rất quan trọng. Tai càng nhiều, giá trị của ché càng cao, vì đây là nơi mà trong lễ cúng mùa, lễ cúng sức khỏe, lễ thành niên..., chủ nhà sẽ móc những chiếc vòng đồng để trao cho ai đó sau lễ cúng sức khỏe khoảng một tuần trăng. Ai lỡ làm gãy “tai” ché sẽ bị phạt rất nặng, và chiếc ché sẽ mất đi rất nhiều giá trị”, anh Huy chia sẻ.

Già làng Bon Tô Sa Nga ở buôn Đưng K’Si (xã Đạ Chais, Lạc Dương, Lâm Đồng) cho biết, một số buôn làng ở Tây Nguyên vẫn còn giữ phong tục khi một người trong gia đình mất đi, người thân sẽ bẻ một miếng trên miệng cái ché quý hiếm chôn theo người chết để bày tỏ lòng thương tiếc. Cái ché bị bẻ gọi là ché “khóc”, được xem như thành viên trong gia đình, cũng có hồn và để tang cho người chết.

Tuy rằng những chiếc ché cổ nay đã thành “của hiếm”, không còn là vật trao đổi hàng hóa như trước, nhưng nó vẫn chiếm vị trí quan trọng trong từng gia đình và cộng đồng của các tộc người Tây Nguyên. Bất cứ lễ hội nào của họ vẫn không thể thiếu vắng những ché rượu cần. Trong những ngôi nhà sàn hiện đại, ché vẫn được trưng bày bên cạnh cây nêu.

“…Ở xã hội Tây Nguyên cổ truyền, nếu như công nhận có “văn hóa cồng chiêng”, thì cũng có thể nói đến “văn hóa ché”... Bởi lẽ, ché gắn bó sâu sắc với cuộc đời mỗi người, từ lễ đặt tên sau khi chào đời cho đến lễ tang khi từ giã cõi trần, và theo tận ra mộ. Rõ ràng, thông qua nghiên cứu về ché theo hướng đó, có thể hiểu biết được nhiều điều về các cư dân bản địa Tây Nguyên”, TS Lưu Hùng trong “Vài nét về ché trong đời sống các dân tộc Tây Nguyên”

An Yên
Bình luận
vtcnews.vn