Sơ cứu đúng cách
Khi có người vẫn đang mắc kẹt trong đám cháy dẫn tới bị bỏng, đầu tiên dùng nước hoặc cát, áo khoác, chăn hoặc vải bọc kín để dập tắt lửa cháy. Đưa người bị nạn ra khỏi khu vực cháy. Xé bỏ quần áo đang cháy âm ỉ trên người nạn nhân.
Video: Cháy lớn ở TP.HCM: Ít nhất 13 người chết
Tiếp đến, để hạ nhiệt độ tại chỗ, nhanh chóng làm mát vết bỏng bằng cách ngâm vùng bỏng vào chậu nước nguội sạch hoặc đưa vùng bỏng vào dưới vòi nước và xả nước cho vòi chảy nhẹ nhàng trong 15 – 20 phút, việc này sẽ giúp vết bỏng giảm bớt sự đau rát, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương. Không dùng nước lạnh, nước đá (trong tủ lạnh) để làm mát da cho nạn nhân.
Đối với những nạn nhân bị bỏng do hóa chất văng vào, thấm trên quần áo thì cần cắt bỏ quần áo, bởi khi chất lỏng bám vào cơ thể, việc dội nước mát không những không thể hạ nhiệt mà còn khiến độ nóng của quần áo bị ngấm hóa chất có "cơ hội" dính vào, càng làm tăng tổn thương và độ sâu của bỏng.
Ngoài ra, người sơ cứu nên sử dụng dụng cụ để cắt bỏ quần áo, không nên trực tiếp lột bỏ quần áo của nạn nhân, vì có thể gây bóc phần da bị bỏng. Sau khi cắt bỏ quần áo, cho phần bị bỏng vào nước sạch trong thời gian 15 - 20 phút để rửa đi các dị vật bẩn, rửa hóa chất và để hạ nhiệt độ xuống gần bằng nhiệt độ cơ thể.
Bước tiếp theo, dùng băng gạc sạch phủ lên các tổn thương, tránh để các tạp chất tiếp tục vương vào vết thương. Sau đó, nhanh chóng vận chuyển nạn nhân đến các cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.
Việc vận chuyển nạn nhân bị bỏng nên sử dụng dịch vụ cấp cứu của các cơ sở y tế có các trang thiết bị chuyên dụng. Đối với các trường hợp bỏng nhẹ, sau sơ cứu nên hướng dẫn người bệnh đến các cơ sở y tế.
Video: Nhân chứng vụ cháy chung cư ở TP.HCM
Lưu ý khi sơ cứu vết bỏng
Cần phải lưu ý lại lần nữa là với các thói quen trong dân gian như: bôi kem đánh răng, bôi mỡ trăn hay dội nước đá lên tổn thương bỏng không giúp ích trong việc cấp cứu bỏng do nhiệt mà ngược lại còn làm tình trạng tổn thương nặng hơn.
Tuyệt đối không dùng đá để làm mát vết bỏng, điều này khiến vết bỏng trở nên trầm trọng hơn, vùng da vừa bị bỏng thì bị lạnh đột ngột làm tế bào co lại khiến vết bỏng lâu khỏi và dễ bị loét hơn.
Để tránh nguy cơ biến chứng do bỏng, ngay sau khi sơ cứu cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Bình luận