Grab, Uber đua nhau tăng phí
Trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 khoảng 1 tuần, Grab Việt Nam đã có thông báo tăng phụ phí từ 10.000 – 20.000 đồng kể từ ngày 11/2 đến hết ngày 21/2.
Theo thông báo của Grab, từ 11/2 - 14/2 (tức từ 26 - 29 Âm lịch), GrabBike sẽ áp dụng phụ phí 10.000 đồng đối với các chuyến xe Grab Bike và GrabBike Premium đặt trong thời gian trên.
Thời gian từ 14 – 21/2 (tức từ ngày 30 – mùng 6 Tết Âm lịch), mức phụ thu cho mỗi chuyến này lên tới 20.000 đồng cho cả 2 dịch vụ Grab Bike và GrabBike Premium.
Việc Grab tăng giá vào khung giờ cao điểm hoặc những ngày lễ, Tết là đã được dự báo trước. Việc tăng cước trong dịp Tết giúp nhiều lái xe được hưởng lợi.
Anh Trọng Hoàng, một người dân tại Hà Nội cho biết, vào mùng 3 Tết, anh Hoàng có đặt Grab Bike đi từ chợ Hàng Da đến đền Quán Thánh, quãng đường khoảng 1,5 km. Nếu ngày bình thường, anh Hoàng sẽ phải trả khoảng 20.000 đồng.
Tuy nhiên, hôm mùng 3 Tết, cước phí Grab đã tăng lên 42.000 đồng, tức là tăng gấp đôi: “Chuyện này không có gì là lạ. Bởi vì năm ngoài cũng thế, tuy nhiên, Tết nhất cũng nên thông cảm cho doanh nghiệp, coi như đó là lộc đầu năm cho lái xe”.
Trong khi đó, Uber không thông báo việc tăng giá cước. Tuy nhiên, ai cũng biết giá cước của Uber tăng chóng mặt những ngày Tết Nguyên đán.
Anh Hồng Hiếu (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, vào hôm mùng 4 Tết Âm lịch, anh Hiếu đặt xe bằng ứng dụng Uber đườngTrần Phú (Ba Đình) ra Ga Hà Nội, quãng đường dài khoảng 1,1 km.
Chi phí để trả dịch vụ này lên tới 56.000 đồng, tức là tăng 3,5 lần so với ngày bình thường: "Nếu như ngày bình thường, đi quãng đường trên, tôi mất khoảng 15.000 đồng thì hôm mùng 4 Tết, chi phí đã tăng gấp 3,5 lần. Như vậy là quá đắt”, anh Hiếu nói.
Không đồng tình với mức giá cao của Uber, nhiều khách hàng lựa chọn taxi truyền thống để di chuyển: “Tôi khó lòng chấp nhận mức giá như thế nên đi taxi còn rẻ hơn”.
Trái ngược với quan điểm của anh Hiếu, chị Thùy Linh (Long Biên) hốt hoảng khi ứng dụng Uber báo giá quãng đường từ Nguyễn Văn Linh (Long Biên) đi sân bay Nội Bài (khoảng 29km) là 1,1 triệu đồng: "Hôm đó là ngày mùng 3 Tết, cũng hiểu là ít tài xế nên mình cũng vui vẻ thanh toán số tiền gấp gần 3 lần bình thường".
Lái xe kiếm bộn tiền
Theo khảo sát của PV báo điện tử VTC News vào chiều mùng 5 Tết (20/2), một số lái xe Grab Bike tại Hà Nội thừa nhận, chỉ trong 7 ngày Tết Nguyên đán, từ hôm 29 đến chiều mùng 5 Tết, đã kiếm được ít nhất trên dưới 10 triệu đồng (đã trừ đi chi phí xăng xe), trung bình mỗi ngày kiếm được 1,2 – 1,7 triệu đồng, cá biệt có trường hợp có thu nhập 2 triệu đồng/ngày.
Đây là mức thu nhập đáng mơ ước của nhiều người, bởi lẽ, mức lương trung bình của một viên chức chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng. Tức là 2 tháng làm công ăn lương, viên chức mới có đủ 10 triệu đồng.
Anh Đỗ Xuân Hùng (1997) một lái xe cho biết: “Tính tới nay, em chạy Grab cũng được 2 cái Tết rồi. Năm ngoài kiếm được hơn năm nay, tuy nhiên, trung bình 1 ngày Tết, em kiếm được khoảng 1,5 triệu đồng”.
Anh Hùng cho biết, mặc dù chạy Grab ngày Tết cho thu nhập rất “khủng”, song, phải đánh đổi bằng việc ở lại thành phố: “Quê em ở Lào Cai, năm nay cũng là năm thứ 2 em không về quê mà ở lại Hà Nội để chạy Grab để kiếm thêm thu nhập”.
Đồng tình với quan điểm của Hùng, anh Đức Mạnh (sinh viên trường đại học Điện Lực) cho biết, lượng khách di chuyển trong mấy ngày Tết Nguyên Đán khá ổn định, các ngày 29, 30, mùng 1 và mùng 5 có phần đột biến.
“Ngày 29, 30 lượng khách đổ về các bến xe rất đông, ngược lại mùng 5 thì từ bến xe đi. Chỉ cần lựa chọn địa điểm phù hợp là kiếm tiền triệu/ngày, hơn đứt mức lương công nhân viên chức”, Mạnh cho biết thêm.
Để đạt được thu nhập 1,2 – 1,7 triệu/ngày, lái xe Grab phải hoạt đồng gần như một ngày: “Sáng khoảng 7h dậy là có khách, những hôm 29, 30 thì phải dậy từ 5 giờ sáng. Sau đó buổi trưa nghỉ một chút đến 14h chạy tiếp đến 18h nghỉ ngơi ăn uống. Rồi tùy vào sức khỏe, có tối chạy có tối nghỉ, bởi vì buổi tối ít khách hơn ban ngày”, Mạnh tiết lộ.
Video: Những tuyến đường cấm Grab, Uber đi vào giờ cao điểm
Bình luận