Vụ cháy chung cư Carina ở quận 8, TP.HCM xảy ra vào khoảng 1h30 phút sáng 23/3. Tính đến 9h15 sáng 23/3, vụ cháy chung cư Carina ở TP.HCM làm 13 người chết và 39 người bị thương
Như báo điện tử VTC News phản ánh, ngọn lửa khiến nhiều mảng bê tông bị sụp xuống. Hàng trăm người bị mắc kẹt bên trong la hét, kêu cứu. Những người dân chưa thoát thân được thì tìm cách chạy lên phía trên cao.
Khói lửa ngùn ngụt bốc lên từ tầng hầm khiến hàng trăm người trên các tầng cao không thể thoát xuống. Họ liên tục vẫy khăn, quần áo, rọi đèn pin... kêu cứu. Một số người phải liều mạng nhảy từ trên cao xuống mong không chết cháy...
Trao đổi với PV VTC News, BS Tô Thanh Phương (Trưởng khoa Cấp tính nữ, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I) nói: "Vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra tại chung cư Carina Plaza ở TP.HCM sẽ trở thành một trải nghiệm khủng khiếp đối với nạn nhân của nó.
Trải qua tình thế "thập tử nhất sinh’', bên cạnh những vết thương về mặt thể chất, vụ cháy khiến 13 người chết, nhiều người bị thương này còn dẫn tới những nỗi đau tinh thần, làm xáo trộn suy nghĩ, cảm xúc của các nạn nhân.
DIỄN BIẾN LIÊN QUAN:
Bác sĩ Phương phân tích: "Những sang chấn tâm lý nạn nhân mắc phải sau vụ hỏa hoạn rất nguy hiểm. Bệnh nhân trở nên sợ hãi, sốc, hoài nghi, đau buồn, giận dữ và cảm giác tội lỗi. Bên cạnh đó, họ phải đối mặt với sự kiệt quệ, mất mát về thể chất và tinh thần và cả vật chất, dẫn tới khó tập trung, dễ cáu giận, hay cãi vã, thay đổi khẩu vị và giấc ngủ.
Lâu dần, tình trạng này dẫn tới việc nạn nhân luôn có cảm giác tội lỗi và tuyệt vọng, lảng tránh gia đình bạn bè, lạm dụng rượu và các chất khác. Từ những sự việc này, các vấn đề về trí nhớ, lo âu và trầm cảm có thể sẽ xảy đến".
Cũng theo ông Phương, những di chứng, sang chấn tâm lý sẽ khiến nạn cảm thấy sợ hãi đám đông, những ngọn lửa, các đồ vật có khả năng đánh lửa như hộp diêm, bật lửa, bếp ga, bếp điện… Cuối cùng, nạn nhân dễ bị loạn thần cấp, tâm trí mất tỉnh táo. Đây là dấu hiệu, nguy cơ của bệnh tâm thần, lúc này phải đưa bệnh nhân tới bệnh viện chữa trị”.
Theo BS Tô Thanh Phương, cách sơ cứu tâm lý đối với nạn nhân sau hỏa hoạn rất đơn giản, nhưng đây là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết: Hãy động viên an ủi nạn nhân, có thể tiêm một mũi thuốc an thần chuyên dụng để nạn nhân ngủ say.
Sau giấc ngủ, nạn nhân sẽ bình tĩnh trở lại, lúc đó cần phải trò chuyện, cổ vũ để nạn nhân vượt qua những ám ảnh, nỗi sợ về mặt tâm lý, từ đó dần dần hồi phục, vượt qua cú shock, trở về trạng thái tinh thần vui vẻ, bình tĩnh thường ngày”.
Video: Cháy chung cư cao cấp 13 người chết ở TP.HCM: Dân hoảng sợ, nhảy từ tầng cao xuống thoát thân
Bình luận