• Zalo

'Chạy' biên chế 100 triệu: Phải kỷ luật tương xứng

Thời sựThứ Hai, 07/01/2013 08:18:00 +07:00Google News

Liên quan đến thi tuyển công chức ở Ứng Hòa (Hà Nội), Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, phải có hình thức kỷ luật cán bộ tương xứng với sai phạm.

Trao đổi vớiPV liên quan đến những tiêu cực trong thi tuyển giáo viên tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội), Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, phải có hình thức kỷ luật cán bộ tương xứng với sai phạm.

Cần xem lại việc huyện Ứng Hòa luân chuyển Trưởng Phòng Nội vụ trong bối cảnh cán bộ này liên quan đến vi phạm.

Ông Trần Anh Tuấn
Ông Trần Anh Tuấn.

- Thưa ông, đến nay Bộ Nội vụ đã nhận được báo cáo của thành phố Hà Nội về kết quả kiểm tra thông tin chạy công chức chưa?

Cho đến hôm nay, tôi vẫn chưa nhận được báo cáo kết quả kiểm tra của Thành phố Hà Nội. Chắc các cơ quan chuyên môn của thành phố đang tổng hợp để chuẩn bị báo cáo cho kỹ lưỡng, chất lượng.

Chúng tôi luôn đề nghị Hà Nội sớm có báo cáo để trên cơ sở đó có nghiên cứu, đề xuất lên các cơ quan cao hơn. Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình rất quan tâm việc này và thường xuyên chỉ đạo, nhắc chúng tôi sớm có báo cáo.

Phải có mức kỷ luật tương xứng

 
Phải có hình thức kỷ luật tương xứng với mức độ sai phạm theo quy định của pháp luật. Như vậy mới giữ nghiêm được trật tự kỷ cương và giữ được niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn
 
- Qua công tác kiểm tra thi tuyển công chức tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội đã phát hiện ra 16 trường hợp được nâng điểm, ông đánh giá ra sao về mức độ vi phạm tại đây?

Tôi đọc thông tin trên một số báo, trong đó nêu hiện trạng tiêu cực và quá trình xử lý công chức, viên chức vi phạm trong quá trình tổ chức thi tuyển giáo viên tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội.

Quan điểm của tôi là: khi đã kiểm tra và phát hiện sai phạm trong tổ chức tuyển dụng giáo viên thì phải xác định rõ sai phạm. Mức độ sai phạm đến đâu thì xử lý nghiêm đến đó.

Phải có hình thức kỷ luật tương xứng với mức độ sai phạm theo quy định của pháp luật. Như vậy mới giữ nghiêm được trật tự kỷ cương và giữ được niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước.

- Trước sai phạm trong thi tuyển đang xảy ra như vậy, Bộ Nội vụ có biện pháp gì để ngăn ngừa, phòng chống tiêu cực và nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức, viên chức ?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu để có những giải pháp khắc phục có hiệu quả. Đó là tiếp tục hoàn thiện các văn bản liên quan đến công tác thi tuyển, đổi mới phương thức tuyển chọn, ứng dụng công nghệ tin học vào công tác thi tuyển và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác thi tuyển.

Thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu tổ chức thi tuyển công chức, viên chức bằng hình thức thi trực tuyến trên máy tính để bảo đảm nguyên tắc công bằng, khách quan, công khai, minh bạch và chất lượng trong tuyển dụng.

Và chúng tôi đã triển khai xây dựng phần mềm thi trực tuyến (online) và tổ chức áp dụng ngay trong kỳ thi tuyển dụng năm nay tại Bộ Nội vụ. Qua đó sẽ hoàn thiện và báo cáo cấp có thẩm quyền cho thực hiện ở các bộ, ngành và địa phương trong cả nước.

Tuy nhiên, mặc dù có ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo việc thi tuyển công tâm, chặt chẽ hơn nhưng tôi vẫn nhấn mạnh vai trò của công chức, viên chức trực tiếp làm công tác tuyển dụng.

Dù ứng dụng công nghệ đến đâu đi nữa thì vẫn do con người làm. Điều này đòi hỏi trách nhiệm của những người được giao nhiệm vụ tổ chức tuyển dụng phải được đề cao hơn nữa.

Như ở Ứng Hòa dù công chức, viên chức sai phạm nêu lý do là người này, người khác nhờ thì cũng đã vi phạm các quy định của pháp luật về thi tuyển.

Bởi cán bộ, công chức khi thực thi công vụ phải đảm bảo đúng các quy định của pháp luật. Nếu thực hiện không đúng, có vi phạm thì cơ quan có thẩm quyền phải xử lý tương xứng với mức độ sai phạm để giữ nghiêm kỷ cương.

Xem lại quy trình luân chuyển trưởng phòng nội vụ

- Dư luận đang rất băn khoăn về trường hợp ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Ứng Hòa. Tại sao khi đã có dư luận, tố cáo về tiêu cực trong thi tuyển công chức mà vẫn được luân chuyển về làm Chủ tịch UBND xã Hòa Xá?

Theo tôi khi đã phát hiện cán bộ, công chức có sai phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình thì phải thận trọng và hết sức cân nhắc việc điều động, bố trí công tác khác đối với cán bộ, công chức đó. Bởi cán bộ, công chức đó đang liên quan đến việc xác minh, kiểm tra vi phạm và mức độ sai phạm để xử lý kỷ luật.

Tôi cho rằng, khi đã có dư luận về tiêu cực, thậm chí có ý kiến của cấp trên chỉ rõ có sai phạm, cơ quan có thẩm quyền cấp trên đang tiến hành kiểm tra, thanh tra thì không được thực hiện việc điều động, luân chuyển cán bộ, công chức đó, nhất là lại chuyển sang giữ một chức danh chính quyền do dân bầu.

Thông tin trên báo chí cho thấy, khi đã có dư luận, tố cáo về tiêu cực trong thi tuyển công chức mà trưởng phòng nội vụ huyện lại được điều động, luân chuyển để giữ cương vị, chức vụ khác tương đương thì tôi cho rằng cần xem lại quy trình này và người có thẩm quyền quyết định điều động,luân chuyển sẽ phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

- Kết quả xác minh của Công an huyện Ứng Hòa cho thấy, chưa phát hiện được việc đưa, nhận tiền khi nhờ nâng điểm. Như vậy để điều tra xem có việc chạy công chức hay không như lời ông Trần Trọng Dực là không hề đơn giản, thưa ông?

Đúng là để điều tra làm rõ nghi vấn “chạy công chức” 100 triệu là rất khó. Tôi nghĩ việc nhờ vả, nâng đỡ không chỉ có lợi ích vật chất mà những lợi ích khác cũng có thể tác động chứ không phải riêng việc chạy tiền.

Có thể giáo viên trực tiếp nâng điểm đã được hứa hẹn điều này, điều kia về lợi ích tinh thần hoặc những ràng buộc trong mối quan hệ công tác. Điều tra việc này là rất khó.

Báo chí đã đưa kết quả xác minh của Công an huyện Ứng Hòa thì chứng tỏ cơ quan công an đã tiến hành điều tra, xác minh theo thẩm quyền. Tuy nhiên, như tôi nói để làm rõ có lợi ích vật chất và các lợi ích khác là không đơn giản.

- Phó Phòng GD&ĐT huyện Ứng Hòa Nguyễn Thị Sửu cho rằng sở dĩ ở đây bị lộ là do làm không khéo còn việc tiêu cực trong thi công chức là diễn ra ở nhiều nơi, nhiều ngành, ông đánh giá gì về nhận định này?

Tôi cho rằng đấy là tâm sự và nhận xét của một cá nhân. Tôi không bình luận gì về nhận định này, bởi tôi tôn trọng những suy nghĩ riêng tư của mỗi người.

Chỉ có điều tôi muốn nhấn mạnh là, những người được giao nhiệm vụ thực thi công vụ thì đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật về tuyển dụng công chức. Khi đã vi phạm thì phải bị xử lý nghiêm, tương xứng với mức độ vi phạm.

- Cảm ơn ông!

 

Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa (Hà Nội) Nguyễn Quyết Chiến: Luân chuyển anh Bình do xã đang thiếu cán bộ

Trước đó, trao đổi với PV, ông Nguyễn Quyết Chiến lý giải, việc luân chuyển Trưởng Phòng Nội vụ Nguyễn Đức Bình xuống làm Chủ tịch UBND xã Hòa Xá là do xã đang thiếu cán bộ.

Nguồn tại chỗ không có do Bí thư Đảng ủy xã sinh con thứ ba, tự làm đơn xin thôi cấp ủy. Dưới xã không có nguồn cán bộ làm bí thư, phải đưa chủ tịch xã lên làm bí thư đảng ủy. Nguồn chủ tịch phải đưa từ huyện xuống.

“Lúc đó dự kiến đưa một số trưởng, phó phòng của huyện xuống. Anh Bình là cán bộ trẻ, có năng lực, điều kiện thì đưa xuống xã để học tập”- ông Chiến nói.

Tuy nhiên, dù lý giải thế nào đi nữa thì việc luân chuyển ông Bình xuống xã khi đã có quyết định thành lập đoàn kiểm tra, xác minh thông tin tiêu cực trong tổ chức thi công chức mà ông Bình trong Hội đồng tuyển dụng là điều cần được làm rõ. Dư luận đặt nghi vấn phải chăng ông Nguyễn Đức Bình là con của nguyên Bí thư Huyện ủy nên được “ưu ái”?


Theo TPO

Bình luận
vtcnews.vn