• Zalo

'Chạy biên chế' 100 triệu đồng: 'Tôi không ngạc nhiên'

Thời sựThứ Hai, 10/12/2012 10:44:00 +07:00Google News

Giả dụ như thanh tra xây dựng, mỗi lần đi kiểm tra được lót tay 1 triệu đồng, như vậy đi kiểm tra trăm cái nhà là đủ vốn.

Ông Nguyễn Hữu Khiển - nguyên phó giám đốc Học viện Hành chính quốc gia - đã nói như thế khi bàn về chuyện “chạy vào công chức không dưới 100 triệu đồng” được đưa ra tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội.

Ông Nguyễn Hữu Khiển 
Ông Khiển nói:

- Sự chạy này có khi chỉ vài chục triệu, có khi lên đến một hai trăm triệu đồng tùy vị trí. Đừng hỏi là xảy ra ở cơ quan nào, hãy nhìn thẳng sự thật là cơ chế hiện nay khiến những chuyện như thế vẫn xảy ra.


Mảnh đất màu mỡ phát sinh tiêu cực

- Ông nói đến cơ chế, vậy đâu là “lỗ hổng” khiến việc thi tuyển công chức tưởng như chặt chẽ mà người ta vẫn “chạy” được?

Nguyên tắc của thi tuyển là gì? Là thiếu người thì mới thi tuyển. Nhưng ở ta lấy cái gì để làm căn cứ nói một cơ quan đủ hay thiếu.

Căn cứ vào đâu nói bộ phận A, bộ phận B nào đó thiếu mấy người. Cơ quan tổng kết năm thường nhấn mạnh “chúng ta phải tăng cường nhân lực”, như vậy là dọn chỗ cho thi tuyển, đó chính là kẽ hở rồi.


Do định danh công việc cho mỗi người trong tổ chức không rõ ràng nên năm nào cũng thi tuyển, nhưng cả xã hội lại kêu bộ máy, biên chế ngày càng phình ra, ngày càng cồng kềnh hơn. Đó chính là mâu thuẫn. Ở đời, mà cụ thể là ở nước ta, cái gì không rõ ràng thì chính là mảnh đất màu mỡ để phát sinh tiêu cực.

- Theo ông Trần Trọng Dực - chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội, người “tố” chuyện chạy công chức ra HĐND TP Hà Nội - đằng sau chuyện thi công chức còn rất nhiều việc phải bàn, ví dụ như “có trường hợp thí sinh làm bài không sai một dấu chấm, dấu phẩy so với đáp án”. Ông nghĩ sao?

Việc này không phải đến bây giờ mới có. Dư luận nói từ lâu, không gì qua được tai mắt người dân đâu. Có thể không nói công khai, nhưng ngồi với nhau thì họ nói thẳng chỗ này, chỗ kia bao nhiêu tiền. Anh Dực nói như vậy là rất bức xúc rồi. Chuyện “phao” trắng phòng thi công chức đã được báo chí phản ánh, đây là sự thật.

Nguyên nhân nằm ở cách thức tổ chức thi tuyển công chức hiện nay. Ví dụ như thi để nâng ngạch chẳng hạn, không nên bắt người ta phải thuộc, mà chủ yếu là hỏi tình huống, hỏi mở để gắn với việc người ta đang làm.

Cho người ta tự do tìm văn bản, chứ lại bắt người ta học thuộc như học sinh, sinh viên thì làm gì mà không mang “phao”, mang sách vào phòng thi. Phương pháp thi tuyển không đúng nên mới có chuyện bài thi giống đáp án 100%.


Không muốn thay đổi vì lợi ích

- Ai cũng kêu làm trong nhà nước lương thấp, mà tại sao vẫn có thể bỏ ra cả số tiền lớn 100 triệu đồng để chạy việc?

Vì họ tính toán là khi vào làm có thể thu lại số tiền đó. Có chỗ cũng chỉ mấy chục triệu thôi, chỗ tốt thì 100 triệu đồng, thậm chí có chỗ còn 200 triệu đồng. Giả dụ như thanh tra xây dựng, mỗi lần đi kiểm tra được lót tay 1 triệu đồng, như vậy đi kiểm tra trăm cái nhà là đủ vốn.

- Vì sao biết thi tuyển công chức có tiêu cực như vậy mà chúng ta không có biện pháp xử lý?

Nhiều người không muốn thay đổi. Đó là vấn đề lợi ích. Lợi ích đầu tiên là có tiền. Lợi ích thứ hai là có quan hệ. Người ta nhờ nhau chạy việc cho con cháu. Anh giúp tôi lần này thì tôi giúp anh lần khác. Trả nợ nhau bằng quan hệ.

- Ông từng là lãnh đạo Học viện Hành chính quốc gia, có bao giờ ông trực tiếp chứng kiến tiêu cực trong thi tuyển công chức?

Có chứ, nhưng những việc tôi biết thường là không lớn.

- Thái độ lúc đó của ông như thế nào?

Khi tôi làm chủ tịch hội đồng thi, có người báo cáo là có thí sinh mắc lỗi, tôi nói cứ giở quy chế mà ghi đúng lỗi và ký vào đó. Đúng lỗi gì xử lỗi đấy. Có trường hợp là con em một vị lãnh đạo, tôi cũng chỉ đạo làm đúng quy định. Không chấp nhận cho “chạy”.

Áp dụng công nghệ kiểm tra thi tuyển

- Ông đề xuất giải pháp nào để ngăn chặn, loại trừ tiêu cực trong thi tuyển công chức hiện nay?

 Thứ nhất, có thật sự muốn khách quan không, nếu thật sự muốn khách quan thì kêu gọi sáng kiến. Sẽ có đấy. Thứ hai, phải xác định vị trí việc làm, mô tả rõ ràng công việc, khung năng lực của việc làm cụ thể đối với từng đơn vị.

Qua đó để tránh chuyện nói đủ cũng được mà nói thiếu cũng xong. Thứ ba, thực tiễn cho thấy ở nước ta tìm được hội đồng thi khách quan rất khó. Cho nên cần phải áp dụng công nghệ vào việc quản lý, kiểm tra phòng thi và thí sinh.


Theo tôi, Chính phủ có thể nghiên cứu thành lập trung tâm thi tuyển công chức quốc gia, đặt cơ sở ở ba miền để tổ chức thi tuyển công chức cho các bộ ngành và địa phương. Tỉnh nào thì ngày nào, bao nhiêu thì đăng ký. Trong phòng thi có lắp đặt hệ thống camera hiện đại.

Xây dựng ngân hàng câu hỏi, thí sinh bốc thăm câu hỏi tại phòng rồi vào phòng làm bài. Giám thị ngồi ở ngoài. Nếu thi vấn đáp thì có ghi âm công khai cả câu hỏi của giám thị và trả lời của thí sinh đàng hoàng để loại trừ trường hợp “hỏi nhẹ, đáp khẽ” mà vẫn điểm cao. Hỏi “nặng” hay “nhẹ” là việc trong tầm tay giáo viên mà.


Theo cách thức thi tuyển lâu nay, nếu thí sinh gian lận cũng chỉ bị trừ điểm như các cuộc thi khác. Đây là lỗ hổng liên quan đến đạo đức công chức tương lai. Theo tôi, trong thi tuyển công chức, chúng ta không chấp nhận người cán bộ mà ngay từ đầu đã gian lận. Cho nên ai gian lận cần loại ngay và cấm không được thi công chức nữa.

- Ông có đảm bảo là áp dụng công nghệ vào thi tuyển công chức thì sẽ loại trừ được tiêu cực, vì như ông nói suy cho cùng vẫn do con người thực hiện?

Tôi đảm bảo có kết quả tích cực. Hãy công khai băng ghi hình và ghi âm cho xã hội và chính các thí sinh giám sát lẫn nhau. Cứ cho làm thí điểm ở Hà Nội, tổ chức một đợt thi khoảng 200 người sẽ thấy kết quả ngay.
 Cần chấn chỉnh việc thi tuyển công chức

Tổ chức thi tuyển công chức là để chọn người vào làm việc trong bộ máy nhà nước với mục đích công khai, chống được tệ nạn ô dù thân quen, tạo được sự công bằng cho mọi người có cơ hội như nhau tham gia vào bộ máy quyền lực nhà nước. Thông qua thi tuyển sẽ tạo ra quá trình cạnh tranh lành mạnh, chọn người đủ tiêu chuẩn góp phần nâng dần chất lượng đội ngũ công chức hành chính.

Trong bốn bộ phận cấu thành nền hành chính quốc gia: thể chế hành chính, tổ chức bộ máy hành chính, công chức hành chính và tài chính công thì công chức hành chính là bộ phận giữ vai trò chủ đạo. Lý do rất dễ thấy là vì con người tạo ra thể chế, con người tạo ra tổ chức, sử dụng tài chính công.

Chính vì vậy, thi tuyển công chức là một biện pháp chuẩn hóa đầu vào của đội ngũ công chức, mà ai cũng thấy là đội ngũ này còn nhiều bất cập. Có thể coi thi tuyển công chức là một chủ trương lớn, là một bước đột phá trong cải cách nền hành chính.

Ngay từ những năm đầu thực hiện thi tuyển, bộ trưởng, trưởng Ban Tổ chức cán bộ của Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội đã kêu gọi các đại biểu Quốc hội, HĐND tăng cường giám sát và ủng hộ việc thi tuyển công chức.

Vấn đề của chúng ta hiện nay là việc tổ chức thi tuyển nơi này nơi kia chưa làm tốt (nội dung câu hỏi, cách tổ chức, một số dấu hiệu tiêu cực...). Trong khi đó, một bộ phận trong xã hội lâu nay vẫn quen sống bằng con đường quen biết, bằng cương vị cá nhân mình, quen hưởng đặc quyền đặc lợi, dễ dàng đưa con em, người thân vào bộ máy nhà nước.

Nay bộ phận này phải đối mặt với một thực trạng là mọi người đều bình đẳng với nhau về cơ hội trở thành “công bộc“ của nhân dân, cho nên phải chạy chọt, lo lót. Từ đó mà lan rộng ra, rồi biến các cuộc thi tuyển công chức thành cái chợ mua bán. Theo tôi, thi tuyển công chức là cần thiết, nhưng phải có biện pháp để các cuộc thi này được thực hiện nghiêm túc, trong sáng và công bằng.

Theo Tuổi tr
Bình luận
vtcnews.vn